1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cầu Long Biên được trùng tu như thế nào?

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Khoảng tháng 8/2025, các chuyên gia của Pháp sẽ hoàn thành khảo sát toàn bộ cầu Long Biên nhằm đưa ra các giải pháp trùng tu cây cầu mang tính biểu tượng lịch sử này.

Ông Trịnh Đình Huy, Quản lý dự án của Công ty TNHH Artelia Việt Nam, cho biết, các chuyên gia của Pháp đã làm việc với các bên liên quan và khảo sát sơ bộ cầu Long Biên (Hà Nội).

Trước đó, Pháp cấp cho Hà Nội khoản tài trợ không hoàn lại hơn 700.000 euro (hơn 19 tỷ đồng) để nghiên cứu khả thi nhằm cải tạo cầu Long Biên.

Theo ông Huy, dự án hỗ trợ kỹ thuật do Pháp tài trợ chia làm ba hợp phần. Hợp phần một là thu thập dữ liệu, khảo sát thực tế chi tiết tổng thể công trình.

Hợp phần hai là lập mô hình tính toán, đưa ra các giải pháp về sửa chữa, gia cố, cải tạo phù hợp trong giai đoạn tới.

Hợp phần ba là nghiên cứu các công năng sử dụng khác trong tương lai của cây cầu sau khi cầu được bàn giao về Hà Nội, dự kiến là năm 2030.

Cầu Long Biên được trùng tu như thế nào? - 1

Các chuyên gia khảo sát cầu Long Biên (Ảnh: CTV).

Ông Huy cho biết, các chuyên gia sẽ khảo sát chi tiết, sau đó đưa ra các công nghệ, giải pháp cải tạo cầu Long Biên.

Với công năng sử dụng trong tương lai, ông Huy cho biết, theo quy hoạch, đường sắt quốc gia có thể không đi qua cây cầu này nữa nhưng có thể vẫn giữ lại đường sắt để làm du lịch...; công năng đường bộ khả năng sẽ được giữ nguyên.

Theo ông Huy, các chuyên gia của Pháp đang nghiên cứu, phân tích để đưa ra các đề xuất. Trong đó phần khảo sát được thực hiện liên tục trong ba tháng tới và toàn dự án sẽ kết thúc vào khoảng tháng 8/2025.

Ông Huy cho hay, các bên liên quan đã trao đổi sơ bộ, một trong những ý tưởng là cố gắng nâng cao giá trị văn hóa, lịch sử của cây cầu; cũng sẽ nghiên cứu về sự khả thi nếu khôi phục lại một số nhịp cầu theo nguyên trạng trước đây. Bên cạnh đó, có thể sẽ giữ lại một số nhịp cầu đã sửa chữa để bảo tồn các chứng tích của chiến tranh.

Ông Huy cũng cho biết, các chuyên gia đang trong quá trình thu thập dữ liệu và cũng đã tiếp cận được những tài liệu, bản vẽ từ thời đầu tiên.

Cầu Long Biên được trùng tu như thế nào? - 2

Công nhân thay thanh tà vẹt từ gỗ sang vật liệu composite hồi tháng 10 (Ảnh: CTV).

Cầu Long Biên được xây dựng năm 1898 và hoàn thành năm 1902. Cầu dàn thép dài 1.691m gồm 19 nhịp (chiều dài nhịp từ 51,2 đến 130m).

Sau 120 năm khai thác, sử dụng và trải qua hai cuộc chiến tranh, cầu Long Biên đã bị xuống cấp chỉ còn lại 9 nhịp ở phía Hà Nội và 3,5 nhịp phía Gia Lâm giữ được kiểu dáng cũ, các nhịp khác do bị bom đạn tàn phá đã được thay thế bởi nhịp dầm T66.

Hiện tại, ngoài phương tiện đường sắt, cầu Long Biên chỉ cho phép xe máy, xe đạp lưu thông. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã hạn chế tốc độ cho tàu qua cầu chỉ còn 15 km/h.

Cầu Long Biên được trùng tu như thế nào? - 3

Cầu Long Biên qua các thời kỳ (Ảnh: KTS Trần Huy Ánh).

Công ty cổ phần đường sắt Hà Hải là đơn vị được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ quản lý và duy tu, bảo dưỡng cầu Long Biên.

Trong tháng 10 và 11, công ty này sẽ thay trên 400 thanh tà vẹt từ gỗ sang vật liệu composite và duy tu dầm từ tháng 10 đến tháng 12.

Theo ông Tạ Quang Sơn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần đường sắt Hà Hải, mỗi năm công ty được đặt hàng duy tu một lần, bảo quản cầu ba lần và tổ chức các đoàn thường xuyên kiểm tra, theo dõi, phát hiện những vị trí hư hỏng để sửa chữa.

Cầu Long Biên được trùng tu như thế nào? - 4

Một góc cầu Long Biên trong nắng chiều thu Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

Cầu Long Biên là cây cầu huyết mạch của giao thông đường sắt, kết nối vận tải đường sắt với các tỉnh miền Bắc. Cây cầu cũng được coi là chứng nhân lịch sử, là công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.