Quảng Nam:
Cầu Giao Thủy - ước mơ cháy bỏng của người dân thượng nguồn Thu Bồn
(Dân trí) - Cây cầu Giao Thủy sẽ được khánh thành nhân kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng và 20 năm ngày tách tỉnh Quảng Nam. Đây là cây cầu mơ ước của người dân phía Tây tỉnh, đặc biệt là người dân các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Nông Sơn…
Chiều vừa tắt nắng, dù cầu Giao Thủy chưa khánh thành nhưng ông Lê Sáng cùng nhiều cụ già, trẻ em thôn Quảng Huế, xã Đại An, huyện Đại Lộc đã rảo bước lên cầu hóng những cơn gió mát lạnh từ sông Thu Bồn thổi lên. Ông bảo từ khi cây cầu này hợp long, chiều nào ông cũng cùng với những người dân ở đây tản bộ ra đây ngắm sông nước và tận hưởng những cơn gió mát từ sông Thu Bồn, người như khỏe hẳn lên.
Ông Sáng tâm sự: “Năm nay tôi đã 87 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời nhưng nay thấy cây cầu sừng sững bắc qua sông Thu Bồn vui lắm, muốn sống đến trăm tuổi để được nhìn thấy quê hương thay đổi”.
Ông Sang cũng chia sẻ, từ ngày khởi công cầu, người dân ở đây vui lắm, ai cũng mong cây cầu sớm hoàn thành để khỏi phải lụy đò ngang mỗi khi qua lại sông Thu Bồn. Giờ thì ước mơ đã thành hiện thực rồi, người dân hai bên bờ sông Thu Bồn sẽ qua lại thuận tiện, hàng hóa lưu thông cũng được dễ dàng, đời sống người dân chắc sẽ khấm khá hơn.
Trên chuyến đò ngang cuối cùng qua sông Thu Bồn, chúng tôi hỏi ông lái đò tên Lê Văn Đắc ở xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên có buồn không khi chỉ còn vài ngày nữa sẽ thất nghiệp? Ông Đắc nói nghề đưa đò “cha truyền con nối” của ông đã mấy chục năm nay, vài ngày nữa không còn được đưa đò nữa chắc chắn sẽ khó khăn vì cả nhà ông sống với nghề này.
Ông Đắc cho hay, mỗi ngày ông đưa hàng trăm lượt khách qua đò, kiếm cũng được vài ba trăm ngàn, ngày cuối tuần hay lễ tết thì kiếm khá hơn chút đỉnh, cuộc sống như thế cũng tạm ổn nhưng mai mốt cầu khánh thành, ông thất nghiệp thì cuộc sống chắc chắn sẽ khó khăn.
Ông Đắc tâm sự: “Gia đình tôi mấy chục năm làm nghề đưa đò, giờ lên bờ không biết làm cái chi để sống vì ruộng vườn không có; tuy chỉ còn vài ngày nữa thất nghiệp nhưng tôi cũng không thấy buồn mà trái lại cũng vui lây với người dân đôi bờ vì từ nay họ sẽ không phụ thuộc vào những chuyến đò ngang này nữa”.
Ông Đắc là một trong gần 10 người lái đò thuê ở đây sẽ thất nghiệp, còn những người làm chủ bến đò cũng trong hoàn cảnh tương tự. Bà Trương Thị Hỉ (60 tuổi) là một trong 3 người đấu thầu bến đò cùng với bà Phạm Thị Thuận, Lê Thị Nhung để đưa khách sang sông. Hỏi về việc sẽ thất nghiệp nay mai, bà Hỉ không những buồn mà còn cười vang cả khúc sông.
Bà nói: “Xa bến đò chúng tôi nhớ lắm chứ. Mấy chục năm nay cả 3 chị em tôi gắn bó với bến đò này rồi, nay không còn cũng nhớ lắm”. Thế sau khi rời bến đò, cả ba cô về làm nghề gì để sống?, bà Nhung nói: “Cái tuổi này về nhà thì chú bảo tôi làm cái chi? Thì cũng về nhà nuôi heo nuôi gà làm ruộng mà sống chứ!”.
“Làm ăn gắn bó mấy chục năm với bến đò, giờ nói buồn hay vui thì cũng vậy thôi vì nó cũng đến rồi nhưng nghĩ đến tương lai con cháu mai sau thì chúng tôi vui lắm, vì khi cây cầu hoàn thành lớp trẻ sẽ có điều kiện để làm ăn, phát triển. Hồi nớ chừ không có cây cầu, giờ có cầu thì tốt quá đi chứ. Bản thân tôi cũng mong có cây cầu chứ đừng nói chi mấy đứa trẻ”, bà Hỉ tâm sự.
Người lái đò trao đổi với phóng viên
Nhà cả ba cô nằm ngay tại đầu cầu Giao Thủy, hàng ngày chứng kiến cây cầu hình thành đồng nghĩa với công việc đưa khách sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, cả ba đều vui vẻ khi nói về cây cầu khi nó sắp được khánh thành và đi vào hoạt động.
Trao đổi với PV Dân trí về ý nghĩa của cây cầu Giao Thủy đối với việc phát triển kinh tế xã hội cũng như du lịch của các huyện phía Tây Quảng Nam, ông Đặng Bá Dự - Trưởng Ban quản lý xây dựng tỉnh Quảng Nam – chủ đầu tư dự án cho hay, cây cầu là mơ ước cháy bỏng của bà con.
“Cây cầu là động lực để phát triển kinh tế vùng Tây theo Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, kết nối di sản, kết nối liên vùng Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Cây cầu còn đóng vai trò đường gom lên cao tốc Bắc Nam”, ông Dự nói.
Cầu Giao Thủy bắc ngang sông Thu Bồn ngay ngã ba hợp lưu giữa 2 con sông Vu Gia và Thu Bồn. Cầu rộng 12m, dài hơn 1km, đường dẫn phía Nam tới đường ĐT 610 thuộc huyện Duy Xuyên nối với thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc qua đường ĐT 609B. Giai đoạn tiếp theo, cầu nối qua QL14B để phát huy hiệu quả hơn nữa.
Theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL Quảng Nam, khi cầu Giao Thủy hoàn thành, du khách sẽ rút ngắn được gần 10km từ Đà Nẵng lên Thánh địa Mỹ Sơn, tạo điều kiện cho du khách tham quan cũng như du lịch vùng phía Tây Quảng Nam phát triển.
Bên cạnh đó, cầu cũng là động lực để người dân vùng đầu nguồn sông Thu Bồn có điều kiện trao đổi lưu thông hàng hóa.
Công Bính