Câu chuyện tình yêu của người đàn ông 30 năm nằm đan thúng

(Dân trí) - Anh đã từng có một tình yêu đẹp nhưng cô gái ấy không đủ dũng khí để đến với chàng trai tật nguyền. Không ngừng khát khao hạnh phúc, sau này một tình yêu “rổ rá cạp lại” đã mang lại hơi ấm cho gia đình anh...

30 năm qua, anh Yến nằm đan lát các vật dụng để kiếm kế sinh nhai nuôi gia đình.
30 năm qua, anh Yến nằm đan lát các vật dụng để kiếm kế sinh nhai nuôi gia đình.

Số phận nghiệt ngã

15 tuổi, anh Nguyễn Hải Yến (SN 1959, xóm Nhân Hậu, xã Nam Sơn, Đô Lương, Nghệ An) bị liệt tứ chi, nằm một chỗ sau khi dẫm phải gai tre. Vết thương chẳng có gì to tát nên Yến chủ quan vẫn đi gánh phân bón ruộng như thường. Vết thương bị nhiễm trùng, chân sưng to, Yến lên trạm y tế xã lấy thuốc uống.

Thấy đỡ, lại tiếp tục với công việc phân gio giống má. Đến khi cái chân đi không nổi, cơn đau lan từ đầu gối lên xương chậu, rồi lên lưng thì mới tá hỏa đi chữa chạy. Ròng rã mấy năm trời bệnh tình không thuyên giảm mà càng nặng hơn. Khi chân không còn bước đi nổi, xương sống không còn đỡ nỗi tấm than gầy yếu, các ngón tay bị rút co quắp thì anh mới bàng hoàng nhận ra mình đã là người tàn phế.

30 năm qua, anh Yến nằm đan lát các vật dụng để kiếm kế sinh nhai nuôi gia đình.
Bất lực và mất niềm tin vào cuộc sống, người đàn ông này đã 3 lần tìm đến cái chết để giải thoát cho mình.

“Đang là một thanh niên khỏe mạnh, làm việc đồng áng cử phăng phăng bỗng nhiên thành người tàn phế, việc học hành thành ra dang dở, tương lai đổ ụp xuống thử hỏi có ai chịu nổi? Lúc đó, tôi tuyệt vọng cùng cực, chỉ muốn chết đi cho rồi”, anh chua chát nói.

Không còn niềm tin, không còn hy vọng, anh tìm đến cái chết. 3 lần, chàng thanh niên ấy đã quyết tâm tìm đến cái chết mặc những giọt nước mắt cầu xin của cha mẹ. Nhưng rồi, anh nhận được một bức thư của người bạn cùng chung số phận ở mãi Cần Thơ. “Tìm đến cái chết chỉ là một sự hèn nhát”, người bạn viết. Niềm kiêu hãnh bị đánh một đòn đau. Yến quyết định mình phải sống!

Đi tìm tình yêu

Trong hành trình chạy chữa, Yến đã quen và yêu một người con gái. Cô gái ấy không xinh nhưng có cái nét gì đấy ngang tàng, mạnh mẽ. Gia đình cô có điều kiện nhưng cô lại thiếu tình yêu thương, chăm sóc của người thân. Người con gái ấy đến với Yến như một người bạn, để sẻ chia buồn vui cuộc sống, để tìm một chỗ nương tựa về tinh thần và cũng chính cô đã động viên Yến rất nhiều, giúp Yến vượt qua mặc cảm của người tàn phế.

“Chuyện đến tai gia đình cô ấy. Mọi người ngăn cản quyết liệt. Không chịu nổi áp lực từ gia đình, chúng tôi chia tay. Tình yêu đầu đời và niềm hy vọng của tôi vỡ tan như thế”, anh Yến cười buồn.

Khi tưởng chừng hết hy vọng vào hạnh phúc lứa đôi thì hạnh phúc lại mỉm cười với anh. “Ngày ấy, qua lời giới thiệu của họ hàng tôi biết đến vợ tôi bây giờ. Lúc đó cô ấy đã có một đứa con gái 4 tuổi và đang mang bầu đứa thứ 2. Dần (Lê Thị Dần, vợ anh Yến - PV) bị gia đình chồng ruồng rẫy”, anh Yến kể.

Và rồi hạnh phúc cũng đã mỉm cười với anh khi có người vợ bầu bạn và những đứa con ngoan ngoãn.
Và rồi hạnh phúc cũng đã mỉm cười với anh khi có người vợ bầu bạn và những đứa con ngoan ngoãn.

Hai mảnh đời bị số phận làm cho bầm dập bỗng tìm thấy được sự an ủi trong gần 30 bức thư qua lại. Gạt qua mọi lời xì xào bàn tán, chị Dần gật đầu đồng ý về làm vợ anh Yến. Chị Dần nhớ lại: “Người ta bảo lấy anh Yến tôi sẽ khổ. Thà ở vậy nuôi con còn hơn là về hầu hạ một người nằm liệt giường như Yến. Biết lấy anh, tôi sẽ không được nương tựa chồng như những người phụ nữ khác nhưng tôi nhìn thấy ở anh sự chân thành và nhân hậu. Tôi tin một người ở tận cùng cái khổ như anh ấy sẽ biết yêu thương người khác, nhất là 2 đứa con riêng của tôi”.

Có một gia đình để lo lắng và những đứa con để yêu thương cưng nựng, Yến đã tự mình đứng lên để gánh trách nhiệm của người chồng, người cha. Từ chỗ chỉ nằm một chỗ, Yến đã học cách đi lại bằng chính cái lưng của mình. Yến cứ tự mình hẩy cho cơ thể lăn xuống đất rồi lết đi bằng lưng. “Đi” được, Yến cũng có thể giúp vợ những công việc nhẹ nhàng.

Vốn khéo tay, lại biết một chút về đan lát, anh Yến bảo vợ mua dây mây, ống tre về để đan rổ rá. Bàn tay với những ngón tay co rút nhiều lúc không cầm nổi chiếc dao khiến dao bật ngược vào mặt tóe máu. Dần dà những ngón tay đã tuân theo sự điều khiển của khối óc, những chiếc rổ, chiếc rá dần được hình thành.

Sản phẩm anh Yến làm ra được dân làng mua ủng hộ. Rồi những lúc nông nhàn, chị Dần lại mang ra chợ bán, có đồng vô đồng ra, bữa cơm gia đình cũng tươm tất hơn. Niềm vui như nhân lên khi vợ chồng anh tiếp tục đón thêm 2 thành viên mới. Càng hạnh phúc hơn khi trong gia đình không có tiếng xì xào “con tôi, con chúng ta”. Ngày Thu - đứa con riêng của chị Dần đi lấy chồng, anh cũng cố gắng chu toàn để con có một đám cưới bằng bạn bằng bè dù rằng hoàn cảnh gia đình chẳng lấy gì làm khá giả.

Tình yêu của người đàn ông tật nguyền đã có những quả ngọt đầu mùa.
Tình yêu của người đàn ông tật nguyền đã có những quả ngọt đầu mùa.

Cuộc sống càng khó khăn hơn khi bé Hằng - đứa con chung của anh chị, vào đại học. Trăm thứ phải lo, chị Dần phải xuống thành phố làm giúp việc, kiếm tiền nuôi con ăn học. Anh Yến ở nhà, vừa đan lát, vừa thay vợ làm mọi công việc “không tên” của người phụ nữ như giặt giũ, nấu nướng cho cậu con trai út đi học về có cái ăn.

Mỗi khi cần đi ra ngoài để lấy nước hay giặt giũ, anh nhích dần lưng ra mép giường rồi… tự thả người xuống nền nhà. Sau đó, bằng chính tấm lưng gầy guộc của mình, anh Yến nhích dần ra bể nước rồi bằng những ngón tay co quắp thực hành thành thạo mọi công việc “nội trợ”.

“Bát đũa còn có khi va chạm, huống chi là vợ chồng. Khó khăn nhiều, bế tắc nhiều nên không tránh khỏi những giận hờn, cãi vã. Những lúc như thế, vợ chồng mỗi người nhịn một tý, qua rồi thôi. Bí quyết “giữ lửa” của tôi chỉ có thế thôi”, đôi mắt trũng sâu của người đàn ông tật nguyền ánh lên niềm vui, bé nhỏ và giản dị…

Hoàng Lam