Cậu bé “Dũng sỹ diệt Mỹ” suốt đời học và làm theo lời Bác dạy
(Dân trí) - Trở thành "Dũng sỹ diệt Mỹ" khi mới 14 tuổi, 4 lần được gặp Bác Hồ. Đó là những kỷ niệm sâu đậm không thể nào quên của thầy Võ Phổ (giảng viên Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh).
Cậu bé “Dũng sỹ diệt Mỹ”
Sinh ra ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng, khi mới 13 tuổi, cậu bé Võ Phổ tham gia vào đội du kích ở xã Hòa Liên (Hòa Vang, Đà Nẵng). Đến năm 1965, Võ Phổ cùng với hai người bạn trở thành những đội viên đầu tiên của “Đội quyết tử Nguyễn Văn Trỗi”. Đội quyết tử này đã tổ chức hơn 70 trận đánh, tiêu diệt được 162 tên lính Mỹ và nhiều phương tiện của địch.
Với riêng mình, ngay trong trận đầu, Võ Phổ đã tiêu diệt được 7 tên, được tặng danh hiệu "Dũng sỹ diệt Mỹ". Sau đó, Võ Phổ được tặng thêm danh hiệu này 11 lần nữa với tổng số 62 tên địch bị tiêu diệt.
Chia sẻ về kỷ niệm niệm này, thầy Võ Phổ kể lại với giọng hóm hỉnh: "Lúc đó, khắp quê hương Hòa Vang, đâu đâu cũng có quân Mỹ. Ai siêng đánh thì tiêu diệt được nhiều thôi. Càng đánh, càng có động lực, tìm mọi cách để đánh, từ tiêu diệt quân địch đến máy bay, tàu thủy và nhiều trang thiết bị chiến đấu của địch".
Những chiến công nối tiếp chiến công của Võ Phổ cùng các thành viên “Đội quyết tử Nguyễn Văn Trỗi” đã là nỗi ám ảnh đối với quân địch khắp vùng. Một trong những trận đánh đáng nhớ của Võ Phổ là tiêu diệt, cho nổ tung chiếc trực thăng tiếp tế của địch vào đầu năm 1967, khiến 7 tên lính tan xác và cả đồn Mỹ Lệ lúc đó náo loạn.
Một ngày tháng 7/1967, trong một trận đánh, cậu bé Dũng sỹ Võ Phổ tưởng như đã hy sinh khi phải hứng chịu loạt đạn của địch, bị thương nặng với nhiều mảnh đạn găm vào bàn chân, hai bắp đùi, xuyên cổ, miếng đạn găm vào đầu. Phổ được đưa đi điều trị cấp cứu ở trong cứ.
Chỉ vào vết thương lõm sâu lòng bàn chân, thầy Võ Phổ cho biết: "Cũng may là viên đạn nổ sớm chứ không nó đi thẳng, xuyên qua coi như nát cả bàn chân rồi. Vết thương này cũng là vết thương nặng nhất. Sau này khi ra Bắc, Bác Hồ gặp, đã hỏi thăm và mở ra xem tình hình vết thương thế nào".
Sau khi tham gia 70 trận đánh và cùng đồng đội tiêu diệt 162 tên Mỹ, trong đó riêng mình tiêu diệt 62 tên, cùng với 14 vết thương trên người, Võ Phổ khi 17 tuổi đã vinh dự được tham gia Đoàn dũng sỹ trẻ miền Nam ra thăm miền Bắc vào năm 1968. Chuyến đi đã thực sự là bước ngoặc lớn của cuộc đời của Võ Phổ, cậu bé "Dũng sỹ diệt Mỹ" ưu tú của vùng đất Hòa Vang với 4 lần được gặp Bác Hồ, rồi trở thành thầy giáo dạy Triết học và Tư tưởng Hồ Chí Minh cho đến hôm nay.
Mãi khắc ghi lời Bác dạy
Sau hơn 3 tháng vượt Trường Sơn, băng rừng, lội suối với cái chân còn đau do các mảnh đạn còn găm ở chân, Võ Phổ cùng Đoàn dũng sỹ đã ra đến Hà Nội. “Ra Bắc sẽ được gặp Bác Hồ chính là nghị lực để tôi vượt qua nỗi đau”, thầy Võ Phổ chia sẻ.
Rồi mong ước được gặp Bác cũng đã trở thành hiện thực và không chỉ một lần mà tới 4 lần. Nhớ như in trong lần đầu tiên gặp Bác, thầy Võ Phổ bồi hồi: "Các dũng sỹ miền Nam vừa xuống xe thấy Bác Hồ, Bác Tôn mừng lắm, chạy ùa vào. Chân tôi đau nên đi chậm. Sau khi hỏi thăm từng bạn, bất ngờ Bác gọi: “Cháu Võ Phổ lại đây với Bác”, rồi Bác hỏi: Vết thương của cháu nơi bàn chân trái giờ nó thế nào rồi? Sau đó, Bác bảo tôi mở bỏ vớ ra để Bác xem vết thương. Khi thấy vết thương, Bác liền nói: Vết thương của cháy còn rất nặng. Sau khi ăn cơm xong, Bác đưa cháu đi bệnh viện để chữa cho lành hẳn vết thương".
“Lúc đó, tôi rất xúc động. Bác bao nhiêu công việc của đất nước nhưng vẫn quan tâm đến từng việc nhỏ, từng vết thương của chúng tôi. Sau này, khi các dũng sỹ ở lại học tập, Bác luôn quan tâm việc học của từng người, ai học tốt, ai chưa tốt Bác đều biết”, thầy Võ Phổ nhớ lại.
Thầy Võ Phổ kể: " Khi trò chuyện, biết chúng tôi chỉ mới học hết lớp 1, lớp 2, thậm chí nhiều bạn chưa biết chữ, Bác khuyên: Các cháu phải gắng học. Làm người cần phải có tâm đức, ý chí và tri thức. Các cháu phải học để đến ngày hòa bình còn góp sức xây dựng miền Nam. Sau lần đó, chúng tôi được giữ lại ở miền Bắc và được các cô chú ở Tổng cục Chính trị tổ chức cho đi học văn hóa”.
Sau lần đó, đến trước khi Bác mất, Võ Phổ và các bạn của mình còn được gặp Bác thêm 3 lần nữa. Lần nào cũng đầy ắp kỷ niệm, cảm nhận được những lời dạy của Bác rất tinh tế, khéo léo.
“Những lần đi đón khách với Bác, chúng tôi luôn đến sớm. 3 giờ đón khách, 2 giờ rưỡi chúng tôi đã có mặt ở Phủ Chủ tịch. Vừa thấy chúng tôi, Bác chỉ tay vào đồng hồ: “Bác rất vui vì các cháu đến đúng giờ”. Một lần, đó là lời khen, nhiều lần như vậy đó là bài học, lời dạy”, thầy Phổ chia sẻ. Thực hiện lời dạy đó của Bác, suốt 40 năm qua, thầy Võ Phổ luôn luôn lên lớp đúng giờ, không chậm 1 phút nào.
Qua những lần gặp Bác, được cảm nhận những lời dạy của Người, chàng thiếu niên Võ Phổ đã luôn khắc ghi, thôi thúc bản thân thực hiện những lời chỉ dạy đó. “Bác đã truyền cho chúng tôi ý chí, nghị lực vươn lên. Trong những lúc khó khăn hay vui sướng, tôi đều nghĩ đến Bác, nhớ đến những lời Bác dạy”, thầy Võ Phổ bộc bạch.
Sau khi đất nước thống nhất, chàng sinh viên Đại học Xây dựng Võ Phổ quyết định chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh, lựa chọn ngành Triết học thuộc Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục học như lời dặn dò của Bác.
Ra trường năm 1980, thầy Võ Phổ được phân công về giảng dạy ở Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho đến bây giờ. “Học Triết, tham gia giảng dạy các môn lý luận, tư tưởng, những câu chuyện mà bản thân được học trực tiếp từ Bác những chất liệu quý để tôi đưa vào bài giảng, truyền đạt cho sinh viên. Suốt quá trình giảng dạy của mình, tôi luôn cố gắng chia sẻ những câu chuyện về Bác một cách giản dị, sinh động nhất. Bác không nói những câu giáo điều bao giờ. Lời Bác nói luôn cực kỳ sâu sắc”, thầy Võ Phổ tâm sự.
Với công tác giảng dạy, học Bác, thầy Võ Phổ luôn tâm niệm phải cố gắng là tấm gương sáng cho sinh viên phấn đấu không ngừng, học tập, làm việc và cống hiến hết mình. “Học Bác không cần gì to tát, sống thật đàng hoàng, hành động đúng với lương tâm của mình là được rồi”, thầy Võ Phổ nói.
Với những thành tích đặc biệt trong chiến đấu như vậy, nhưng khi hỏi về danh hiệu ghi công, thầy Võ Phổ chia sẻ: “Khi học tập ở miền Bắc, giấy tờ, bằng khen cũng bị thất lạc hết. Sau này, nhiều đồng đội, đơn vị cũng động viên làm hồ sơ để phong tặng danh hiệu Anh hùng, khen thưởng các loại. Nhưng thôi, thành tích, danh hiệu của mình đã được đồng đội, nhân dân, các thế hệ sinh viên ghi nhận rồi cần danh hiệu đó để làm gì đâu”.
Hoàng Tuấn
TTXVN