Cát tặc oanh tạc: Chính quyền buông lỏng quản lý?

(Dân trí) - “Tài nguyên khoáng sản thuộc sở hữu quốc gia không thể để một nhóm người tự ý xâm phạm trục lợi. Việc khai thác cát trái phép tại cửa Ba Lạt cần thiết phải có nhiều cơ quan vào cuộc” - luật sư Vi Văn Diện thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội khẳng định.

Các tàu khai thác cát trái phép hoạt động tại cửa Ba Lạt.
Các tàu khai thác cát trái phép hoạt động tại cửa Ba Lạt.

Liên quan đến tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng thuộc khu vực cửa Ba Lạt, xã Giao Thiện, Giao Thủy, Nam Định, trong suốt thời gian dài, PV Dân trí đã có buổi làm việc với Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Nam Định. Ông Đoàn Minh Vụ - Trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản - Khí tượng thủy văn - Sở TN-MT tỉnh Nam Định - cho hay, thực trạng hàng chục tàu khai thác cát trái phép hoạt động tại khu vực cửa sông Ba Lạt đã diễn ra nhiều năm. Sở TN-MT tỉnh Nam Định đã nắm được thông tin, vài lần đã tiến hành xử lý, yêu cầu chấm dứt song thực trạng trên vẫn tồn tại suốt nhiều năm.

“Việc khai thác cát rầm rộ khi chưa được cấp phép tại khu vực cửa sông Ba Lạt (Giao Thủy - Nam Định) là trái pháp luật. Các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc truy thu số tiền đào cát trái phép này” - ông Vụ khẳng định.

 Ông Vụ cho biết thêm, trên địa bàn tỉnh Nam Định có 14 điểm mỏ được quy hoạch khai thác cát trong thời gian từ năm 2002 - 2010. Khu vực cửa sông Ba Lạt vốn không nằm trong các điểm mỏ quy hoạch mà để phục vụ nhu cầu sản xuất, tỉnh Nam Định đã đưa khu vực này vào điểm mỏ quy hoạch.

Các tàu khai thác cát trái phép hoạt động tại cửa Ba Lạt.
Ông Đoàn Minh Vụ - Trưởng phòng tài nguyên nước, khoáng sản - Khí tượng thủy văn - Sở TN&MT tỉnh Nam Định khẳng định việc khai thác cát rầm rộ khi chưa được cấp phép tại khu vực cửa sông Ba Lạt (Giao Thủy - Nam Định) là trái pháp luật.

Theo đó, UBND tỉnh Nam Định giao Sở TN&MT tiến hành các thủ tục để cấp phép cho khai thác điểm mỏ này trong tương lai. Thông tin từ Phòng Tài nguyên nước, khoáng sản, điểm mỏ Ba Lạt có trữ lượng 1,8 triệu khối, kéo dài hơn 3.000m.

Ông Vụ khẳng định ngay cả khi cấp phép khai thác điểm mỏ Ba Lạt, để tránh thất thoát tài nguyên của nhà nước, chính quyền cấp xã, huyện cùng các cơ quan chức năng liên quan cũng cần phải thực hiện chức năng giám sát triệt để. Đặc biệt, khu vực Ba Lạt khi trở thành điểm mỏ khai thác thì vấn đề an toàn đê điều cũng đặc biệt quan trọng bởi các chủ tàu khi không được giám sát có thể luồn tua vòi vào chân đê lấy cát.

Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, trong suốt một thời gian dài, tại đoạn cuối sông Hồng đổ ra biển nằm giữa địa phận huyện Tiền Hải (Thái Bình) và huyện Giao Thủy (Nam Định) không bình yên bởi hàng chục tàu cát trái phép ngang nhiên ra vào rầm rập suốt ngày để “ăn cát”.

Không như các tàu cát tặc thông thường phải lén lút hoạt động, trốn tránh cơ quan chức năng, tại khu vực này, cả chục chiếc tàu với đẩy đủ những vòi ống, máy móc đua nhau “dàn trận” phía bờ sông Nam Định, nổ máy xình xịch vang cả một vùng rộng lớn hút cát như một… đại công trường.

Trả lời việc này, Thiếu tá Nguyễn Thanh Tuyền - Phó phòng PC 68 cho biết: “PC 68 Công an tỉnh Nam Định đã thành lập một tổ công tác kiểm tra thực tế tại hiện trường. Kết quả kiểm tra khẳng định nạn “cát tặc” hoành hành tại cửa Ba Lạt là có thật.

Theo thiếu tá Tuyền, khu vực đang bị cát tặc hoành hành trong suốt nhiều năm nay không có lũ vì vậy lượng cát đáy sông đang bị khai thác đến cạn kiệt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đê điều và dòng chảy của con sông.

Như vậy, nếu cơ quan chức năng tỉnh Nam Định họp bàn xem xét việc cấp phép khai thác cát bên bờ sông Hồng thuộc thuộc địa bàn huyện Giao Thuỷ, có cần tính đến yếu tố ảnh hưởng của dòng chảy bên lở có nguy hại đến sinh hoạt, đời sống và hoa màu của người dân ven sông hay không? Cần tính phương án truy thu tiền khai thác cát trái phép của các đối tượng để nộp về ngân sách phục vụ các công việc liên quan đến đời sống, an sinh của địa phương?

 
Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng việc buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng dẫn đến tình trạng khai thác cát không phép một cách ồ ạt trên cửa Ba Lạt tại Nam Định cần thiết phải có nhiều cơ quan hữu quan có trách nhiệm, thẩm quyền vào cuộc.
 
“Trong khi chính quyền địa phương chỉ xử lý nạn khai thác cát trái phép được như vậy, nghĩa là xử lý nhiều lần nhưng tình trạng vi phạm vẫn tái diễn thì theo tôi cần thiết có sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền cao hơn, như thanh tra Sở, thanh tra Bộ tài nguyên & môi trường, Cảnh sát tài nguyên & môi trường... cùng phối kết hợp, chỉ đạo quyết liệt, giám sát chặt chẽ và kiên quyết đối với việc xử lý vi phạm của chính quyền địa phương” - luật sư Diện nói.

Theo luật sư Diện, ngoài việc yêu cầu chính quyền địa phương xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 150/2004/NĐ-CP ngày 29/7/2004 và Nghị định số 77/2007/NĐ-CP ngày 10/5/2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 150 nêu trên thì cần có quy định và chế tài bổ sung đối với trách nhiệm của chính quyền về việc thiếu trách nhiệm, tắc trách, quan liêu dẫn đến thực trạng cát tặc hoành hành tại địa phương.

“Tài nguyên khoáng sản là tài sản thuộc sở hữu quốc gia không thể để một nhóm, một số người có thể tự ý xâm phạm. Vấn đề mấu chốt tôi cho rằng do có sự buông lỏng mới dẫn đến tình trạng đó” - luật sư Diện khẳng định.

 Quốc Đô - Anh Thế