1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

ĐBSCL:

Cắt luồng giao thông đường thủy, nạo vét kênh, đắp đập… ngăn mặn

(Dân trí) - UBND tỉnh Kiên Giang có công văn đề nghị ngành chức năng cắt luồng giao thông đường thủy kênh Ông Hiển; An Giang bắt đầu nạo vét kênh Vĩnh Tế để đảm bảo sản nông nghiệp, sinh hoạt trong mùa khô 2020.

Tại Kiên Giang, ngày 12/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình ký công văn hỏa tốc gửi đến Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam đề nghị cắt đường giao thông đường thủy kênh Ông Hiển để giữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân trong mùa khô 2020.

Theo đó, UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng trước tình hình mực nước đầu nguồn và các trạm nội đồng tỉnh Kiên Giang giảm rất nhanh, mặn xâm nhập và nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt là rất lớn.

Cắt luồng giao thông đường thủy, nạo vét kênh, đắp đập… ngăn mặn - 1

Cán bộ An Giang, Kiên Giang... thường xuyên kiểm tra độ mặn trên các kênh nội động để kịp thời có những giải pháp đảm bảo vụ lúa đông xuân không bị thiệt hại nặng

Để chủ động, ứng phó với tình hình khô hạn, xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp, khó lường và không để xâm nhập sâu, giữ ngọt, ngăn mặn phục vụ sản xuất trong mùa khô 2020, UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam tạo điều kiện cho phép Kiên Giang được cắt luồng giao thông đường thủy trong thời gian đắp đập kênh Ông Hiển.

Thời gian thực hiện từ 14/2 đến đầu 5/2020. Vị trí đắp đập từ Kênh Cụt đến rạch Tà Niên (cách Vàm Kênh Cụt về hướng rạch Tà Niên khoảng 1350m, thuộc xã Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang).

Tại An Giang, theo kế hoạch phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất, dân sinh 2020, An Giang cho rằng tình hình khô hạn, xâm nhập mặn năm nay sẽ xảy ra sớm, sâu và gay gắt hơn và có khả năng tương đương mùa khô 2015 - 2016. Trước dự báo này, An Giang đã chủ động ứng phó với tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn.

Tính đến thời điểm hiện tại, do các cống ngăn mặn ở Kiên Giang năm nay đã đóng chặt nên tại các vùng sản xuất giáp ranh với Kiên Giang như Tri Tôn, Thoại Sơn, chưa ảnh hưởng hạn mặn. Riêng tình trạng thiếu nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất ở các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên đang ảnh hưởng lớn.

Cắt luồng giao thông đường thủy, nạo vét kênh, đắp đập… ngăn mặn - 2

Ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang (người đi đầu) trong một lần kiểm tra vùng sản xuất lúa ở huyện Tri Tôn

Theo dự báo ngành chức năng tỉnh An Giang, tình hình khô hạn kéo dài sẽ ảnh hưởng tới việc bơm tưới tiêu cho diện tích sản xuất hơn 9.300ha (Tri Tôn và Tịnh Biên trên 5.000ha và diện tích còn lại tập trung ở các huyện thị, như: Phú Tân, Châu Đốc, Tân Châu); Sẽ có khoảng 10 -20 hộ/xã ở các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên có khả năng thiếu nước sinh hoạt.

Đối với sản xuất và sinh hoạt, giao thương, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang đã phối hợp với 4 đơn vị tiến hành nạo vét kênh đào Vĩnh Tế với chiều dài hơn 42km.

Cắt luồng giao thông đường thủy, nạo vét kênh, đắp đập… ngăn mặn - 3

Nếu tình hình khô hạn, xâm nhập mặn kéo dài sẽ có hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng

Theo đơn vị này cho biết, khoảng giữa tháng 2, các đơn vị thi công đã bắt đầu nạo vét. Các đơn vị thi công sẽ tập trung nạo vét kênh Vĩnh Tế có cao trình đáy âm 3,5m (từ đáy sông xuống), nâng cấp chiều rộng từ 30m thành 35m. Tổng kinh phí đầu tư nạo vét lần này trên 230 tỷ đồng.

Được biết, kênh Vĩnh Tế (đi qua tỉnh An Giang và Kiên Giang) là kênh đào được cho là vĩ đại nhất lịch sử thời phong kiến. Thời Nguyễn (vua Gia Long) nhận thấy vùng đất này cần có kênh đào để phát triển giao thông, phục vụ sản xuất lâu dài nên đến khoảng năm 1819, vua Gia Long lệnh cho đào kênh. Sau 5 năm, kênh Vĩnh Tế hoàn thành có chiều dài khoảng 87km (trong đó có sông Giang Thành có sẵn dài hơn 42km).

Kênh từng được nạo vét gần nhất vào năm 1997. Đến nay kênh Vĩnh Tế vẫn là con kênh trọng yếu trong giao thương và sản xuất của các tỉnh miền Tây, nhất là Kiên Giang và An Giang.

Nguyễn Hành