1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cao điểm về Tết: Khách ngất, chủ bến “mệt”

(Dân trí) - Các bến tàu, bến xe vừa trải qua hai ngày “nghẹt thở”. Một số hành khách đã bị ngất do chen lấn xô đẩy. “Vô cùng căng thẳng, đau hết cả đầu”, Giám đốc bến xe lớn nhất Hà Nội cho biết một cách tóm tắt về những ngày cao điểm khách đổ về Tết.

Hành khách ngất vì tranh cướp xe

 

Có mặt lúc 8h30 sáng 10/2 (23 Tết) tại Bến xe khách phía Nam Hà Nội, chúng tôi lọt thỏm giữa một biển người. Phía trước quầy bán vé về các tuyến Vinh, Thanh Hoá, Nam Định hàng trăm hành khách nối đuôi nhau. Nhân viên bảo vệ phải rất vất vả giữ trật tự. Một số người không chịu nổi cảnh chen lấn, xô đẩy phải bứt hàng chạy vội về phía trong sân bến lúc này cũng đang vô cùng hỗn loạn.

 

Tiếng hò hét của cả hành khách và chủ xe tạo nên một thứ không gian náo loạn khủng khiếp. Mọi lái xe thay vì “đưa rước” hành khách ngay từ khu vực mua vé như các ngày thường, đợt này lại phải làm nhiệm vụ… đẩy bớt khách xuống xe. “Nhiều khi cáu lên, văng tục với khách nhưng họ vẫn bỏ ngoài tai, đẩy em ngã dúi dụi để trèo lên xe”, một lơ tuyến Vinh thở hổn hển cho biết.

 

Trong trường hợp dọc đường bị nhà xe bán khách hoặc nhồi nhét khách, hành khách nên ghi lại biển số xe để báo cho đường dây nóng các bến xe hoặc Cục đường bộ.

 

BX Giáp Bát: 04.8641467, 04. 6644298

 

BX Nước Ngầm: 04.8612158 - máy lẻ 11 hoặc 12

 

Bộ phận chống xe "dù" (Cục đường bộ): 04.8571450-0913318750.

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Xí nghiệp Bến xe Giáp Bát liên tục chạy đi chạy lại, gương mặt căng thẳng: “Chỉ trong khoảng từ 7 giờ đến 9h30 ngày hôm nay, đã có khoảng hơn 3 ngàn hành khách đổ về bến xe Giáp Bát. Vì đã lường trước đây là đợt “đổ khách” sinh viên nhưng không ngờ lại đông đến dữ dội như vậy. Chúng tôi phải điều đến 1.175 xe khách giải toả cấp tốc. Xe chạy về các tuyến Thanh Hoá, Vinh, Thái Bình, Nam Định vẫn là căng thẳng nhất”.

 

Trước đó, ngay từ đầu tháng 1, Ban quản lý bến xe phía Nam cũng sắp xếp, phân luồng khu vực quảng trường trước cổng bán vé và khu vực bên trong sân bến. Tuyến Thái Bình - vốn luôn là điểm nóng trong những đợt cao điểm được tách khỏi khu vực cũ, xếp gần cổng ra vào. Sáng qua, 11/2, Bến xe Giáp Bát cũng phải điều động hơn 1 nghìn đầu xe chất lượng cao giải toả cấp tốc hơn 2 vạn hành khách.

 

Theo quan sát của chúng tôi, có một vài hành khách đã bị ngất do chen lấn xô đẩy khi giành ghế lên xe.

 

“Tập quán chung của người Việt mình thường đi vào ngày chẵn, 2 ngày vừa qua có thể nói là cao điểm nhất trong dịp Tết này. Những ngày tới, hành khách chủ yếu là cán bộ, công chức và rải rác trong vài ngày nên không quá đáng lo”, ông Nguyễn Tiến Thành cho biết.

 

Trái với cảnh quá tải tại bến xe Giáp Bát, các bến xe khách Gia Lâm, Lương Yên, Nước Ngầm lượng hành khách tăng vừa phải so với ngày thường. Tại bến xe Nước Ngầm, tuyến căng thẳng nhất là Vinh, Quỳnh Lưu. Khác với những ngày thường, hành khách tuyến xe luôn nhận được cảnh báo từ phía người bán vé: Nên ra sớm trước 7 giờ thì mới có xe mà về! Lý do, ngày thường những xe này chạy theo giờ quy định tuy nhiên những ngày giáp Tết, tránh cảnh ùn tắc, khách lên đầy xe là xuất bến.

 

Bến xe Gia Lâm những ngày này lượng khách tăng 20-30% so với ngày thường. Tuyến gây nghẹt thở nhất vẫn là Hạ Long, Hải Phòng.

 

Đặc biệt khác với những năm trước, năm nay theo đánh giá chung của các Ban quản lý các bến xe, các lái xe tuân thủ nghiêm quy định nhập, xuất bến nên những vi phạm phải đình tài trong những ngày qua không có. Duy nhất, một trường hợp tại bến xe Lương Yên đối với lái xe  tuyến Cao Bằng mang BKS 11K-2484 vì chạy vòng vo đón khách.

 

“Vênh” giá giữa trong và ngoài bến

 

“Không thể hiểu nổi, chỉ cách cổng bến có vài trăm bến mà họ sẵn sàng “chẹt” cổ chúng tôi”, hành khách Nguyễn Ngọc Quang vừa lếch thếch ôm ba lô tất tả quay về cổng bến Gia Lâm, vừa giận dữ nói với chúng tôi. Theo vị hành khách này, bình thường tuyến Hà Nội - Hải Phòng chỉ 30 nghìn đồng. Yên tâm lên xe, nhưng vừa tới khu vực Sài Đồng, chủ xe đã hét hành khách: 40 nghìn đồng/vé, ai không chịu, xuống xe.

 

“Trong túi em chỉ còn đúng 30 nghìn, không lẽ xuống tới Hải Dương rồi đi bộ về Hải Phòng. Đành quay về khu trọ, vay giật được tý nào mà về nhà vậy”, Quang buồn bã lắc đầu.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng này diễn ra khá phổ biến tại các tuyến xe về Hạ Long, Vĩnh Bảo (Hải Phòng), Vinh, Hà Tĩnh, Thanh Hoá. Thậm chí, để ngăn hành khách tức giận xuống xe, các chủ xe bày chiêu ních đầy khách dọc đường đi, đến khi rời bến một khoảng khá xa mới hét giá trên trời để hành khách trên xe rơi vào cảnh “đã trót thì trét”.   

 

Trước tình trạng đó, không ít hành khách đi xe tuyến Hà Nội - Hải Phòng nhưng xuống các điểm dọc đường như Hải Dương, Hưng Yên… gặp không ít khó khăn. “Bọn họ hỏi về đâu, cứ bảo xuống Hải Dương là họ (chủ xe) lại đẩy xuống. Đến khi chúng tôi chấp nhận bỏ tiền tương đương về Hải Phòng họ mới đồng ý cho lên xe”, Trần Thuỳ Linh - sinh viên ĐH Công Đoàn cho biết.

Phúc Hưng