1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cảnh sống khó tin giữa thủ đô: Ăn ngủ cùng nước cống, đội nón đi vệ sinh...

(Dân trí) - Không nằm trong danh sách 42 chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm, thế nhưng nhiều năm qua hàng trăm hộ dân tại khu nhà C5 Quỳnh Mai – Hà Nội phải sống trong sự bất an, thấp thỏm bởi căn nhà xuống cấp và dường như có thể sập bất cứ khi nào.

Ăn ngủ… cùng nước cống

Nhiều năm nay, hàng trăm người dân ở khu tập thể C5 Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang phải hàng ngày, hàng giờ sống trong sự ẩm thấp, tối tăm cùng nỗi bất an, thấp thỏm trong căn nhà có thể sập bất cứ khi nào. Được xây dựng từ năm 1960 và đưa vào sử dụng năm 1964, trải qua hơn 60 năm nhưng tòa nhà này chưa một lần được sửa chữa, tôn tạo nên đã xuống cấp ở mức báo động.

Các dầm chịu lực tầng 2, 3, 4 đều đã nứt toác trơ hết sắt thép, tường thì bong tróc, ẩm thấp. Đặc biệt toàn bộ tầng 1 bị lún tới khoảng...2m so với mặt đường. Trời nắng cũng như mưa, nước cống từ dưới đất đùn lên sàn nhà, gây ra tình trạng ẩm thấp và hôi hám. Gần 20 hộ dân sống ở tầng 1, luôn phải có các máng ngăn nước và chuẩn bị các miếng vải lớn để thấm hút thường xuyên.

Khu Tập thể C5 Quỳn Mai được xây dựng từ năm 1960, hiện tại đã bị xuống cấp trầm trọng
Khu Tập thể C5 Quỳn Mai được xây dựng từ năm 1960, hiện tại đã bị xuống cấp trầm trọng

Bà Nguyễn Thị Năm (người dân sống ở tầng 1, nhà C5) mệt mỏi cho biết, nhiều năm qua chưa đêm nào gia đình bà được ngủ một giấc trọn vẹn: “Chỉ cần trời mưa là nước sẽ chảy vào nhà lênh láng, phải trắng đêm thay nhau tát nước ra ngoài. Có hôm ngủ quên, nước đã ngập đến sát mép giường, đồ đạc trôi nổi khắp nhà. Trời nắng, nước cống dội ngược lên sàn nếu không có vải thấm là sẽ tạo thành vũng nước và bốc mùi hôi thối đến ngạt thở”.

Căn nhà bà Năm rộng vỏn vẹn 19m2, nhưng từ nhiều năm qua lại là nơi sinh sống của 7 nhân khẩu. Nhà chật, lại bị lún sâu xuống đường nên mỗi lần ra vào, các thành viên trong gia đình bà đều phải gập người, khom lưng. Bất tiện nhất là một tầng với gần 20 hộ dân phải dùng chung một nhà vệ sinh khoảng 15m2, mỗi buổi sáng lại diễn ra cảnh xếp hàng, chầu trực đến lượt. Do tầng 1 bị lún sâu, hệ thống nước thải thường bị trào ngược nên gây ra tình trạng nhà vệ sinh thường xuyên bị ngập úng và bốc mùi hôi thối: “Mỗi lần đi vệ sinh là cực hình, tôi thường phải bịt mũi, nín thở vì quá kinh khủng…”, bà Năm kể.

Toàn bộ tầng 1 bị lún khoảng 2m so với mặt đường nên gây ra tình trạng bị úng nước, ẩm thấp
Toàn bộ tầng 1 bị lún khoảng 2m so với mặt đường nên gây ra tình trạng bị úng nước, ẩm thấp

Trong khi đó, ông Tuấn (sống ở tầng 1 – nhà C5) cũng cho biết, hiện tượng các mảng tường, vữa của tòa nhà thỉnh thoảng lại bong tróc, rơi xuống đường không phải là chuyện hiếm: “Có hôm đang ăn cơm, mọi người nháo nhác nghe thấy tiếng động lớn, bụi bay mù mịt, chạy ra thì thấy một mảng tường rộng chừng 1m2 rơi xuống đường…”.

Các hộ dân sống tại tầng 4 cũng khổ sở không kém. Do xây dựng đã lâu, nên trần nhà bị nứt, thấm dột nghiêm trọng. Bà Nhu (83 tuổi, sống tại tầng 4) cho biết, mỗi lần trời mưa, nước ào ạt chảy xuống khiến gia đình bà phải căng áo mưa ở 4 góc tường. Cách đây 2 năm, do không thể khắc phục được, bà Nhu phải thuê thợ trát lại trần với chi phí hơn 10 triệu: “Không bị thấm trần thì giờ lại xảy ra việc tường bị ẩm do bị thấm nước từ bên ngoài. Cuộc sống lúc nào cũng cảm thấy bất an…”, bà Nhu bức xúc cho biết.

Diện tích nhỏ, lại đông nhân khẩu nên nhiều hộ gia đình tại đây đã buộc phải cơi nới, xây thêm các “chuồng cọp” phía trước. Điều này khiến cho mức độ xuống cấp của tòa nhà ngày càng trở nên trầm trọng.

Theo nhiều người dân, hiện tượng các mảng vữa hàng m2 rơi xuống là chuyện bình thường
Theo nhiều người dân, hiện tượng các mảng vữa hàng m2 rơi xuống là chuyện bình thường

Đi vệ sinh phải đội nón

Ông Trần Duy Hùng (68 tuổi, tổ trưởng tổ dân phố nhà C5) cho hay, hiện nay khu nhà C5 Quỳnh Mai có khoảng 97 hộ dân sinh sống với gần 400 nhân khẩu. Cả tòa nhà có 4 tầng nhưng thực tế, tầng 1 hoàn toàn không sử dụng được do bị sụt lún nghiêm trọng. Tình trạng ngập úng diễn ra thường xuyên. Chỉ cần một trận mưa nhỏ, nước từ tầng 4 thấm qua các khe, chảy xuống các tầng. Đặc biệt, nước thải từ các nhà vệ sinh cũng bị thấm dột nên xảy ra thực trạng, nhiều tầng, người dân vừa đi vệ sinh… vừa phải đội nón. Không có bếp ăn, nên các hộ dân phải nấu tại hành lang vô cùng bất tiện, khổ sở. Diện tích hẹp, nhưng theo ông Hùng nhiều gia đình tại nhà C5 có thế hệ sinh sống lên tới 10 nhân khẩu.

Khó ai có thể hình dung, cảnh sống nhếch nhác, khổ sở lại diễn ra ngay tại các tòa nhà ở Thủ đô
Khó ai có thể hình dung, cảnh sống nhếch nhác, khổ sở lại diễn ra ngay tại các tòa nhà ở Thủ đô

Tháng 11/2008, người dân khu tập thể C5 đã làm đơn gửi lên Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội; Sở Tài nguyên và Môi trường về tình hình xuống cấp của khu nhà. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có bất cứ một động thái phản hồi nào. Do xuống cấp đã lâu, nên để có thể sinh sống, người dân ở đây phải tự mình sữa chữa, vá víu bằng nhiều cách. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng đây chỉ là biện pháp tình thế, bởi điều quan trọng nhất là các dầm và hệ thống chịu lực của căn nhà đã rất yếu.

Sở xây dựng Hà Nội vừa công bố danh sách 42 nhà chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm, thế nhưng khu nhà C5 Quỳnh Mai lại không nằm trong danh sách này. Ông Hùng cho hay, bản thân ông khá bất ngờ về thông tin này bởi từ trước đến nay chưa có bất cứ một cơ quan có thẩm quyền đến kiểm tra, đánh giá về mức độ xuống cấp, nguy hiểm của tòa nhà: “Mong muốn hiện tại của hàng trăm hộ dân ở đây là được tôn tạo, sửa chữa để an tâm sinh sống. Bởi với tình trạng hiện nay, chúng tôi lúc nào cũng sống trong sự bất an, nơm nớp lo sợ, bởi chỉ cần vào mưa bão, gió lốc mạnh, căn nhà có thể hư hỏng và đổ sập”, ông Hùng nói.

Hà Trang - Xuân Ngọc