Nghịch lý tại khu chung cư nguy hiểm bậc nhất Hà Nội
(Dân trí) - Chung cư bị xếp hạng cực kỳ nguy hiểm theo danh sách của UBND TP. Hà Nội, nhưng không phải cư dân nào cũng muốn di dời khỏi đây. Đây là nghịch lý tại nhà A khu tập thể Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội.
Nhà A khu tập thể Ngọc Khánh được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 1985. Ông Nguyễn Đức Tích, Tổ trưởng dân phố tổ 27, quản lý khu nhà A này cho biết: 10 năm sau khi đưa vào sử dụng, tòa nhà đã xuống cấp và người ta phải dùng hệ dầm sắt chữ U, V để chống đỡ khu vực cầu thang và hành lang.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, toàn bộ cột chịu lực, dầm ở khu vực cầu thang từ tầng 1 đến tầng 5 của khu này đều được gia cố lại bằng khung thép, giằng ở giữa là những thanh sắt lớn được hàn bắt thành chữ X.
Đến nay, chung cư này đã hơn 30 tuổi còn hệ dầm sắt cũng đã 20 năm tuổi, các khung dầm đã han rỉ nghiêm trọng. Ông Tích nói: “Không có dầm sắt này thì tòa nhà đã đổ lâu rồi”.
Toàn bộ tòa nhà hiện nay bị nghiêng rất lớn, có thể quan sát dễ dàng bằng mắt thường.
Cũng như nhiều khu chung cư cũ khác, toàn bộ tầng 1 đã bị cải tạo, mỗi hộ lấn ra bên ngoài hàng chục mét vuông. Các tầng trên thì nhiều “chuồng cọp” đua ra ngoài, cũ nát, bẩn thỉu.
Vợ chồng ông Hoàng Như Tiến (P.406) cho biết: Tình trạng ăn ở rất tệ. Mỗi lần mưa là nước ngập thành vũng, đi ở hành lang mà như đi lội nước.
Ông cũng cho biết, hơn chục năm qua, nhiều đơn vị đã vào đây để khảo sát, đánh giá và lên phương án sửa chữa, xây mới. Nhưng việc này không dễ dàng gì vì các hộ dân ở tầng 1 không đồng thuận với việc này.
Lý giải về điều này, Tổ trưởng Nguyễn Đức Tích nói: Những nhà ở tầng 1 cho thuê mỗi tháng được vài chục triệu đồng, thế nên chả ai muốn thay đổi cả. Còn các hộ từ tầng 2 đến tầng 5 đều đồng thuận cải tạo, xây mới.
Một chủ nhà hàng nằm ngay tầng 1 nhà A cho biết: Khi mở nhà hàng ở đây, anh phải đầu tư hàng trăm triệu để sửa sang, cải tạo. Mỗi tháng còn mất hàng chục triệu để duy trì. Tuy vậy, công việc làm ăn rất thuận lợi và đông khách.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Hoa Trung, Phó Chủ tịch UBND phường khá bức xúc về việc “không rõ đơn vị nào” vào phường khảo sát và công bố mức độ nguy hiểm của khu chung cư. Ông thẳng thắn: Bây giờ đánh giá khu nhà A là nguy hiểm nhất, nhưng nếu có căn nhà khác sập trước thì sao? Cơ sở nào để đánh giá là nó nguy hiểm nhất?.
Ông Trung đọc lớn cho PV nghe danh sách hàng chục khu chung cư xuống cấp trên địa bàn. Ông cho biết, nhớ được vậy là vì hàng năm, trước mùa mưa bão, UBND phường lại phải lên kế hoạch ứng phó, trong đó có thống kê các nhà chung cư cũ nát.
Cũ nát và xuống cấp như vậy, nhưng chính ông cũng thừa nhận, việc di chuyển, thay đổi, cải tạo, xây mới các khu chung cư này là không dễ dàng và việc này cần quyết định của UBND TP Hà Nội.
Vợ chồng ông Tiến (phòng 406) cho biết, mấy ngày nay ở đây người ta bàn tán nhiều về việc di chuyển, thay đổi chỗ ở khi khu chung cư mới được xây dựng. Thích ở nhà mới, an toàn, nhưng cũng sợ rằng chuyển đi tạm cư rồi không quay lại được khu này – nơi có vị trí đắc địa vừa là mặt đường, vừa là mặt hồ Giảng Võ.
Tử Hưng