1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Cảnh sát giao thông bị người uống rượu bia chửi nhiều rồi"

(Dân trí) - “Cảnh sát giao thông khi xử lý các đối tượng vi phạm quy định về nồng độ cồn cũng đã bị chửi nhiều, bị mạt sát nhiều. Nói thật, phải phân công lực lượng đi xử lý vi phạm rượu bia chứ chờ xung phong thì khó”.

Ông Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (C67) cho biết như vậy tại lễ phát động Chiến dịch tuyên truyền và tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.

Việt Nam đứng đầu khu vực về sức tiêu thụ rượu bia

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, Việt Nam thuộc nhóm đầu trong số các nước có người tham gia giao thông sử dụng chất kích thích (rượu, bia). Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, uống rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới thương tích đường bộ Việt Nam.

Số liệu thống kê của tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor International cho thấy, mức tiêu thụ bia bình quân đầu người tại Việt Nam khoảng gần 30 lít/năm, đứng đầu Đông Nam Á, đứng thứ 4 châu Á, sau Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Với dân số 90 triệu người, lượng tiêu thụ bia hàng năm từ 2011 đến 2016 sẽ tăng 10% mỗi năm.

Một số kết quả khảo sát tại 2 bệnh viện lớn nhất Việt Nam là Việt Đức và Chợ Rẫy chỉ ra hơn 30% các ca tử vong là do tai nạn trong giao thông đường bộ và 60% bệnh nhân chấn thương nhập viện có nồng độ cồn trong máu (BAC) vượt quá giới hạn cho phép.

60% bệnh nhân chấn thương vì tai nạn giao thông nhập viện khi có nồng độ cồn
60% bệnh nhân chấn thương vì tai nạn giao thông nhập viện khi có nồng độ cồn trong máu vượt quá giới hạn cho phép (ảnh minh họa: Huỳnh Hải)

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - cho biết, tử vong và số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia vẫn là hồi chuông đáng báo động không chỉ thiệt hại về tinh thần mà còn cả về kinh tế, xã hội của đất nước.

Theo ông Hiệp, trong năm 2012, cả nước mất 2,6% GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) tương đương 3,5 tỷ USD vì tai nạn giao thông, trong đó 1/3 liên quan đến rượu bia. Vì thế, việc cấm uống bia rượu khi lái xe là cần thiết trong tình hình hiện nay.

Về phía lực lượng tuần tra kiểm soát và xử lý người tham gia giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn dẫn tới tai nạn giao thông, ông Tuyên cho rằng đây là cuộc chiến giữa nhà sản xuất rượu bia và người tiêu dùng.

“Cấm uống rượu bia thực sự là một cuộc chiến bởi trong 10 năm qua, cuộc chiến để người dân tham gia đội mũ bảo hiểm là hết sức khó khăn và đến nay chúng ta đã làm được. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, cuộc chiến bia rượu còn gay gắt, khó khăn hơn nhiều vì nó đã ăn sâu vào tập quán, vào thói quen người Việt. Trong 3 tháng cao điểm cuối năm nay, Cục Cảnh sát giao thông sẽ đẩy mạnh vừa tuyên truyền vừa xử phạt”, ông Tuyên cho hay.

Cục trưởng C67 thừa nhận, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử phạt qua nhiều đợt cao điểm song kết quả còn hạn chế do đội ngũ kiểm soát mỏng, không đủ nhân lực và kinh phí… Trong khi đó, cấm uống rượu, bia đối với người điều khiển xe đáng lẽ phải làm sớm hơn nhưng do điều kiện xã hội chưa cho phép. Vì thế, đến giờ, các cơ quan ban ngành sẽ đẩy mạnh chiến dịch “siết” những tài xế vốn là đệ tử của “lưu linh”.

Nói về đối tượng uống bia rượu và vi phạm quy định giao thông, ông Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh đến giới trẻ hiện đang có xu hướng gia tăng và có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông khi điều khiển phương tiện.

“Quy định độ tuổi thanh niên là từ 16 đến 30 tuổi, vì thế hiện nay Việt Nam có xấp xỉ 27 triệu thanh niên. Tuy nhiên, có tới 75% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến bia rượu ở độ tuổi dưới 40, điều đó cũng có thể hiểu rằng 75% tai nạn giao thông liên quan đến đối tượng là thanh niên” - ông Hiệp nói.

Quá ít nhà sản xuất rượu, bia tuyên chiến

Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, để giải quyết tình hình nói trên, ngoài nhiệm vụ tuyên truyền đến người dân và xử phạt người uống rượu bia vi phạm giao thông thì cũng cần có sự vào cuộc của chính những đơn vị sản xuất cung ứng rượu, bia ra thị trường thông qua việc khuyến cáo người dân trong việc sử dụng những đồ uống vốn có chất kích thích này.

Theo ông Hiệp, cho tới nay trên thị trường rượu bia mới có 4 doanh nghiệp dán nhãn khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông là bia Larue, Heineiken, Tiger, Bivina, nhưng cả 4 doanh nghiệp này đều là doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và dòng chữ ghi trên chai lại quá nhỏ nên ít ai đọc được. Chưa có đơn vị nào sản xuất, kinh doanh rượu bia nào của thực hiện dán nhãn tuyên truyền và khuyến cáo người tiêu dùng.

Bàn đến việc cấm cán bộ công nhân viên chức không được uống rượu bia trong giờ làm việc, ông Hiệp nhìn nhận: Thực chất việc làm trên mới chỉ đưa vào tiêu chí khen thưởng ở một số địa phương, nhưng làm hiệu quả đến đâu thì chưa có con số đánh giá, cụ thể.

Ông Nguyễn Văn Tuyên cũng cho rằng, đối tượng công chức uống rượu bia là rất phổ biển nhưng việc cấm chỉ là phong trào bởi chỉ có 1 số địa phương làm chứ không phải cả nước.

“Nếu muốn xử lý trên cả nước với trường hợp là các đối tượng này thì Chính phủ phải có văn bản quy định cấm thì mới có thể triển khai rộng“ - ông Tuyên cho hay.
 

 Nhằm nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông về quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, đồng thời tạo sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng chức năng trong việc xử lý các hành vi vi phạm, từng bước hình thành thói quen, ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện; góp phần hạn chế tai nạn giao thông, sáng 1/10, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chính thức phát động chiến dịch tuyên truyền và tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ trong 3 tháng 10, 11, 12/2013.

Châu Như Quỳnh