Cảnh hoang tàn ở mỏ vàng một thời "lớn nhất nhì Đông Nam Á"
(Dân trí) - Một mỏ vàng từng được cho là có trữ lượng lớn nhất nhì Đông Nam Á thời Pháp thuộc, đến năm 2006, mỏ vàng Bồng Miêu được phép khai thác trở lại nhưng thua lỗ triền miên, nợ hàng trăm tỉ đồng tiền thuế và nguyên vật liệu. Đến năm 2016 thì đóng cửa…
Cuối tháng 11 vừa qua, các chủ nợ đã đồng ý cho Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) phá sản tại hội nghị chủ nợ (của công ty này) do Tòa án nhân dân Quảng Nam tổ chức. Tuy nhiên, việc trả nợ của công ty này vẫn chưa có phương án cụ thể.
Sau khi các chủ nợ đồng ý cho Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu phá sản, trở lại “mỏ vàng lớn nhất nhì Đông Nam Á” một thời này, chúng tôi chứng kiến cảnh hoang tàn nơi đây.
Cửa chính của mỏ vàng đóng im ỉm, nhờ chính quyền địa phương can thiệp, chúng tôi mới được vào bên trong. Một số bảo vệ đang làm việc để bảo vệ tài sản, máy móc của các chủ nợ và bảo vệ được Tòa án tỉnh cử lên quản lý...
Đối với toàn bộ khu vực mỏ vàng hiện nay gần như vô chủ, hàng ngày nhiều người dân địa phương vẫn đi vào đãi quặng xái bình thường. Đặc biệt, việc khai thác lén lút trong các hầm lò trên núi vẫn diễn ra. Ở bên ngoài, chúng tôi vẫn nghe tiếng máy nổ đang hoạt động.
Máy móc, phương tiện hư hỏng thành đống sắt vụn.
Cửa vào mỏ đang có vài chiếc xe lạ dựng bên ngoài, nghi của những người khai thác lén lút.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Thế Vinh – Chủ tịch xã Tam Lãnh – cho biết, việc ngưng hoạt động của Công ty vàng Bồng Miêu để lại hệ lụy rất lớn đối với địa phương, chưa hoàn thổ trên diện tích khai thác, hồ chứa thải đập lắng hiện chưa hoàn thổ được, người dân địa phương hàng ngày tự do ra vào đãi xái quặng…
Ngoài ra, ông Vinh cho biết, 50 công nhân địa phương thất nghiệp mấy năm nay với số tiền bảo hiểm khoảng 4 tỉ đồng chưa được thanh toán. Bên cạnh đó, ông Vinh cho biết số công nhân địa phương thất nghiệp vào mỏ vàng khai thác gây tình trạng mất an ninh trật tự trong khu vực mỏ vàng, ô nhiễm môi trường, sông suối…
C.Bính