Cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong quản lý tài nguyên nước
(Dân trí) - “Tất cả các Bộ có vai trò trong quản lý tài nguyên nước như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng… đều phải làm tốt hơn nữa vai trò của mình và cố gắng sao để có sự phối hợp thật chặt chẽ, sự liên kết giữa Trung ương và địa phương”.
Tại cuộc giao lưu trực tuyến “Mô hình quản lý tài nguyên nước từ góc nhìn thực tiễn tiến tới phát triển bền vững vùng cư dân ven biển”, độc giả Dân trí phản ánh việc xây dựng, vận hành các công trình thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Công đang được cảnh báo sẽ là mối nguy cơ lớn đến các hoạt động phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường ở vùng hạ lưu, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Liệu có xảy ra các vấn đề về biến đổi dòng chảy trong mùa lũ, suy giảm dòng chảy mùa kiệt, gia tăng xâm nhập mặn, suy giảm hàm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản...?
PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường cho rằng Ủy hội sông Mê Công chỉ có 4 nước. Còn những nước là điểm bắt nguồn nguồn nước như Myanmar, Trung Quốc lại chưa tham gia.
Hiện nay có hàng chục thủy điện lớn ở khu vực thượng nguồn dòng sông này và đang là vấn đề lớn đối với nguồn nước về Việt Nam. Tương tự, điều đó cũng xảy ra với sông Hồng.
“Vậy nên quản lý nước xuyên quốc gia là vấn đề rất quan trọng. Môi trường có hiện tượng ô nhiễm xuyên biên giới thì giờ đây vấn đề với nguồn nước cũng vậy. Điều đó càng thấy tác động rõ ràng đối với những nước ở hạ nguồn như Việt Nam”-ông Tiến nói.
Hơn nữa, với những khó khăn như biến đổi khí hậu hiện nay, việc sử dụng và làm ô nhiễm các thủy vực như ao, hồ dẫn tới nguồn nước không đủ chất lượng, càng làm cho vấn đề trở nên nóng, cấp thiết hơn.
Bà Nguyễn Ngọc Lý- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng thừa nhận: “Đúng là nguồn nước của nước ta được ví là cuối nguồn của 2 dòng sông Hồng và sông Mê Kông. Việc sử dụng nước của chúng ta bị phụ thuộc vào sự sử dụng nước ở thượng nguồn. Tài nguyên nước là tài nguyên chung nhưng việc các nước thượng nguồn sử dụng nước ảnh hưởng rất lớn đến nước ta. Đây là việc liên quan đến sự hợp tác giữa các nước trong khu vực dùng chung dòng sông”.
Nói về thực trạng quản lý tài nguyên nước hiện nay, ông Tiến thừa nhận còn nhiều vấn đề cần phải nêu ra phân tích. Ở mỗi quốc gia lại có một chiến lược khác nhau về việc này.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có Cục Quản lý tài nguyên nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Tổng cục Thủy lợi để lo nước cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Bộ Công Thương cũng có cơ quan quản lý với nguồn nước phục vụ sản xuất công nghiệp.
“Việc có nhiều Bộ, ngành có cơ quan chịu trách nhiệm về việc này cũng gây một số khó khăn đối với việc quản lý nguồn nước. Còn như Trung Quốc, đất nước ngay cạnh Việt Nam, dù trải qua nhiều thời kỳ khác nhau nhưng họ luôn duy trì Bộ Thủy lợi, đưa vấn đề lên mức độ trọng yếu hàng đầu”-ông Tiến cho hay.
Ông Tiến nhấn mạnh, nước là cội nguồn của sự sống, là yếu tố quyết định tới đời sống, nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, xem xét vấn đề nguồn nước là vấn đề cấp thiết và quan trọng đặt ra hiện nay, với chủ đề đảm bảo để ai cũng có quyền tiếp cận nguồn nước an toàn, không ai bị bỏ lại phía sau.
Vị chuyên gia phân tích: “Nói là tài nguyên nước ở Việt Nam dồi dào cũng không hẳn chính xác vì đất nước trải dài nhưng bề ngang lại hẹp, mỗi khi có mưa, có nước từ thượng nguồn đổ về thì lượng nước giữ lại được trong nội địa cũng không đáng kể mà hầu hết lượng nước đó bị cuốn trôi ra biển nhanh chóng”.
Mô hình quản trị tài nguyên nước thế nào thì tùy đặc điểm của mỗi quốc gia nhưng yếu tố trước hết phải đảm bảo là sự dồi dào, đa dạng của nguồn tài nguyên nước. Điều đó đặc biệt có ý nghĩa, nhất là với đất nước nông nghiệp như Việt Nam.
“Tất cả các Bộ có vai trò trong quản lý tài nguyên nước như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng… đều phải làm tốt hơn nữa vai trò của mình và cố gắng sao để có sự phối hợp thật chặt chẽ, sự liên kết giữa Trung ương và địa phương để sao cho giữ được tối đa những nguồn nước vào được nội địa, ví dụ làm các hồ chứa, bảo vệ các thủy vực và hạn chế tối đa sự ô nhiễm nguồn nước. Với tình hình hiện nay, nền kinh tế có thể mất đến 3,5% GDP nếu không đảm bảo về nguồn nước. Đó là con số khủng khiếp nếu so với tốc độ tăng trưởng chung 6-7% hiện nay”-ông Tiến nêu thực tế.
TK