Cần nhiều hơn những "người hùng áo vải" có kỹ năng cứu người trong đám cháy
(Dân trí) - Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, những tấm gương được phong tặng "anh hùng áo vải", những người hùng lao vào đám cháy cứu người, đều là những người có kỹ năng PCCC&CNCH tốt.
Đó là ý kiến của Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an) tại buổi tọa đàm: "Phòng chống cháy nổ an toàn và hiệu quả" do báo Dân trí tổ chức.
Theo Đại tá Khương, những tấm gương được phong tặng "anh hùng áo vải", những người lao vào đám cháy cứu người và được Nhà nước tặng bằng khen, huân chương… đều là những người có kỹ năng tốt trong cứu nạn.
Bởi nếu người dân không có kỹ năng, khi tiếp cận hiện trường hoặc khu vực nguy hiểm để cứu người bị nạn, rủi ro với chính họ là rất cao.
Ông Khương vì vậy kỳ vọng mỗi người dân tự chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC cũng như thoát nạn, cứu nạn, để trong những tình huống khẩn cấp có thể tiếp cận cứu người bị nạn.
Đại tá Khương cũng mong thời gian tới sẽ có nhiều "người hùng" hơn nữa trong nhân dân.
Nói về mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC, Đại tá Khương cho biết đó là sự kết hợp của 5-15 nhà tại các khu dân cư, và tại 5-15 nhà đó được trang bị hệ thống chuông. Nếu xảy ra cháy tại một nhà và có nhấn chuông, những nhà còn lại đều biết để kịp thời dùng thiết bị chữa cháy dập tắt ngọn lửa.
"Các mô hình đó đã phát huy rất hiệu quả trên thực tế", ông Khương nói.
Cũng theo lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an), đã có rất nhiều người dân trong các mô hình tổ liên gia tham gia công tác chữa cháy và cứu được rất nhiều người. Đặc biệt, họ đã tham gia dập được nhiều đám cháy ngay từ giai đoạn ban đầu.
Việc này, theo ông Khương, là minh chứng cho phương châm "4 tại chỗ": lực lượng ở trong dân, phương tiện ở trong dân, chỉ huy trong dân và các nguồn lực hậu cần ở trong dân.
"Thực tế khi đám cháy mới phát sinh, người đầu tiên phát hiện cháy và những người xung quanh dập lửa sẽ đảm bảo hiệu quả cao nhất, giảm thiệt hại do cháy gây ra", ông Khương phân tích.
Thời gian tới, Đại tá Khương cho biết Cục Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ tiếp tục tổ chức, hướng dẫn công an các địa phương duy trì, xây dựng các mô hình 4 tại chỗ hiệu quả hơn.
Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an), trong năm 2023, thực hiện chỉ thị 01 của Thủ tướng, lực lượng CAND đã phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức và kỹ năng PCCC đến mỗi hộ gia đình.
Có những địa phương, trên 70% hộ dân được trang bị bình chữa cháy. Ông Khương cho rằng đó là những con số rất ấn tượng, bởi khi trong các hộ gia đình có bình chữa cháy sẽ có thể xử lý đám cháy ngay từ ban đầu.
"Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo công an các địa phương duy trì những mô hình, phong trào này, dần dần sẽ làm cho toàn xã hội, mỗi người dân đều có kiến thức, kỹ năng về PCCC tốt, để có thể xử lý đám cháy ngay từ giai đoạn ban đầu", Đại tá Khương nhấn mạnh.