TPHCM:
Cần nghiên cứu điều chỉnh thời gian lệch giờ vào học và tan trường
(Dân trí) - Sở GTVT đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu điều chỉnh thời gian lệch giờ vào học và tan trường.
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, hiện nay tình hình giao thông tại các trường học trong thành phố còn tồn tại nhiều vấn đề, gây mất trật tự an toàn và ùn tắc giao thông.
Cụ thể, một số khu vực các trường học tập trung nhiều trên cùng tuyến đường, mặt đường nhỏ hẹp dễ dẫn đến ùn tắc phương tiện trong giờ cao điểm. Điển hình là đường Lê Đức Thọ (đoạn từ đường Lê Văn Thọ đến đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp).
Đối với tình trạng trên, Sở GTVT đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nghiên cứu điều chỉnh thời gian lệch giờ vào học và tan trường.
Nhiều trường học không bố trí khu vực riêng trong khuôn viên dành cho phụ huynh chờ và đưa đón con em; đồng thời còn tồn tại tình trạng dừng đỗ xe dưới lòng đường, thiếu lực lượng điều tiết tại một số khu vực trường học gây ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông trước cổng trường.
Bên cạnh đó, một số trường học chỉ có một cổng ra vào hoặc đã có hai cổng nhưng chưa tổ chức ra vào phù hợp.
Về các vấn đề này, Sở GD&ĐT cần yêu cầu các trường tăng cường bố trí chỗ chờ đưa đón học sinh trong sân trường; quan tâm đầu tư hoặc điều chỉnh vị trí cổng ra vào; phối hợp lực lượng chức năng địa phương điều tiết giao thông, xử lý vi phạm dừng đỗ xe lòng lề đường khu vực trường học.
Các trường cũng không được để học sinh đi học trễ hoặc về sớm tập trung ở trước cổng trường.
Hiện nay, chỉ tiêu 15-20% trong tổng số học sinh, sinh viên mỗi trường tham gia đi học bằng xe buýt khó đạt được.
Sở GTVT sẽ tập trung việc đưa rước học sinh bằng xe buýt cho 5 huyện. Còn đối với các quận nội thành, Sở GD&ĐT nghiên cứu hình thức hiệu quả rồi gửi Sở GTVT để phối hợp thực hiện.
Về kế hoạch di dời cổng trường nhằm đảm bảo an toàn giao thông trước cổng trường (do Sở GD&ĐT phối hợp Ban An toàn giao thông TPHCM) chưa thực hiện được vì không có nguồn kinh phí.
Ban An toàn giao thông được đề nghị chủ trì làm việc với những tổ chức phi chính phủ trong các dự án hợp tác, để tranh thủ nguồn kinh phí tài trợ cho việc nâng cao an toàn giao thông khu vực trường học.
Ngoài ra, các đơn vị cũng cần phối hợp trong việc tuyên truyền cho học sinh, sinh viên, phụ huynh nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Cụ thể, Sở GTVT đề ra một số phương hướng nhiệm vụ cần triển khai thực hiện trong năm 2023.
Sở GD&ĐT tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý các bãi xe trong nhà trường và điểm gửi xe xung quanh trường có giữ xe phân khối lớn của học sinh chưa đủ tuổi điều khiển và không có giấy phép lái xe.
Sở này cũng cần phối hợp Ban An toàn giao thông và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động mô hình "công viên an toàn giao thông" tại công viên Gia Định.
Sở GTVT và Ban An toàn giao thông tăng cường nâng cao các điều kiện hạ tầng xung quanh trường học; kiểm tra xử lý các vi phạm về dừng đỗ xe sai quy định khu vực trường học; tuyên truyền, cảnh báo nâng cao ý thức giao thông cho phụ huynh và học sinh...
Một số số liệu thống kê tình hình giao thông trước cổng trường do Sở GTVT TPHCM:
Năm 2022, TPHCM có hơn 10.300 học sinh đi học bằng xe đưa rước, với gần 3,8 triệu lượt/năm do 121 phương tiện chuyên chở.
Về hạ tầng đường sá, cơ quan giao thông đã tăng bề rộng và cảnh báo vạch sơn đi bộ băng đường, bổ sung gờ giảm tốc, đèn chớp vàng, kẻ 74 vạch sơn phản quang, xây cầu bộ hành... tại 85 khu vực trường học.
Thanh tra Sở GTVT TPHCM đã lập biên bản 17 trường hợp ô tô đưa rước học sinh với số tiền phạt hơn 62 triệu đồng.