Cần một “cơ chế đặc biệt” để kiều bào trở về phục vụ đất nước

(Dân trí) - Tiềm năng trí thức của kiều bào là rất lớn, được đánh giá là một thế mạnh của cộng đồng, nhưng hầu như chưa có chính sách khai thác hiệu quả. Các kiều bào khẳng định được đóng góp cho đất là tâm huyết và nguyện vọng của họ.

Trong hai ngày 21-22/11, Hội thảo "Chuyên gia, trí thức kiều bào góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước" đã diễn ra dưới sự chủ trì của TS Lê Đình Tiến - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, TS Phạm Vũ Luận - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; cùng sự tham gia của khoảng 150 chuyên gia, trí thức kiều bào và 60 đại biểu trong nước.

 

Trong tham luận của mình, kiều bào Lê Văn Quý (Canada) cho rằng các trường đại học của ta đang thiếu những cán bộ giảng dạy và nghiên cứu đầu ngành. Tìm được người có khả năng dẫn dắt để xây dựng một ngành khoa học là rất quan trọng và Việt kiều là một “kênh” mà Nhà nước nên quan tâm tìm kiếm.

 

Ông Quý chia sẻ: “Chúng tôi thường thấy trên báo chí trong nước đăng tải những tin tức về Việt kiều về nước đầu tư, xây nhà xưởng sản xuất, lập công ty dịch vụ, điều này hiện nay rất quý. Nhưng sự phát triển vững mạnh của một nền kinh tế, sự thịnh vượng của một quốc gia chỉ được tạo nên từ những bộ óc đã thông hiểu những nguyên tắc vận hành, những kỹ năng cũng như những kinh nghiệm hoạt động trong môi trường kinh tế và xã hội hiện đại, nói tóm lại là chất xám”.
 
Cần một “cơ chế đặc biệt” để kiều bào trở về phục vụ đất nước - 1
Các đại biểu tham dự hội nghị.

 

Giáo sư Đặng Lương Mô (Mỹ) phát biểu: “Tại sao chúng ta tạo ra cho đất nước Mỹ hàng tỷ đôla, nước Nhật hàng triệu đôla mà chúng ta không tạo ra cho chính quê hương mình như vậy? Có thể nói đây là tâm huyết và nguyện vọng muốn đóng góp của tất cả các đại biểu tham dự chuyên đề này nhưng điều đó cũng nói lên rằng Đảng, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể và đặc biệt hơn với đội ngũ trí thức kiều bào”.

 

Về cơ chế chính sách thu hút trí thức kiều bào, các đại biểu đều cho rằng tiềm năng trí thức của kiều bào là rất lớn, được đánh giá là một thế mạnh của cộng đồng, nhưng hầu như chưa có chính sách khai thác hiệu quả. Ngoài ra, nhiều đại biểu mong muốn được cập nhật thông tin thường xuyên về tình hình trong nước để biết được quê hương, đất nước đang cần gì để họ có thể đóng góp và có cái nhìn đúng đắn hơn.

 

Vì vậy, để xây dựng một đội ngũ trí thức lớn mạnh cần có sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước, đặc biệt phải xây dựng được một “cơ chế đặc biệt” mang tính đột phá nhằm thu hút hơn nữa nguồn lực cả về kinh tế và chất xám của chuyên gia, trí thức kiều bào. Đặc biệt, cần phải có chính sách ưu tiên cho giáo dục, đào tạo trí thức ở nước ngoài để trở về phục vụ đất nước.

 

Kết thúc phiên họp, Thứ trưởng Lê Đình Tiến đã cảm ơn sự nhiệt tình đóng góp, tham gia ý kiến của các đại biểu và hứa những ý kiến này sẽ được ban tổ chức tập hợp để gửi đến các cơ quan, đơn vị chức năng giải quyết điều chỉnh cho phù hợp trong thời gian tới.

 

Trong báo cáo tổng hợp chuyên đề tại phiên bế mạc, ông Nguyễn Thanh Sơn - Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài - nhận định: Đội ngũ trí thức được các đại biểu nhất trí đánh giá là một thế mạnh của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Đa số trí thức kiều bào sống ở các nước có trình độ cao về KHCN, có thể đóng góp trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên có nhiều nguyên nhân khiến cho sự đóng góp của chuyên gia, trí thức kiều bào còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng.

 

Ngoài các nguyên nhân khách quan, nổi lên một số nguyên nhân chủ quan như những bất cập về cơ chế, chính sách; chưa có hệ thống thông tin đầy đủ về khả năng của chuyên gia, trí thức và nhu cầu cụ thể của các cơ quan đối tác; đầu mối chỉ đạo chưa đủ mạnh nên chưa có được định hướng tốt để có thể huy động chuyên gia, trí thức kiều bào tập trung giải quyết có kết quả những vấn đề mũi nhọn của KHCN hay kinh tế của đất nước…

 

Quốc Đô