1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cần có chế tài thủ trưởng bảo thủ, không chấp nhận ý tưởng mới

Q.Huy

(Dân trí) - Chia sẻ với lãnh đạo Bộ Nội vụ, ngành nội vụ các địa phương đặt vấn đề về việc bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm và giải pháp cho việc thủ trưởng bảo thủ trước các đề xuất mới của cá nhân.

Ngày 28/3, Bộ Nội vụ chủ trì hội thảo góp ý dự thảo quy định về quản lý cán bộ, công chức, viên chức; tinh giản biên chế và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Sự kiện được tổ chức tại TPHCM, có sự tham dự của Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cùng lãnh đạo ngành nội vụ các tỉnh, thành phía Nam.

Tại buổi làm việc, dự thảo nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các cấp địa phương. Nghị định này nhằm thể chế hóa chủ trương tại Kết luận 14 của Bộ Chính trị. 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Giàu, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bến Tre bày tỏ, thời gian qua, địa phương ghi nhận nhiều cán bộ có ý tưởng mới, dám nghĩ dám làm. Tuy nhiên, khi trình bày ý kiến với cấp trên, lãnh đạo chính quyền và cấp ủy lại muốn sự an toàn, ngại đổi mới, sợ rủi ro nên không chấp nhận.

"Giải pháp cho vấn đề này là gì? Theo chúng tôi, cần bổ sung thêm quy định là có một cơ quan có thẩm quyền thẩm định những đề xuất, ý tưởng mới", lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Bến Tre nêu quan điểm.

Cần có chế tài thủ trưởng bảo thủ, không chấp nhận ý tưởng mới - 1

Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang (Ảnh: H.Q.).

Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang, nêu ví dụ thực tế, địa phương này có ý tưởng mới về tinh giản biên chế, nhưng không dám triển khai do vướng luật. Theo vị này, dù có mong muốn đổi mới bộ máy, nhưng những quy định về tinh giản biên chế hiện tại rất khó cho việc thay đổi nhân sự.

"Nếu làm không khéo thì đội ngũ ngày càng giảm, người ở lại già đi, người mới khó tuyển. Cơ chế hiện hành quy định, người 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị đưa vào diện tinh giảm. Tuy nhiên, thực tế người bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ rất thấp", ông Nguyễn Minh Trí phân tích.

Chia sẻ với ý kiến Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bến Tre nêu ra, ông Nguyễn Minh Trí cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền cần hình thành chế tài trong trường hợp thủ trưởng bảo thủ, không chấp nhận các đề xuất, ý tưởng mà cá nhân đưa lên.

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, nêu thực tế, một số tình huống còn bị nhầm lẫn giữa năng động sáng tạo và dám nghĩ dám làm. Năng động sáng tạo là điều hiển nhiên của cán bộ, nhưng còn điểm khác với dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

"Dự thảo nêu lãnh đạo cơ quan xem xét quyết định ý tưởng, đề xuất nhưng lãnh đạo chưa chắc có thể nhận định đó là dám nghĩ dám làm. Cần bổ sung văn bản quy định để bảo đảm pháp lý cho nội dung này", ông Huỳnh Thanh Nhân nêu quan điểm.

Ông Ngô Công Hồng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu, cho hay, hiện nay, nhiều cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, nhưng chưa có văn bản nào quy định về cách bảo vệ họ. Thực tế cho thấy, nhiều việc có thể hiệu quả trong giai đoạn này, nhưng giai đoạn sau sẽ thành sai.

Cần có chế tài thủ trưởng bảo thủ, không chấp nhận ý tưởng mới - 2

Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, tiếp thu các ý kiến (Ảnh: Đ.N.).

Tại hội nghị, ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nhấn mạnh, dự thảo về bảo vệ cán bộ là điều khó, mang tính chính trị và pháp lý cao. Nghị định này không căn cứ trên luật nào mà chỉ dựa trên Kết luận 14 của Bộ Chính trị.

"Tôi rất tâm đắc với ý kiến về việc cần có hội đồng đánh giá kết quả thực hiện, bảo vệ anh em là phải bảo vệ trên cơ sở đó. Chúng tôi sẽ nghiên cứu đề xuất này", ông Nguyễn Duy Thăng khẳng định.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin, dự thảo này được xây dựng trên nguyên tắc tạo ra sự đổi mới mạnh mẽ cho ngành nội vụ. Quy định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm phải đảm bảo chặt chẽ về cơ sở chính trị, thống nhất trong cả hệ thống chính trị để dễ thực hiện.

Tuy nhiên, đây chỉ là khung căn bản để địa phương lấy làm căn cứ để cụ thể hóa cho phù hợp với thực tiễn.

"Nghị định này rất khó, nhưng khó mấy cũng phải làm. Vì chưa có tiền lệ nên không quá cầu toàn, mà có thể để thực tiễn chứng minh, hoàn thiện dần", Bộ trưởng Nội vụ lưu ý.