1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Cần có Cảnh sát du lịch để chặn nạn "chặt chém" du khách

(Dân trí) - “Ở Việt Nam, cơ quan quản lý nhiều, lực lượng công vụ rất đông nhưng người chịu trách nhiệm thì quá ít. Không ai đứng ra bảo vệ an toàn cho du khách chính là nguyên nhân dẫn đến vấn nạn “chặt chém” khách du lịch”.

Đó là khẳng định của ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - trong cuộc trao đổi với PV Dân trí chiều 3/5.

Dư luận xã hội cần lên tiếng

Ông nhìn nhận như thế nào về hàng loạt vụ “chặt chém” khách du lịch nước ngoài tại Hà Nội bị phanh phui mới đây?

Tình trạng “chặt chém” khách du lịch ở Việt Nam trong thời gian qua là vấn nạn đáng báo động. Đặc biệt, các vụ việc mới đây nhất là sự bộc lộ của hiện thực đang có sẵn tại Hà Nội - đi xích lô giá thỏa thuận 70.000 đồng nhưng phải trả tới 1,3 triệu đồng; 98.000 đồng tiền cho 7km đi taxi “nhảy cóc” lên 980.000 đồng; 3 du khách người Pháp bị tài xế lái taxi và nhân viên khách sạn câu kết lừa đảo, đe dọa…

Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến vấn nạn “chặt chém” khách du lịch?

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng “chặt chém” du khách theo tôi có 3 lí do. Thứ nhất, chính quyền sở tại buông lỏng quản lý. Thứ hai, do có quá nhiều cơ quan quản lý chồng chéo nhưng không có đầu mối rõ ràng nên không xác định được ai là người chịu trách nhiệm về an toàn cho du khách; ở Việt Nam, cơ quan quản lý nhiều, lực lượng công vụ rất đông nhưng người chịu trách nhiệm thì quá ít. Thứ ba là do vấn đề quản lý và giáo dục con người trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ quá yếu (xích lô, taxi, một số khách sạn nhỏ). Những nguyên nhân này đã tạo ra kẽ hở, cơ hội cho những đối tượng xấu thực hiện hành vi xấu đối với du khách.

Nhóm nữ quái hàng rong quây khách nước ngoài một cách thô bạo để
Nhóm "nữ quái" hàng rong quây khách nước ngoài một cách thô bạo để
bắt chẹt, ăn tiền của du khách (ảnh minh họa: Hữu Nghị)

So sánh với hoạt động du lịch nước ngoài cho thấy, ở đâu cũng có nạn bắt chẹt du khách nhưng cái khác là có nhiều hay ít, quan trọng là thái độ của chính quyền sở tại với những sự việc xảy ra. Ở những nước trong cùng khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore… ngành du lịch của họ phát triển rất mạnh, trong suy nghĩ của người dân các nước này khách du lịch là thượng đế nên họ chăm sóc rất chu đáo, ứng xử rất văn hóa và không để du khách phải chịu thiệt thòi.

Ông nghĩ sao khi nạn “chặt chém” tập trung chủ yếu vào các đối tượng là du khách nước ngoài?

Không phải nạn “chặt chém” chỉ xảy ra đối với du khách nước ngoài mà cả với khách du lịch trong nước, thậm chí những người dân khi đến các thành phố lớn, các điểm du lịch với danh nghĩa không phải là du khách cũng vẫn là nạn nhân của những trò lừa đảo khi sử dụng các dịch vụ.

Nhưng đối với người Việt Nam, lâu nay họ cảm thấy quá nhàm chán với cung cách quản lý của các ngành chức năng, bởi thế khi có sự việc xảy ra họ cho rằng điều đó là bình thường và họ chấp nhận. Còn với người nước ngoài đến Việt Nam, gặp những “sự cố” này họ thấy rất bất bình và phản ứng lại, một số vụ việc xảy ra mới đây tại Hà Nội đã chứng minh điều đó.

Cần phải nói thêm rằng, khi dư luận xã hội không lên tiếng thì sẽ tạo cơ hội cho kẻ xấu lộng hành, những hành vi xấu đó bôi nhọ hình ảnh du lịch quốc gia, bôi nhọ truyền thống văn hóa và cung cách ứng xử của người Việt ta.

Cần có Cảnh sát du lịch

Phải có những giải pháp nào để xử lý vấn nạn “chặt chém” khách du lịch thưa ông?

Theo tôi, phải xác định được rõ ràng trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với vấn đề an ninh trật tự và an toàn cho du khách; phải có lực lượng chuyên môn bảo vệ cho du khách, mà cụ thể là lực lượng Cảnh sát du lịch; Cần phải có chế tài xử phạt thật mạnh mới đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm…
 
Cần lực lượng Cảnh sát du lịch để trấn át, dẹp bỏ vấn nạn chặt chém du khách
Cần lực lượng Cảnh sát du lịch để trấn át, dẹp bỏ vấn nạn "chặt chém" du khách
(ảnh minh họa: Hữu Nghị)

Chúng ta đã bỏ ra nhiều công sức để quảng bá du lịch, đưa khách du lịch đến với Việt Nam, bởi vậy những hành vi ứng xử tiêu cực với du khách hoặc sự vô cảm của những đối tượng lừa đảo hay sự vô cảm của chính quyền sở tại khi vụ việc xảy ra rõ ràng sẽ làm mất đi những ý nghĩa và kết quả đó tốt đẹp của hoạt động quảng bá. Vì thế, hãy tiếp đãi thật tốt với những người đã đến với chúng ta, thân thiện, gần gũi với họ, hãy để Hà Nội thực sự là điểm đến an toàn cho du khách.

Động thái xin lỗi du khách của Tổng Cục Du lịch và Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hà Nội đã phần nào làm nguôi đi sự phẫn nộ trong dư luận vì những sự việc làm “mất mặt” người Việt, ông đánh giá sao về điều này?

Tôi đánh giá cao hành động này của các cơ quan quản lý. Tôi cho rằng điều đó sẽ tạo hiệu ứng và động lực cho người dân giúp đỡ cho những du khách tiếp theo để phát hiện ra những lỗi vi phạm và làm cho hoạt động du lịch ở Thủ đô tốt hơn.

Có thể nói đây là lần thứ 2 Hà Nội ra tay quyết liệt trong việc xử lý vi phạm (năm 2012 Hà Nội tăng cường lực lượng 141 trấn át nạn cướp giật) và đã thấy ngay được hiệu quả rất tích cực. Điều này chứng tỏ rằng khi chính quyền thực sự vào cuộc thì vấn đề sẽ được giải quyết.

Hà Nội từng được bình chọn là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, nhưng những vụ việc nói trên đã làm xấu đi hình ảnh văn hóa du lịch nước nhà. Ông có lo ngại về tương lai điểm đến này sẽ kém hấp dẫn?

Tôi không lo ngại điều đó. Bởi sự quyết liệt và động thái xin lỗi của cơ quan quản lý đã tạo được uy tín. Chúng ta hãy tin rằng Hà Nội sẽ làm được những điều tích cực chứ không “đánh trống bỏ dùi” hay “bắt cóc bỏ đĩa”.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Châu Như Quỳnh (thực hiện)