1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cần Thơ:

Cận cảnh "ngôi nhà"... nguy hiểm nhất Việt Nam

(Dân trí) - Do không “mảnh đất cắm dùi”, vợ chồng anh Nguyễn Văn Khanh đã liều dựng căn nhà nhỏ dưới gầm một cây cầu gỗ để sinh sống. Nhưng hiện tại, cây cầu gỗ này đã mục, người dân qua lại thấp thỏm lo cầu sập, vừa chết mình lại hại cả nhà anh Khanh.

Đến khu vực 9, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) hỏi thăm gia đình anh Khanh, hầu như người dân nơi đây ai cũng biết, bởi nơi ở (căn nhà) của vợ chồng anh Khanh khá đặc biệt và chỉ có những người “cùng đinh” như vợ chồng anh mới đánh liều mạng sống của mình, khi quyết định xây nhà dưới gầm một cây cầu gỗ mục để ở.

Anh  Khanh cho biết: “Cách đây 3 năm, có một ông chủ thương cho vợ chồng tui thuê một căn nhà với giá rẻ để ở nhưng rồi người ta lấy nhà lại nhà. Vợ chồng tui không có “mảnh đất cắm dùi”, quanh năm sống bằng nghề làm thuê  không có nên mới làm liều dựng cái nhà ở dưới gầm cầu này để ở, sẵn tiền luộc hột vịt lộn mang ra lộ bán, kiếm tiền sinh sống mấy năm qua”.

Nơi vợ chồng anh Khanh đang ở là một căn nhà lá nhỏ, thấp lè tè và nằm lọt thỏm dưới gầm một cây cầu gỗ không tên ở khu vực 9, phường Tân Hưng. Nhà tuy nhỏ nhưng có 2 gian rõ rệt, gian nhà trên (phía trên bờ) anh tận dụng làm nơi nấu ăn, tấm giặt,… Còn gian nhà dưới (phía dưới sông), anh đóng cọc, lót ván và kê 2 chiếc giường, dùng làm nơi ngủ nghỉ. Tuy nhiên, dù ở nhà trên, nhà dưới, khách muốn vào nhà anh Khanh phải cuối gập người mới vào được, vì chiều cao từ nền lên mái nhà chỉ hơn 1m.

Nhưng điều đáng nói hơn, “mái nhà” – toàn thân cây cầu gỗ đã mục hết, đặc biệt là các trụ cầu và thân cầu có  2, 3 cây đã bị gãy được anh Khanh chấp vá lại bằng dây chì. Nhưng theo anh Khanh chẳng biết cây cầu này sẽ “cầm cự” được bao lâu nữa khi hàng ngày cây cầu  “đưa đón” hàng trăm bận xe máy, người dân ở tổ 9 qua sông, đi chợ, đi làm.

Anh Nguyễn Văn Bé – có hơn 5 năm chạy xe ôm ở khu vực 9 cho biết, trước đây bên đầu cầu có lò ấp vịt, xe qua lại nồm nộp, bà con ở đây cũng lo cho sự an nguy gia đình anh Khanh nên đến vấn động anh Khanh di dời nhưng vì vợ chồng anh Khanh không có nơi ở, vả lại anh thấy chỗ ở này tuy nguy hiểm nhưng gần quốc lộ 91 làm ăn được (buôn bán hột vịt lộn, khô, ….) nên chưa chịu dọn đi.

Chị Huỳnh Thị Thu Hà – vợ anh Khanh cho biết: “Do nhà cất dưới cầu, xe qua lại có cảm giác như xe chạy trên đầu. Sợ nhất là ban đêm, có mấy đứa thanh niên say xỉn tranh nhau qua cầu một lúc. Lúc đó, cầu rung như người ta sàng gạo, cả nhà phải thức vì sợ cầu sập hoặc chúng nó có văng xuống thì biết đường mà tính!”.

Chị Hà cũng cho biết, thấy nơi ở của gia đình nguy hiểm chính quyền địa phương nhiều lần đến vận động gia đình chị di dời nhưng vì cuộc sống khăn, không có “cục đất chọi chim” nên gia đình chị Hà đành nhắm mắt đánh cược mạng sống cả nhà (4 nhân khẩu), trụ lại dưới gầm cầu này sinh sống hơn 3 năm qua.

Căn nhà lá tạm bợ của vợ chồng anh Khanh nằm gọn dưới gầm cầu gỗ mục

Căn nhà lá tạm bợ của vợ chồng anh Khanh nằm gọn dưới gầm cầu gỗ mục
Tuy cầu gỗ đã mục nhưng hàng ngày có hàng trăm bận xe máy qua lại cầu

Tuy cầu gỗ đã mục nhưng hàng ngày có hàng trăm bận xe máy qua lại cầu
Mặt cầu bằng ván gỗ tạp, nhiều chỗ đã bị mục, tuột đinh, chông chênh như thế này

Mặt cầu bằng ván gỗ tạp, nhiều chỗ đã bị mục, tuột đinh, chông chênh như thế này
Ra vào nhà anh Khanh phải cuối gập người

Ra vào nhà anh Khanh phải cúi gập người
Những chỗ thân cầu bị gãy, tuột đinh, anh Khanh dùng dây chì buộc lại theo kiểu tạm bợ qua ngày

Những chỗ thân cầu bị gãy, tuột đinh, anh Khanh dùng dây chì buộc lại theo kiểu tạm bợ qua ngày

Anh Bé và người dân khu vực chỉ cho PV xem những chỗ gỗ bị mục

Anh Bé và người dân khu vực chỉ cho PV xem những chỗ gỗ bị mục





Nguyễn Hành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm