Cận cảnh chợ Rồng trăm năm tuổi sắp bị phá bỏ ở Ninh Bình
(Dân trí) - Có từ thời Pháp thuộc, chợ Rồng gắn bó lâu đời với người dân Ninh Bình. Khu chợ nổi tiếng có tuổi đời trăm năm này sẽ bị phá bỏ để xây trung tâm thương mại kết hợp dịch vụ.

Chợ Rồng là nơi giao thương hàng hóa lớn nhất tỉnh Ninh Bình, nằm ngay giữa trung tâm thành phố Hoa Lư, bên cạnh quốc lộ 1 và quốc lộ 10; gần ngã ba sông Vân đổ vào sông Đáy.
Hơn 100 năm qua, chợ Rồng là nơi kinh doanh, buôn bán sầm uất bậc nhất của tỉnh Ninh Bình và các tỉnh trong khu vực như: Nam Định, Hà Nam, Hòa Bình, Thanh Hóa.

Có từ thời Pháp thuộc, đến nay chợ Rồng có tuổi đời hàng trăm năm, nổi tiếng và gắn bó lâu đời với người dân vùng đất Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình. Tên gọi chợ Rồng để chỉ chợ chuyên buôn bán tôm, cá, hải sản và nằm ở ngã ba sông khác với chợ Xanh là chợ tạm, dùng để buôn bán rau quả, thường nằm ở đầu các làng.

Từ lúc được người Pháp cho xây dựng đến nay, chợ Rồng đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử. Là địa danh nổi tiếng, trong kháng chiến chống Pháp chợ đã bị phá bỏ để thực hiện chiến dịch "vườn không nhà trống".
Khi hòa bình lập lại, địa điểm chợ cũ vẫn là nơi buôn bán lớn nhất thành phố nên chợ được khôi phục lại, sau đó được xây dựng khang trang rộng lớn như ngày nay.

Thời gian gần đây, thành phố Hoa Lư tiến hành tháo dỡ một phần chợ Rồng để GPMB thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh Ninh Bình như: Dự án xây dựng cầu Chà Là; Cụm thủy lợi Nam sông Vân; Cải tạo cảnh quan 2 bờ sông Vân.

Ban Giải phóng mặt bằng và Tái định cư thành phố Hoa Lư cho biết, 100m2/sàn x 3 tầng (300m2 sàn) của chợ Rồng đã được tháo dỡ; số tiểu thương bị ảnh hưởng tại khu vực này là 9 hộ.

Sau khi di chuyển hết các tiểu thương buôn bán trong chợ, sẽ tiến hành phá dỡ toàn bộ khu chợ để thực hiện các dự án nêu trên; còn lại một phần quỹ đất đã được quy hoạch, sẽ xây dựng trung tâm thương mại kết hợp dịch vụ, văn phòng trong tương lai.


Ghi nhận của phóng viên Dân trí, một góc chợ Rồng đã được tháo dỡ xong, khu vực bên trong khu A, một phần khu B và C, các tiểu thương vẫn buôn bán bình thường. Có khoảng 200 hộ kinh doanh trong khu vực chợ bị ảnh hưởng, thời gian tới sẽ phải di dời đến nơi buôn bán mới.

Các hộ dân kinh doanh trong chợ Rồng khi chuyển đến nơi buôn bán mới tại các chợ khác trong thành phố sẽ được chính quyền hỗ trợ kinh phí. Việc chợ Rồng nổi tiếng, gắn bó lâu đời bị phá bỏ khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối.

Một tiểu thương bùi ngùi: "Chợ Rồng như là ngôi nhà thứ hai đối với gia đình tôi. Chợ không chỉ là nơi buôn bán, mưu sinh mà còn gắn bó biết bao kỷ niệm buồn vui giữa các tiểu thương với nhau, giữa tiểu thương với người đi chợ".

Chị Nguyễn Thị Liên, tiểu thương buôn bán hơn 20 năm ở chợ Rồng, tâm sự: "Chúng tôi hy vọng sẽ sớm được ổn định khi phải chuyển đến nơi kinh doanh mới. Ủng hộ chính sách lớn của tỉnh khi phá bỏ chợ Rồng để biến nơi đây thành khu vực khang trang, hiện đại, trung tâm thương mại sầm uất, xứng tầm với đô thị di sản mà Ninh Bình đang xây dựng".