Cam FVF - Điển hình của ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp xanh, bền vững
(Dân trí) - "Trồng cam FVF theo mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ hiện đại giúp người dân có hướng đi mới, cải thiện kinh tế", ông Nguyễn Văn Nam - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An nhận định.
Theo ông Nam, dự án trồng và phát triển vườn cam mang thương hiệu FVF trên diện tích tập trung lớn hàng đầu cả nước của Tập đoàn TH có thể xem như một điển hình về ứng dụng công nghệ hiện đại vào phát triển nông nghiệp xanh bền vững.
Năm 2018, Tập đoàn TH quyết định phát triển dự án cam FVF tại xã Nghĩa Bình (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) theo định hướng thực hành nông nghiệp sạch bền vững, ứng dụng công nghệ cao. Đây được xem là một bước đi đầy táo bạo bởi thời điểm ấy, phần lớn diện tích cam trên địa bàn Nghĩa Đàn nói riêng, toàn tỉnh nói chung đang bước vào giai đoạn thoái hóa và dịch bệnh phát triển mạnh.
"Xuất phát từ tình hình thực tế, lãnh đạo tập đoàn đã đi đến quyết định là phải xây dựng một mô hình thực nghiệm ứng dụng công nghệ cao để bảo tồn giống cam Xã Đoài nổi tiếng của xứ Nghệ", ông Phan Tuấn Cường, Giám đốc mô hình thực nghiệm công nghệ cao Cam FVF, Tập đoàn TH kể lại.
Qua gần 6 năm, với cách làm bài bản, khoa học, mô hình trên dần đạt được những kết quả tích cực. Vườn cam FVF hiện đã có 60% gốc cho quả năm thứ ba với sản lượng hơn 20tấn/ha, độ ngọt đạt từ 11 độ Brix trở lên. Với tổng diện tích 70ha, đây được xem là vườn cam lớn bậc nhất miền Trung. Những trái cam FVF có mặt hầu khắp các hệ thống siêu thị của cả nước và được người tiêu dùng đón nhận.
Không chỉ mang đến cho người tiêu dùng những trái cam tươi ngọt thanh, mọng nước, chất lượng, mô hình cam FVF còn nhằm hưởng ứng "Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" của Chính phủ, đặc biệt là mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh - bền vững và ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Ứng dụng toàn diện công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sạch
Công nghệ hiện đại được Tập đoàn TH ứng dụng toàn diện tại mọi khâu, từ chọn giống, chăm sóc cho đến khi thu hoạch, bảo quản và phân phối đến tay người tiêu dùng. Nổi bật là hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel.
Ông Lê Văn Phong - Kỹ sư Mô hình thực nghiệm công nghệ cao cam FVF cho biết, hệ thống tưới nhỏ giọt được tự động hóa và quản lý dễ dàng trên ứng dụng cài đặt trên điện thoại. Thông qua cảm biến, mọi chỉ số về dinh dưỡng, độ ẩm, độ PH, ánh sáng, tốc độ gió,… đều được đo lường và cập nhật chi tiết. Từ đó, hệ thống tính toán ra nhu cầu dinh dưỡng cụ thể của cây đồng thời tự động tưới khi cây có biểu hiện thiếu nước.
"Trước kia để tưới hết 70ha cam, chúng tôi cần khoảng 30 nhân công tưới trong vòng 15 ngày. Nhưng từ khi sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, chỉ cần 1 người điều khiển và tưới trong 3 ngày là xong", kỹ sư Phong chia sẻ thêm.
Cam FVF được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap. Phân bón dùng để chăm sóc vườn cam trong thời kỳ cho quả là phân hòa tan NPK 12-4-36 nhập khẩu từ Israel, kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ Greenma của Tập đoàn TH - sản phẩm tận dụng nguyên liệu chất lượng cao từ trang trại bò sữa TH, thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe.
Sản phẩm quả cam tươi FVF cũng đã được Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia - Bộ Y tế công bố đạt các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn TCVN 11892-1:2017.
Đóng góp nhiều giá trị bền vững cho nông nghiệp
Giá trị bền vững đầu tiên và cũng là mục tiêu quan trọng nhất của Tập đoàn TH khi triển khai mô hình cam FVF chính là mang đến nguồn nông sản sạch, khép kín từ nông trại đến bàn ăn. Và mục tiêu ấy dần được hiện thực hóa khi những trái cam tươi mọng, ngọt thanh, an toàn và giàu dưỡng chất đã đến tay hàng nghìn người tiêu dùng.
Việc nói không với phân bón hóa học tại vườn cam FVF còn giúp duy trì cân bằng sinh thái tự nhiên, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường.
Thêm vào đó, nhân công vườn cam FVF phần lớn đều là nhà nông địa phương. Thông qua việc tiếp xúc, ứng dụng và vận hành các hệ thống, thiết bị hiện đại tại đây sẽ giúp người dân nâng cao năng lực công nghệ cùng tư duy làm nông cấp tiến, từ đó đóng góp vào nền nông nghiệp một lực lượng nhà nông am hiểu công nghệ.
Ông Nguyễn Văn Nam - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Đàn cho biết, thời kỳ phát triển tốt, diện tích cam của toàn huyện lên đến khoảng 1.800ha, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 170ha, sụt giảm rất lớn.
"Trong khi đó, mô hình thực nghiệm cam FVF theo hướng nông nghiệp sạch và ứng dụng công nghệ hiện đại trong chăm sóc, quản lý dịch hại bước đầu đã mang đến hiệu quả khá tốt. Với năng suất trung bình khoảng 30tấn/ha cùng nguồn thu lớn, mô hình cam FVF đã giúp bà con nông dân trên địa bàn Nghĩa Đàn thấy được hướng đi mới trong việc khôi phục diện tích cam và cải thiện hiệu quả kinh tế trên chính mảnh đất của họ", ông Nam đánh giá.