1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

“Cái tát” vào lòng nhân ái và sự “quá date” của ý thức thương hiệu

(Dân trí) - Việc Công ty TNHH VICO mang hàng loạt gói bột giặt mang nhãn hiệu Vì Dân bị sửa hạn sử dụng cứu trợ Hà Tĩnh, Quảng Bình không chỉ khơi thêm nỗi buồn cho những người dân vùng lũ mà còn gợi câu chuyện dài về ý thức thương hiệu của chính doanh nghiệp.

Mặc dù lãnh đạo VICO đã sớm thanh minh rằng sự cố sửa “date” chỉ là một cách họ tiết kiệm chi phí sản xuất bằng cách dùng vỏ bao tồn để đựng sản phẩm mới sản xuất, cách giải thích này xem ra không mấy thuyết phục với đại bộ phận người tiêu dùng.

Bằng chứng là chỉ trong vài giờ, đã có hàng trăm bình luận của bạn đọc gửi tới Dân trí, bày tỏ sự bất bình với những gói bột giặt cứu trợ của VICO. Có người gọi đó là sự xúc phạm người dân vùng lũ, là trò đánh bóng thương hiệu trên sự cùng cực của người dân. Có người, bĩnh tĩnh hơn, gọi đó là sự thiếu tôn trọng với thương hiệu của chính mình - cái thương hiệu vốn rất hoành tráng: Vì lợi ích người Việt.

Những đứa trẻ khuyết tật, thiệt thòi tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Hới đóng vai trò là những “người tiêu dùng thông thái”, phát hiện ra cái tem được dán rất khéo và “tố” oan các cán bộ Trung tâm “láo, lừa”. Nhưng những đứa trẻ dễ tổn thương này không có nhiều lựa chọn, chúng không hiểu được suy nghĩ của người lớn về đạo đức xã hội và nhân tình thế thái.

Sau câu chuyện buồn về quần áo cứu trợ bị đem đi… lau xe, những gói bột giặt được sửa “date” lại tạt thêm một xô nước lạnh vào những người dân vùng lũ, những người chịu nhiều mất mát đang được sẻ chia, vỗ về bởi hàng triệu tấm lòng nhân ái.

Lãnh đạo VICO đã từng nói bột giặt Vì Dân là chiến lũy cuối cùng trong một thị trường nghẹt thở bởi sự xâm nhập nhanh chóng của bột giặt ngoại được gia công trong nước; và nói rằng nếu không có VICO người tiêu dùng Việt Nam sẽ phải cắn răng trả tiền cho những gói bột giặt mà chi phí sản xuất một trời một vực với giá bán. VICO hướng đến một thương hiệu của người Việt, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt. Nhưng VICO sẽ giải thích thế nào với những người tiêu dùng trả tiền nếu những mặt hàng được “phù phép” hạn sử dụng kia được đưa ra thị trường?

Còn nhớ, sau hàng loạt sự cố khiến Toyota thu hồi hàng chục triệu chiếc ôtô đắt tiền trên toàn thế giới, hãng xe nổi tiếng của Nhật Bản đã có tên trong top 10 thảm họa thương hiệu toàn cầu năm 2010. Chỉ trong vòng 6 tháng, giá trị thương hiệu của Toyota đã giảm từ 30 tỷ xuống còn 24 tỷ USD. Những năm 1980s, sự cố thu hồi tương tự đã giết chết Audi, và phải mất 15 năm hãng xe sang trọng của Đức mới thực sự vượt qua khủng hoảng.

Trong khi người tiêu dùng ngày càng khó tính khi móc túi trả tiền cho một sản phẩm và thị trường đang mở rộng hết cỡ cho những cuộc cạnh tranh, một động thái dù nhỏ nhất có thể gây thiệt hại khôn lường cho một thương hiệu, vốn tiêu tốn thời gian, tiền bạc và trí tuệ để xây dựng.

Quay lại với VICO, cứu trợ dân vùng lũ bằng bột giặt cũng là một cách quảng bá, đưa sản phẩm và đằng sau đó là thương hiệu của mình tới người dân miền Trung. Nhưng sau những gói bột giặt hết hạn sử dụng này, liệu người dân có lựa chọn Vì Dân (và VICO) khi họ phải mở ví?

Một gói sản phẩm hết hạn đến tay người dùng là một cú knock-out đối với thương hiệu, vốn được xây ba năm nhưng có thể phá trong một giờ. Nếu không tôn trọng người dùng, không tôn trọng chính thương hiệu của mình, sẽ có lúc thương hiệu đó “hết hạn”. Lúc đó, lấy tem nào để che và in “hạn” mới trong lòng người tiêu dùng?

Hồng Kỹ