Cái kết bất ngờ của cô gái từng chỉ muốn tìm tới cái chết
(Dân trí) - Từng nghĩ đến cái chết, không có sự tự tin, cô gái trẻ đã thay đổi cuộc đời và suy nghĩ bằng hành trình đi qua 40 quốc gia với nhiều trải nghiệm thú vị.
Từng nghĩ đến cái chết
Khi rời khỏi Hong Kong (Trung Quốc), Marsha Jean (hiện nay 23 tuổi) sống theo kiểu du mục. Jean mua vé đến Australia, định du lịch ở bờ biển phía tây nước này, tiêu hết tiền tiết kiệm sau đó kết thúc cuộc đời.
Lúc đó, Jean gầy và cao lêu nghêu, muốn tự tử và sợ hãi, không có sự tự tin. Vài tuần sau chuyến du lịch đến Australia, cô gái nhận ra thế giới không phải là nơi tồi tệ như bản thân nghĩ.
Cô gái trẻ chưa bao giờ tưởng tượng sẽ đặt chân đến nhiều nơi như vậy. Jean đã tới hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, có tài khoản Instagram với hình ảnh về chuyến đi có 12.000 người theo dõi.
Cô gái chụp hình ảnh đi dọc theo cồn cát của sa mạc Sahara, đi giữa các di tích có từ thời cổ đại ở Luxor, Ai Cập, đón bình minh tại những ngôi đền ở Bagan, Myanmar, đứng trên đỉnh của vách đá ở Thụy Điển…
Năm 19 tuổi, Jean du lịch một mình từ Iran đến Pháp, qua Iraq. "Tôi muốn thử thách nỗi sợ hãi của chính mình. Mặc dù không khuyên mọi người đi quá giang, trải nghiệm đó dạy tôi biết trên đời này còn bao nhiêu người tốt", Jean nhớ lại.
Ở tuổi 21, cô gái trẻ thuê một con lừa và đi cùng chủ nhân của nó suốt 19 ngày qua khu vực Wakhan của Afghanistan - nơi xa xôi nhất trên trái đất, không có tín hiệu điện thoại di động hay Internet, thăm những cộng đồng du mục trên hành trình. Cũng năm đó, Jean đạp xe một mình đi xuyên các nước Kyrgyzstan, Tajikistan và miền bắc Pakistan.
"Tôi đột nhiên quyết định mua một chiếc xe đạp và đạp xe đi qua Kyrgyzstan và Tajikistan dọc theo đường cao tốc Pamir huyền thoại. Đó là con đường cao thứ hai thế giới, là một phần của Con Đường Tơ Lụa thời xưa. Hầu hết con đường không trải nhựa, nhiều đèo cao... đèo cao nhất 4.655m so với mực nước biển", Jean chia sẻ trên blog.
Muốn truyền cảm hứng cho mọi người
Trong hành trình đạp xe xuyên Pakistan, cô gái 21 tuổi như "ngôi sao nhỏ" xuất hiện trên kênh truyền hình quốc gia của nước này. Jean đi theo triết lý du lịch chậm - đó là cách nhìn thế giới nhấn mạnh đến sự kết nối con người và văn hóa địa phương.
Cô cũng tham gia tình nguyện với một tổ chức phi chính phủ để xây dựng ngôi trường ở một ngôi làng hẻo lánh tại Nepal. Jean dành 6 tháng ở Pakistan, 7 tuần ở Afghanistan, 10 tháng ở Australia, đi xe máy khắp miền Bắc Việt Nam, đi thuyền giữa các đảo ở Lombok và Flores của Indonesia.
Marsha Jean muốn định hình lại những quan niệm sai lầm về hành tinh của chúng ta. Cô cho rằng, xã hội hiện đại khiến chúng ta e sợ một số nền văn hóa, tô vẽ thế giới như một nơi nguy hiểm, chia sẻ những câu chuyện tồi tệ và bi kịch. "Tất nhiên, có rủi ro, nhưng tôi thấy thế giới đầy những người tử tế", Jean bày tỏ,
Cô gái trẻ cũng hi vọng bản thân là nguồn cảm hứng cho mọi người. Không có nhiều phụ nữ châu Á thích mạo hiểm được giới thiệu trên các phương tiện truyền thông, Jean hi vọng thông qua việc chia sẻ câu chuyện của mình có thể bắt đầu một sự thay đổi.
Chuyến đi của Jean có chi phí thấp, trong 2 năm đầu tiên, cô gái chỉ chi 10.000 Euro. Suốt hành trình đạp xe qua vùng Trung Á, mỗi ngày chỉ tiêu khoảng 2-3 USD. "Tôi hiếm khi ở khách sạn hay nhà trọ mà cắm trại ở nơi hoang dã, ở với người dân địa phương hoặc ngủ nhờ", Jean chia sẻ.
Để bày tỏ sự cảm ơn với chủ nhà, Jean sẽ mua những món quà, thường là đồ ăn ở chợ tặng họ. Chia sẻ với tờ SCMP, Jean bộc bạch không muốn đưa ra lời khuyên về du lịch mà chỉ chia sẻ kinh nghiệm của mình. Cô gái này muốn kể câu chuyện của mình để truyền cảm hứng và động lực cho những người khác không sợ hãi, theo đuổi ước mơ của họ.
Hiện nay, Jean sống với một cặp vợ chồng 60 tuổi ở trang trại, cô là một trong 3 tình nguyện viên ở đây.