1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kim Ngọc và số phận của “khoán chui” (kỳ 2)

Cái giá phải trả của việc “đi trước thời gian”

(Dân trí) - Đứng trước mộ ông Kim Ngọc tại thị xã Vĩnh Yên, ông Nguyễn Thành Tô, người nhiều năm liền là thư ký cho ông Kim Ngọc xúc động nói: “Ông Ngọc là người đi trước thời gian rất nhiều, chính ông ấy mới dám đưa ra những cái mới đi ngược lại hẳn nguyên lý của chủ nghĩa xã hội lúc đó và những điều ông ấy làm đến bây giờ đều đúng”.

Người ta kể, ngày dời mộ ông Ngọc từ Phú Thọ về đây, có hàng trăm chiếc xe ôtô lặng lẽ nối đuôi nhau đi sau xe tang của ông.

 

NQ 68: Dám phê phán thành trì của CNXH

 

Năm 1963-64, khi ấy ông Kim Ngọc đang là Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc (chưa sáp nhập với Phú Thọ để thành Vĩnh Phú), điều ông đau đáu nhất là vì sao HTX luôn luôn được coi là điển hình tiên tiến của XHCN vậy mà dân vẫn đói, nghèo, chẳng ai thiết tha gì với đồng ruộng. Trong khi ta luôn tuyên truyền về sự phát triển của ruộng hợp tác, với năm nào cũng mùa màng bội thu. Nhà thơ Tố Hữu đã hình tượng hoá hợp tác xã bằng câu thơ: “Dân có ruộng dập dìu hợp tác. Lúa mượt đồng ấp áp làng quê”. Nhưng có sâu sát với người nông dân mới hiểu chúng ta áp dụng  mô hình hợp tác “mọi thứ đều là của chung” là rất sai.

 

Ông Nguyễn Thành Tô kể một kỷ niệm mà suốt đời ông chẳng thể nào quên: Ông và ông Kim Ngọc cùng lội xuống ruộng và chỉ thấy cỏ dại mọc đầy. Người dân chỉ làm xung quanh bờ cho có chuyện, còn ở giữa họ bỏ mặc. Ông Ngọc buồn mất mấy ngày và cứ băn khoăn hỏi: “Này Tô, tại sao người nông dân lại không mặn mà với đồng ruộng?”. Hình thức khoán việc hồi ấy đẻ ra biết bao thứ quan liêu, nạn cường hào mới, tệ rong công, phóng điểm, làm ăn gian dối. Vậy mà người ta cứ thổi phồng lên là HTX no ấm, người dân phấn khởi. Quả là giáo điều.

 

Rồi như tìm ra một chân lý ông tự nói: Có lẽ phải chuyển sang mô hình khoán cho người nông dân.

 

Ông Ngọc giao cho Ban nông nghiệp tỉnh làm báo cáo, đi khảo sát lấy ý kiến người dân và sớm hoàn thành đề án khoán. Ngày 10/9/1966, Nghị quyết 68 của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lúc đó do ông Trần Quốc Phi,  Phó Bí thư Tỉnh uỷ ký (mộ ông Phi sau này cũng nằm cạnh mộ của ông Kim Ngọc) trở thành một nghị quyết đột phá vào thành trì bảo thủ của nông nghiệp, dám thẳng thắn phê phán sự thụt lùi, yếu kém của mô hình HTX lúc ấy, mặc dù NQ có cái tên rất hiền hoà là “NQ về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong HTX hiện nay”.

 

Cần phải nói rõ là lúc ấy (từ năm 1963-1966) cả nước đều hướng ra tiền tuyến đánh giặc, hậu phương chỉ có mỗi việc là “sản xuất tốt theo mô hình HTX để chi viện cho tiền tuyến”. NQ 68 (mà sau này được gọi bằng cái tên nổi tiếng là NQ 3 khoán) mà ông Kim Ngọc khởi xướng dám phê phán tình hình nông nghiệp ì trệ  chẳng khác nào “quả bom” đánh thẳng vào ý thức hệ XHCN bảo thủ lúc đó. Mặc dù NQ đưa ra 3 hình thức khoán   nhưng cuối cùng nông dân chỉ chọn và mặn mà với hình thức “khoán hộ”. Nông dân hiểu và làm đều rất đơn giản: Cái gì gắn mật thiết với họ thì họ chọn và họ đã chọn đúng. Điều rất quan trọng là chính từ cơ sở, toàn bộ tỉnh uỷ, huyện uỷ Vĩnh Phúc đều ủng hộ NQ này. Để có tiền đề làm khoán tốt, ông Kim Ngọc đã cử một đoàn chọn HTX Thôn Thượng, Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường để làm thí điểm. Nhân dân rất phấn khởi nhận khoán và hăng hái ra sản xuất.

 

Chỉ sau 1 năm làm khoán hộ, bộ mặt nông nghiệp của Vĩnh Phúc đã thay đổi rất mạnh. Năm 1967, 75% số HTX áp dụng khoán hộ, 76% số đội sản xuất khoán hộ. 160 hợp tác xã (chiếm hơn 70% số HTX lúc đó) đạt năng suất lúa từ 5-7 tấn/1ha, sản lượng thóc đạt 197 ngàn tấn tăng 2,7% so với năm 1964. Nếu lúc đó mô hình khoán hộ được nghiên cứu, nhân rộng ra cả nước thì nông nghiệp miền Bắc chắc chắc sẽ có bước phát triển vượt bậc. Nhưng niềm vui đúng là “chóng chẳng tày gang”. Trong  lúc cả đảng bộ và nhân dânVĩnh Phúc đang phấn khởi vì khoán hộ thì đùng một cái, Trung ương ra lệnh: dừng ngay khoán hộ.

 

Cái “chết” của khoán hộ

 

Hồi ấy có khá nhiều người lăn xả vào để ủng hộ khoán hộ, nhưng cũng không ít người đã lên tiếng phê phán khoán hộ là xa rời CNXH, đưa nông nghiệp trở lại con đường tư hữu hoá (vì giao ruộng đất, tài sản cho nông dân). Thà đói còn hơn làm sai nguyên lý của Mác - Lê Nin...

 

Vào khoảng đầu năm 1968, T.Ư có ý kiến chỉ đạo (mà lúc đó trực tiếp từ ông Trường Chinh) yêu cầu Tỉnh uỷ Vĩnh Phú (lúc đó đã sáp nhập Vĩnh Phúc với Phú Thọ thành Vĩnh Phú - ông Kim Ngọc vẫn là Bí thư của Vĩnh Phú) phải kiểm điểm về làm khoán hộ. Theo ý kiến của T.Ư lúc đó thì khoán hộ mà ông Kim Ngọc đang cho làm ở Vĩnh Phúc là một cách làm “phá vỡ quan hệ sản xuất XHCN, đẩy lùi tiến bộ KHKT”.

 

Ông Nguyễn Thành Tô, thư ký của ông Kim Ngọc kể, khi biết được tin này ông Ngọc buồn lắm, nhưng ông Ngọc là người dám cãi T.Ư, ông vẫn bảo lưu ý kiến phải cho áp dụng khoán hộ. Khoán hộ bị dừng lại. Đến ngày 28/4/1971, Tỉnh uỷ họp ở Gia Thanh (nơi sơ tán của Tỉnh uỷ), ông Ngọc phải đọc bản kiểm điểm để nhận khuyết điểm trong việc áp dụng khoán hộ. Chúng tôi là một trong số rất ít người được cầm bản kiểm điểm của ông Ngọc trên tay.

 

 

Cái giá phải trả của việc “đi trước thời gian” - 1
 

Di ảnh ông Kim Ngọc

Đã gần 40 năm trôi qua, bản kiểm điểm được đánh trên máy đánh chữ và in rôneo nom đã cũ đi nhiều nhưng nó vẫn còn nóng hổi tính thời sự bởi sự thật mà nó gánh vác: Những con người cộng sản, dám đi tiên phong, vì dân vì nước, nhưng vì va phải thành trì bảo thủ, quan liêu, duy ý chí nên cuối cùng phải trả giá. Bản kiểm điểm mà ông Ngọc đọc trước tỉnh uỷ có đoạn: “Trong quá trình thực hiện công việc nông nghiệp, tôi có một sai lầm nghiêm trọng. Khuyết điểm, sai lầm lớn nhất của tôi là khoán hộ”. Sau đó theo chỉ đạo của T.Ư mà trực tiếp là ông Trường Chinh (ông Trường Chinh đã về tận Vĩnh Phú để nói chuyện về những sai lầm của khoán hộ) khoán hộ bị dừng lại.

 

Trên tạp chí Học Tập, có đăng bài của ông Trường Chinh nêu rõ những sai lầm của ông Kim Ngọc trong việc khoán hộ: “Những sai lầm và khuyết điểm trên đã dẫn tới bằng nhiều hình thức khác nhau, đem chia lại một phần ruộng đất từ tập thể sang cá nhân...”. Anh Nguyễn Kim Sơn, con trai cả của ông Kim Ngọc lúc này đang học ở Đức vô tình có đọc được bài báo về cha mình, đã hiểu rằng: Cha anh đang phải đối diện với đòn đánh của thành trì bảo thủ XHCN.

 

Sau năm 1968, các cánh đồng đã từng xanh tốt vì khoán hộ nay trở lại tiêu điều xơ xác. Người dân buồn bã  quay trở lại với thời công điểm. Sản lượng lúa ở Phú Thọ tụt giảm thảm hại. Nông dân lại trở lại nghèo đói. Nhưng những người lãnh đạo dường như không quan tâm đến điều ấy.

 

“Sức mạnh chính là lòng dân”

 

Mặc dù T.Ư cấm khoán hộ, nhưng cách làm này đã đi vào lòng dân, nên dù có bị cấm người dân vẫn cứ làm (vì vậy mà nó còn gọi là khoán chui). Nhiều chi bộ thôn, xã, huyện vẫn kiên quyết đi theo khoán mới bất chấp lệnh cấm của T.Ư.

 

Ông Tô nhớ lại: Một số địa phương như Hải Phòng đã bí mật về học tập khoán hộ và họ cũng áp dụng thành công cách khoán này. Khoán chui như có sức mạnh diệu kỳ, cứ thế âm thầm lan rộng ra ở nhiều địa phương miền Bắc. Điều đó mới thấy hết được sức mạnh chính là ở lòng dân. Nếu lòng dân không muốn thì có áp dụng bất cứ một biện pháp nào, đưa ra bất cứ một tư tưởng nào dân cũng sẽ không nghe. Còn khi dân đã thấy đúng thì dù có cấm dân vẫn cứ làm. Sự vĩ đại của nhân dân chính là ở chỗ đó. Họ chứ không phải ai khác đã tiếp bước ông Kim Ngọc, âm thầm làm khoán chui để đến năm 88, khi số phận đất nước đã  “ngàn cân treo sợi tóc”, chính khoán chui đã tạo nên sức mạnh để VN thoát ra khỏi khủng hoảng...

 

Năm 1981, trước thực trạng nông dân ngày càng nghèo đói, sản lượng lương thực ngày càng sút giảm, nạn đói bắt đầu xảy ra trên diện rộng, T.Ư mới bắt đầu xem xét đến khoán hộ mà ông Kim Ngọc đã từng làm khi xưa. Sau đó Bộ Chính Trị đã ra chỉ thị 100 công nhận một phần khoán hộ. Theo ông Võ Chí Công, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách nông nghiệp lúc đó thì “Dù Chỉ thị 100 vẫn còn nhiều bất cập, nhưng đó là một thắng lợi rất to lớn của khoán hộ, bởi vì nó đã được công nhận”.

 

Đức Trung

 

Kỳ tiếp: Ông Kim Ngọc có bị kỷ luật, tù tội?