1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

Cái chết không rõ ràng của 1 nữ lao động tại Malaysia

(Dân trí) - Gần 10 tháng cho con gái sang Malaysia làm việc, khoảng 15h ngày 18/9, gia đình ông Lê Xuân Đình (trú xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc) bất ngờ nhận được điện thoại báo tin chị Lê Thị Hoa (con ông Đình) đã chết do bị rơi từ tầng 8 khu kí túc xuống.

Theo trình bày của ông Đình thì người phụ nữ báo tin tên là Đặng Thuý Mai. Bà Mai nhận mình là một cán bộ quản lý lao động Việt Nam của Công ty Cổ phần cung ứng Lao động và Thương mại Hải Phòng (Halasuco) - chi nhánh tại Hà Nội.

Sáng ngày 19/9, gia đình ông Đình đến chi nhánh tuyển dụng lao động của công ty đặt tại Quán Bàu, TP Vinh để tìm hiểu sự việc. Tại đây các nhân viên đã viết 1 giấy xác nhận: khoảng 15h ngày 18/9, một nhân viên chi nhánh Hà Nội gọi điện thông báo “Ngày 24/8, công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ đã phát hiện lao động Lê Thị Hoa có thai. Công ty vẫn sắp xếp cho làm việc và Hoa cũng xin làm thêm để kiếm tiền nuôi con nhưng không hiểu nguyên nhân vì sao mà lao động nhảy lầu tự vẫn”.

Chiều ngày 19/9, Đại diện Công ty Halasuco cũng điện thoại về gia đình ông Đình hẹn đúng 10h30 ngày 21/9, ra sân bay Nội Bài (Hà Nội) để đón thi hài Hoa về. Gia đình ông Đình đã tức tốc đi Hà Nội để nhận thi thể con nhưng phải chờ mãi đến đêm 22/9 gia đình mới nhận được xác.

Trong ngày 21/9, khi đặt chân đến Hà Nội, gia đình ông Đình đã đến trụ sở chi nhánh Halasuco để hỏi cho ra nhẽ. Tại đây ông Đình với ông Lê Bá Đáng (đại diện Halasuco) đã “khẩu chiến” về cái chết của chị Hoa.

Halasuco tuyên bố chỉ trả 25 triệu đồng (việc di chuyển thi hài chị Hoa từ Malaysia về Nội Bài) và “thêm” 5 triệu đồng cho gia đình thuê xe chở thi hài về Nghệ An. Đồng thời Halasuco hỗ trợ thêm cho gia đình 15 triệu đồng tiền ma chay…

Khi ông Đình yêu cầu phải thực hiện đúng đền bù bảo hiểm như trong hợp đồng thì phía Halasuco nói bảo hiểm là do phía công ty sử dụng lao động bên Malaysia chi trả. Và nếu có đền bù thì 5 đến 6 tháng nữa bên Malaysia mới chuyển về thẳng cho gia đình. Còn bây giờ, họ phải trích quỹ lương của công ty ra để “hỗ trợ”.

Thấy ông Đình đưa ra nhiều lý do chính đáng, cuối cùng phía Halasuco đã quyết định hỗ trợ thêm 10 triệu đồng nữa và yêu cầu gia đình ký vào “Biên bản hỗ trợ lao động tử vong” trong đó có yêu cầu “Không đòi hỏi thêm…”. Phía Halasuco đã lập một bản thanh lý hợp đồng “bắt” gia đình chị Hoa ký vào nhưng gia đình kiên quyết không ký.

Cái chết không rõ ràng của 1 nữ lao động tại Malaysia - 1
  

Các em gái Hoa ngất lên ngất xuống mấy ngày nghe
hung tin.

Theo hồ sơ hợp đồng lao động: Lê Thị Hoa (sinh ngày 30/1/1987) ký hợp đồng lao động với Công ty Halasuco làm việc tại Malaysia với mức lương 468 ringit/tháng. Hoa làm việc cho Nhà máy điện tử Soon Hering SDN.BHD thuộc bang Johoh từ tháng 12/2007. Kể từ đó đến nay, Hoa mới gửi về nhà được 10 triệu đồng.

Theo ông Đình: “Trước khi chết khoảng hơn một tháng, Hoa đã gọi điện về nhà vừa nói vừa khóc: “Con bị vu oan là có thai, hiện công ty đang ép con về nước nhưng con thề là không có chuyện ấy. Kiểm tra sức khoẻ, họ đã nhầm lẫn kết quả với ai đó”. Sau đó ít ngày, Hoa lại gọi điện về báo là công ty đã cho cô tiếp tục đi làm. Trong những lần liên lạc sau, Hoa nói chuyện như mọi khi, không có biểu hiện tiêu cực.

Ông Đình cho biết: “Cái chết của con tôi diễn ra sau thời điểm nó gọi điện báo sẽ gửi về một khoản tiền lớn để trả nợ? Rất có thể đây là một vụ án mạng?”. Theo ý kiến của gia đình ông Đình thì họ muốn được cung cấp hồ sơ pháp y, biên bản khám nghiệm hiện trường, nguyên nhân cái chết của chị Hoa là tự tử hay là do nguyên nhân nào khác, đồng thời phải xác định số tiền chi trả bảo hiểm tử vong cho lao động.

Bởi vì, trong giấy phép nhập cảnh thi hài và giấy chứng tử chỉ nêu nguyên nhân chết là “bị thương nặng ở vùng đầu, nhiều vết rạn” chứ không đề cập đến chuyện có mang thai hay không? Và nếu người lao động đang trong thời gian làm việc, ở trong cơ sở của công ty thì bảo hiểm tử vong sẽ được đề cập như thế nào?

Được biết, gia đình ông Đình có tất cả 9 người con gái, thuộc diện hộ nghèo, ông là bệnh binh mất sức. Số tiền lo cho Hoa đi xuất khẩu lao động gia đình phải đi vay ngân hàng 20 triệu đồng.

“Con gái tôi chết rồi. Cả gia đình không biết nó chết thế nào. Tiền gửi về chưa đủ trả nợ nay chúng tôi biết xoay đâu ra tiền mà trả tiếp cho ngân hàng…” - mẹ Hoa nói câu được câu mất. Còn các em gái của Hoa khi nghe tin chị mất, đã ngất lên ngất xuống và phải nhờ hàng xóm chở đi bệnh viện cấp cứu…

Nguyễn Duy