1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

“Cái bang” hành tẩu mùa thi

(Dân trí) - Số lượng “cái bang” tại TPHCM đột nhiên tăng vọt trong hai đợt thi tuyển sinh vừa qua, đặc biệt là tại các khu vực tập trung đông sĩ tử và phụ huynh, thậm chí còn có tình trạng “trù ẻo” nếu sĩ tử không chịu… “bố thí”.

Ghi nhận của Dân trí tại khu vực làng Đại học Thủ Đức, nơi tập trung các địa điểm thi lớn như ĐH Nông lâm, cơ sở 2 của các ĐH Bách khoa, KHXH&NV, Khoa học Tự nhiên, Trung tâm Giáo dục quốc phòng… với hàng chục ngàn sĩ tử và phụ huynh. Tại đây, ngay từ 6h sáng đã xuất hiện gần chục đệ tử cái bang tiếp cận sĩ tử và phụ huynh để xin tiền, đủ mọi lứa tuổi và cảnh đời, già có, trẻ có, người mù hay khuyết tật tay chân cũng có.

Nhiều phụ huynh và thí sinh từ tỉnh lên thấy những cảnh đời cơ khổ động lòng giúp đỡ năm ba ngàn. Ông Hà Văn Thái quê Kiên Giang, phụ huynh thí sinh Hà Ngọc Tuấn, cho biết: “Thấy mấy đứa nhỏ bằng tuổi với con út của mình nên tội nghiệp. Mình nghèo thì cũng nghèo, nhưng cho mấy ngàn có đáng là bao!”.

Bà Lâm Thị Tính, phụ huynh sĩ tử Ngô Văn Biền, thì suy nghĩ: “Tôi hay đọc báo thấy người ta nói mấy đứa đi ăn xin mỗi ngày phải nộp cả trăm ngàn cho chủ, nếu không đủ thì bị đánh đập. Thôi thì bớt chút cho chúng nó”. 

Không chỉ phụ huynh, các thí sinh cũng động lòng trước những cảnh đời như vậy. Đang ăn ổ bánh mì thấy mấy em tới xin, thí sinh Lê Văn Chung không ngần ngại móc hết số tiền lẻ còn trong túi được 14.500 đồng cho ba đứa nhỏ. Chung cho biết: “Thấy tội quá, cho tụi nó có bữa ăn sáng no bụng”.

Nhưng mọi chuyện chỉ suôn sẻ và tốt đẹp khi người cho có tiền cho, người xin được tiền. Nếu sĩ tử và phụ huynh không cho tiền thì thay vào những lời van xin tha thiết như: “Thím cho bố con con mấy ngàn ăn cơm đi thím, bố con bị mù không có thấy đường đi lại được” nhanh chóng chuyển “tông” thành những lời “trù ẻo” sĩ tử, mạt sát phụ huynh… Nhiều người thấy ngại cũng đành móc túi ra cho.

Bà Đỗ Thị Thanh than thở: “Không hiểu ai dạy mà mấy đứa bé 7, 8 tuổi cũng nói được những câu chửi rủa như vậy! Ban đầu thấy tội nên cho, nhưng tiền đâu mà mỗi ngày cho mấy chục người, ngày nào cũng cho mà họ xin mãi. Sao mà ở đây có nhiều ăn xin vậy nhỉ?”.

Lân la hỏi chuyện thì một em trong nhóm cái bang cho biết: “Mấy cô chú dạy em, nếu người ta không cho thì cứ chửi lại, trù cho con người ta thi rớt thì người ta sợ, phải cho thôi. Cô chú nói tụi em nhỏ, người ta không dám đánh đâu mà lo”. Cô bé này chỉ mới 10 tuổi, em được cho 10 ngàn nên mới chịu nói. Nhưng khi hỏi cô chú là ai thì em nhìn quanh rồi im bặt.

Trung Kiên - Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm