1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

An Giang:

Cách trao đổi hàng hóa lạ lùng mùa Covid-19

(Dân trí) - Không để những người láng giềng Campuchia thiếu gạo, mì… khi cửa khẩu đóng lại, Biên phòng Đồng Tháp đã nghĩ ra những cách trao đổi hàng hóa vô cùng độc đáo trong thời dịch Covid-19.

Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát dịch bệnh, trong đó có lệnh đóng tạm cửa khẩu giữa Việt Nam và Campuchia; chỉ đạo Biên phòng tăng cường lực lượng chốt chặn đường mòn, lối mở đường biên giới Tây Nam, nhằm ngăn chặn, xử phạt kịp thời các trường hợp người dân hai nước xuất nhập cảnh trái phép.

Cách trao đổi hàng hóa độc đáo của người dân

Thực hiện lệnh Thủ tướng Chính phủ, Biên phòng Đồng Tháp cũng như các tỉnh An Giang, Tây Ninh, tăng cường chốt chặn đường mòn, lối mở; kiểm soát chặt giao thương hàng hóa, đảm bảo đúng các quy định y tế về phòng, chống dịch. Riêng con người, chỉ tiếp nhận người Việt Nam có hộ khẩu ở Việt Nam, sau đó đưa vào khu cách ly 14 ngày.

Từ khi đường biên giới khép lại, nhiều người dân nước bạn Campuchia sống tại các xã giáp ranh với 2 xã Tân Hộ Cơ (huyện Tân Hồng), xã Thường Phước (huyện Hồng Ngự) Đồng Tháp, xã Thông Bình (huyện Tân Hồng) khó khăn trong việc mua các nhu yếu phẩm phục vụ trong cuộc sống hàng ngày.

Thấy được khó khăn này, Bộ đội Biên phòng Đồng Tháp xin chủ trương “đóng cửa biên giới, không chốt chặn tình người” giữa người dân hai nước Việt Nam – Campuchia nên xin lãnh đạo tỉnh cho phép thực hiện các điểm trao đổi hàng hóa giữa người dân hai nước theo kiểu mua bán không tiếp xúc trực tiếp, bằng cách thông qua chiếc xuồng hay chiếc bàn là “phương tiện vận chuyển” hàng hóa.

Cách trao đổi hàng hóa lạ lùng mùa Covid-19 - 1

Anh Võ Thanh Tuấn mang hàng xuống xuồng để bán cho người dân bên Campuchia.

Cách trao đổi hàng hóa lạ lùng mùa Covid-19 - 2

Người đàn ông bên phía Campuchia kéo chiếc xuồng vào bờ để lấy hàng hóa, sau đó để tiền lên xuồng. 

Cách trao đổi hàng hóa lạ lùng mùa Covid-19 - 3

Anh Tuấn sau đó lại kéo xuồng về bờ bên này, sát khuẩn tiền và xuồng rồi mới mang tiền lên bờ, kết thúc một đợt giao dịch hàng hóa.

Vừa chuyển hàng xuống chiếc xuồng, anh Võ Thanh Tuấn - ấp Dinh Bà, xã Tân Hộ Cơ - cho biết: “Khi khách hàng gọi điện thoại đặt mua hàng, tôi chọn hàng hóa xong và cho vào các túi nilon, gọi người mua đến bến sông lấy hàng. Khi họ đến, tôi mang hàng hóa xuống xuồng rồi họ kéo xuồng về bên kia nhận hàng. Sau đó họ cho tiền vào túi nilon đặt trên chiếc xuồng. Lúc này tôi kéo xuồng về, phun sát khuẩn lên tiền rồi mới nhận tiền”.

Anh Tuấn cho biết, trước đây khi chưa cấm người dân hai nước đi lại, bà con bên Campuchia qua đây đi chợ, mua nhu yếu phẩm. Tuy nhiên từ ngày có lệnh cấm, việc trao đổi hàng hóa phải theo phương thức này để tránh tiếp xúc gần, hạn chế lây lan dịch bệnh Covid-19.

Thượng tá Trần Văn Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, cho biết, đơn vị được giao quản lý đoạn biên giới dài hơn 16,5km, chạy dọc theo sông Sở Hạ. Từ khi có lệnh cấm, lực lượng thực hiện nghiêm việc kiểm soát đường biên giới, tránh để người dân hai nước qua lại, nhằm ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 lây lan ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, trước nhu cầu bức thiết của một số người dân xã Bon Tia Cha Cray – Campuchia về việc mua nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống, đơn vị cho triển khai hình thức trao đổi hàng hóa trên xuồng, tránh tiếp xúc trực tiếp để phòng dịch. Việc này, chính quyền xã bạn cũng rất đồng tình và người dân hai xã vui vẻ chấp hành tốt.

Còn tại xã Thường Phước (huyện Hồng Ngự), Biên phòng dùng chiếc bàn đặt tại vị trí số 0 - ranh đường biên giới hai nước làm nơi trao đổi hàng hóa, giúp người dân hai nước trao đổi nhu yếu phẩm cần thiết thường ngày. Việc mua bán này có sự giám sát của cán bộ biên phòng, nhân viên y tế.

Cách trao đổi hàng hóa lạ lùng mùa Covid-19 - 4

Chị Ngô Thị Khênh mang hàng hóa đặt lên chiếc bàn để người dân Campuchia đến nhận

Cách trao đổi hàng hóa lạ lùng mùa Covid-19 - 5

Một phụ nữ người Campuchia đến nhận hàng và để tiền lại trên chiếc bàn cho chị Khênh

Trung úy Phan Đức Anh - Trưởng trạm kiểm soát Đồn Biên phòng Thông Bình, cho biết, được sự chấp thuận của cấp trên, trạm cho lập một điểm trao đổi hàng hóa tại chốt để người dân xã Coroka (huyện Peam Chor, Campuchia) mua hàng hóa của người dân Việt Nam. Vì tình hình dịch bệnh nên người dân Việt Nam để hàng hóa trên chiếc bàn, sau đó người dân Campuchia đến nhận hàng và để lại tiền. Tiếp đó, người bán hàng đến nhận tiền (có đeo bao tay) và mang đến cán bộ y tế sát khuẩn rồi mới mang tiền về.

Chị Ngô Thị Khênh - ấp Phước Tiên, xã Thông Bình, người chuyên cung cấp hàng hóa cho người dân Campuchia, cho biết: “Do xã Coroka chưa có chợ nên lâu này rất nhiều người dân sống lân cận qua đây đi chợ mua hàng hóa. Từ khi cửa khẩu đóng, người dân không thể qua nên gặp khó khăn. Cũng may các chú biên phòng cho thực hiện cách mua bán thông qua cái bàn đặt tại đường biên giới hai nước nên bà con bên kia rất phấn khởi”.

Cách trao đổi hàng hóa lạ lùng mùa Covid-19 - 6

Cán bộ khử khuẩn tiền trước khi cho người bán hàng mang về.

Cách trao đổi hàng hóa lạ lùng mùa Covid-19 - 7

Hai thanh niên Campuchia đang đợi người mang hàng hóa đến.

Chị Khênh cho biết, hàng ngày bà con bên Campuchia gọi điện thoại qua mua hàng, sau đó chị ghi ra giấy và soạn hàng hóa mang đến điểm giáp ranh đặt lên bàn do cán bộ biên phòng bố trí.

Theo chị Khênh, việc trao đổi hàng hóa như thế này tuy có bất tiện nhưng đây là cách an toàn để tránh nhiễm bệnh Covid-19. Do vậy, người dân Campuchia cũng hiểu và chấp hành theo sự hướng dẫn của cán bộ biên phòng hai nước.

Tại các điểm trao đổi hàng hóa ở xã Thông Bình và xã Tân Hộ Cơ mỗi ngày có cả trăm lượt người dân mua hàng hóa theo hình thức "cách ly" nói trên. Nước bạn Campuchia rất hoan nghênh cách làm sáng tạo của Bộ đội biên phòng Đồng Tháp để giúp người dân nước bạn “đi chợ” mua được các nhu yếu phẩm cần thiết.

Nguyễn Hành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm