1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Các chuyên gia “bắt bệnh” cụ Rùa hồ Gươm

(Dân trí) - “Rùa hồ Gươm đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nhưng cần ưu tiên thực hiện ngay các biện pháp chữa trị vết thương trên thân mình Rùa. Bởi ngoài vết thương đã phát hiện ở bên ngoài có thể còn có những vết thương bên trong”- TS Nguyễn Viết Vĩnh đề xuất.

Đó là ý kiến được nêu ra tại hội thảo bàn về giải pháp bảo vệ rùa hồ Hoàn Kiếm. Đây là sự kiện có quy mô lớn lần đầu tiên được Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội tổ chức trước những thông tin liên tục về trạng thái sức khoẻ bất lợi của cụ Rùa.

Các chuyên gia “bắt bệnh” cụ Rùa hồ Gươm - 1
PGS  Hà Đình Đức rất lo lắng về sức khoẻ cụ rùa hiện  nay. (Ảnh: TT)
 
Đến dự hội thảo với tậm trạng lo lắng, Phó Giáo sư Hà Đình Đức khẳng định, so với những ghi chép trong suốt 20 năm qua về cụ Rùa hồ Gươm, việc thời gian gần đây Rùa nổi nhiều lần với những vết thương đã trầy loét ở cổ, mai, chân là điều rất đáng lo ngại.

Theo ghi chép của ông Đức, riêng tháng 1/2011, cụ nổi lên 14 lần, mang trên mình nhiều vết thương mới ở cổ và mai. Những vết thương này là một phần của tình trạng rùa tai đỏ đang hoành hành, gặm mai rùa.

“Sức khoẻ của cụ Rùa rất đáng lo ngại. Trong khi đó, theo kế hoạch của Sở Khoa học Công nghệ, đến tận tháng 3 này cơ quan chức năng mới có thể tiến hành bẫy, bắt rùa tai đỏ là quá chậm. Tôi đề nghị ngay lập tức phải tìm cách đưa Rùa lên chân Tháp Rùa để kiểm tra và chữa các vết thương trên người cụ, không thể để tình trạng xấu thêm”- ông Đức kiến nghị.

Các chuyên gia “bắt bệnh” cụ Rùa hồ Gươm - 2
Nhiều phương án di chuyển và chữa bệnh cho cụ Rùa được các nhà khoa học đưa ra. (Ảnh TT)
 
Tuy nhiên, TS Nguyễn Viết Vĩnh, chuyên gia thủy sản, lại cho rằng những vết thương trên người cụ Rùa là từ nhiều nguyên nhân như: môi trường nuớc bị ô nhiễm nặng nề; lở loét do thiếu dinh dưỡng. Ông Vĩnh cũng không loại trừ khả năng Rùa bị lây bệnh do ngoại lai mà đối tượng có thể là rùa tai đỏ. Tình trạng càng trở lên nghiêm trọng nếu rùa tai đỏ cũng ăn thịt và tấn công vào những vết thương có sẵn trên cơ thể to lớn của cụ Rùa.

“Rùa hồ Gươm đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nhưng cần ưu tiên thực hiện ngay các biện pháp chữa trị vết thương trên thân mình Rùa. Bởi ngoài vết thương đã phát hiện ở bên ngoài có thể còn có những vết thương bên trong”- ông Vĩnh đề xuất.

Các chuyên gia “bắt bệnh” cụ Rùa hồ Gươm - 3
Cụ rùa liên tục nổi lên mặt nước với những vết thương nghiêm trọng. (Ảnh: Hà Hồng)
 
Đưa ra phương pháp phòng và trị bệnh cho cụ Rùa, TS Bùi Quang Tề, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản nhận định: “Xem clip Rùa nổi ngày 12/2 vừa qua có thể dễ dàng nhận thấy Rùa đã bị lở loét ở dọc phần giữa mai lưng. Đây là vết thương rất nặng. Ngoài ra, có thể do đang mắc bệnh viêm phổi do vi khuẩn nên cụ không thể ở dưới nước lâu mà thường xuyên phải nổi lên tầng mặt để hô hấp. Lại thêm yếu tố môi trường nước bùn đen quá bẩn nên càng khiến vết thương nhanh diễn biến xấu thêm. Do đó, điều khẩn thiết là phải đưa Rùa vào vùng nước sạch rồi chữa các vết lở loét.

Khi đã đưa được Rùa lên cạn phải lấy mẫu bệnh phẩm để phân tích tác nhân gây bệnh để đưa ra phác đồ chữa bệnh chính xác. Cụ thể, cần xây bể xử lý thuốc với tiêu chuẩn an toàn, không gây xây sát khi nuôi nhốt, chữa bệnh. Thuốc dùng để phòng và chữa bệnh cho cụ Rùa cần có loại khử trùng ngoài da, thuốc mỡ kháng sinh diệt vi khuẩn, thuốc trị bệnh nhiễm trùng bằng thảo dược…”.

Cũng theo ông Tề, môi trường tại hồ Hoàn Kiếm cũng phải xử lý lại. Cần tiến hành kiểm tra dọn dẹp các vật cứng dưới đáy hồ - có thể là nguyên nhân gây các vết thương cho Rùa. Việc bổ sung nước sạch giữ cho hồ ở độ sâu nhất định và xây thêm cống thoát nước là rất cần thiết. Ngoài việc tiến hành tiêu diệt sinh vật gây hại cho hồ, tiêu diệt rùa tai đỏ nên dùng chế phẩm sinh học để phân huỷ bớt các mùn bã hữu cơ.

Tại buổi họp bàn, nhiều người góp ý chi tiết phương pháp bắt Rùa để tránh xây xước đã được nêu ra, thậm chí có ý kiến còn đề xuất dùng máy bay trực thăng phối hợp, trục vớt để đảm bảo an toàn khi vận chuyển cụ đến khu vực chữa bệnh...

Các chuyên gia “bắt bệnh” cụ Rùa hồ Gươm - 4
Chuyên gia nước ngoài lại e ngại phương án đưa cụ Rùa ra khỏi hồ Gươm. (Ảnh: TT)
 
Đồng tình với quan điểm phải khẩn cấp chữa bệnh cho cụ Rùa hồ Gươm - cá thể quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tiệt chủng trên thến giới, nhưng ông MCormark, điều phối viên Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP), lại bày tỏ lo ngại với phương án di chuyển cụ Rùa lên bờ.

Ông này cho rằng Rùa hồ Gươm sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong nếu quá trình di chuyển điều trị không đảm bảo đầy đủ yêu cầu về cơ sở vật chất và chuyên môn thú y. Trong khi sức khỏe Rùa ngày càng xấu đi.

Cùng quan điểm, tiến sĩ, bác sĩ thú y cao cấp Nimal Fernando đến từ Ocean Park (Hong Kong) cho rằng, phương án đưa Rùa ra khỏi hồ để chữa trị trực tiếp tuy nhanh hơn nhưng dễ gặp rủi ro trong quá trình bắt và vận chuyển. Hơn nữa, việc tách Rùa ra khỏi môi trường quen thuộc có thể gây ra yếu tố stress và những phát sinh khôn lường.

Hai chuyên gia quốc tế này đều cho rằng phương án chữa trị tại chỗ cho Rùa là an toàn hơn cả. Bác sĩ Nimal Fernando đề xuất phương án quây một diện tích hồ nhỏ từ vài chục tới vài trăm m2 để đưa Rùa vào chữa trị. Cùng đó, nhất thiết phải làm sạch môi trường sống của Rùa. Khi môi trường được cải tạo cùng với tác động thêm của việc chữa bệnh tại chỗ, những vết thương của sẽ dần tự khỏi.

Với hàng loạt góp ý của các nhà khoa học, ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội khẳng định, thời gian tới, những gì có thể làm được sẽ được làm ngay.

Đó là các giải pháp cải thiện môi trường nhằm giảm chướng ngại vật có thể gây thương tích cho cụ Rùa, nạo vét lòng hồ, gỡ các đường ống từ bờ ra đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa, dựng đài phun tăng cường oxy, bổ cập nước...
 

P. Thanh