1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Luật Thủ đô kỳ vọng tạo cơ chế bảo vệ cụ Rùa

(Dân trí) - “Nhiều người áp trách nhiệm cho lãnh đạo thành phố nếu có vấn đề gì xảy ra với cụ Rùa nhưng không có quy định nào như vậy. Có luật mới, những đối tượng như cụ Rùa sẽ được cả nước quan tâm…”.

Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Vũ Hồng Khanh phân trần khó khăn khi chưa có một đạo luật riêng đặc thù dành cho Thủ đô. Dự án Luật Thủ đô vẫn mắc nhiều băn khoăn trong buổi thảo luận sáng nay tại Thường vụ Quốc hội.

Không bán đất, Hà Nội, Chính phủ đều “bó tay

Lần tiếp thu, chỉnh lý Luật lần này đã cập nhật nhiều ý kiến của các lần thảo luận góp ý trước đó về cơ chế, chính sách quản lý, thực hiện quy hoạch thủ đô; quan điểm quản lý dân cư cũng như một số cơ chế chính sách đặc thù khác. Theo đó, thẩm quyền xây dựng quy hoạch chung được giao cho Bộ Xây dựng chủ trì, thẩm quyền phê duyệt thuộc Thủ tướng Chính phủ sau khi trình QH thảo luận cho ý kiến. Quy định nhằm chia trách nhiệm của TƯ đối với Thủ đô.
Luật Thủ đô kỳ vọng tạo cơ chế bảo vệ cụ Rùa - 1
Bản quy hoạch chung Hà Nội từng được đưa ra Quốc hội lấy ý kiến (ảnh: Việt Hưng).

Để giải quyết thực trạng xây dựng lộn xộn không có quy hoạch tổng thế hợp lý, vấn nạn nhà siêu mỏng, siêu méo, cao thấp, kiến trúc, màu sắc rất khác nhau đang tồn tại, dự thảo Luật bổ sung quy định khi triển khai các tuyến đường giao thông theo quy hoạch đã được duyệt, cơ quan có thẩm quyền của thành phố phải đồng thời tổ chức thu hồi đất 2 bên đường.

Để tạo quỹ đất sạch cho thủ đô, dự thảo quy định diện tích đất, công trình trên đất của các trường đại học, bệnh viện tuyến TƯ… sau khi di dời khỏi nội thành phải giao lại cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý, sử dụng theo quy hoạch.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh khẳng định, Hà Nội chưa bao giờ nhận lại đất theo phương cách này. Ông Khanh đề xuất giao quyền cho các cơ quan, đơn vị di dời sử dụng đất, tài sản trên đất của mình “bán làm vốn” để xây dựng cơ sở mới.

Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai “gật đầu” cho rằng quy định không phù hợp. Theo bà Mai, nếu quan điểm “lọc” bệnh viện tuyến TƯ khỏi trung tâm thành phố thì chỉ hạn chế được bệnh viện công, còn khối bệnh viện tư vẫn không giải quyết được vấn đề trong khi chủ trương chung là giảm đầu tư vào bệnh viện tuyến TƯ để tăng cường cho y tế cơ sở.

Nhà nước cũng không thể can thiệp sâu vào việc giao trả đất mà nên để cơ sở tự thương lượng với đơn vị phù hợp như trường hợp Bệnh viện Nhi đồng TPHCM vừa qua bán đất nội thành cho doanh nghiệp xây trung tâm thương mại để ra ngoại thành xây viện mới.

Phó Chủ nhiệm UB KH-CN&MT Nguyễn Đăng Vang nêu một loạt con số, ĐH Xây dựng, ĐH Luật Hà Nội hiện chỉ đạt mức 0,6-0,8m2/sinh viên. Những trường lớn như ĐH Kinh tế quốc dân cũng chỉ 2,8m2, ĐH Bách khoa chỉ hơn 4m2/sinh viên nhưng muốn đưa các trường ra ngoài như ĐH Quốc gia để xây dựng được với quy mô 8m2/sinh viên cũng tốn hàng chục nghìn USD/người. Không thể xóa bỏ tất cả các trường, các bệnh viện trong nội thành mà chỉ có thể quản lý bằng hạn mức diện tích, điều kiện đảm bảo dịch vụ cũng như không thể chặn dòng nhập cư bằng các biện pháp hành chính.

Theo ông Vang, tạo cơ chế đặc thù cho Hà Nội sẽ dễ “phạm” đến các luật khác. Trong khi nới luật để đảm bảo quyền cư trú của người dân thì thủ đô lại định quản chặt việc nhập khẩu. “Tôi biết ngay những cán bộ cấp cao ở Hà Nội đã hơn 30 năm mà cũng mới chỉ làm được hộ khẩu khoảng 10 năm nay, còn mấy chục năm toàn ở đậu ăn nhờ” - ông Vang nhấn nhá.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận phân trần, việc di chuyển các đơn vị không thể làm theo cơ chế vốn - tài chính vì đất đai cần thống nhất quản lý, không thể coi là một loại tài sản thả sức mua bán mà Hà Nội phải kiểm soát được toàn diện đất của mình.

Phó chủ tịch UBND thành phố “bật” lại: “Hà Nội không thể nhận lại đất thuộc quyền sử dụng của các cơ quan TƯ di chuyển vì thành phố lấy đâu tiền đền bù; còn nếu buộc họ đi không thì Chính phủ cũng không bao giờ lo đủ kinh phí cho họ đi xây dựng cơ sở mới”.

TƯ cần chia trách nhiệm bảo vệ cụ Rùa
 
Luật Thủ đô kỳ vọng tạo cơ chế bảo vệ cụ Rùa - 2
Sức khỏe cụ Rùa Hồ Gươm là vấn đề được quan tâm, tranh luận nhiều gần đây. (Ảnh: Gia Khoa)

Về vấn đề thẩm quyền, trách nhiệm xây dựng quy hoạch thủ đô, Chủ nhiệm UB dân tộc Ksor Phước tỏ ý băn khoăn vì với với nhiều điều luật như trong dự thảo sẽ “khó mà kiểm điểm Hà Nội”: “Sau này UBND, HĐND thành phố có sai cũng khó ai động vào được vì còn liên quan đến Chính phủ, Quốc hội. Mà những việc Quốc hội có ý kiến nói thế nhưng quan điểm Chính phủ khác cũng không phân giải thế nào, ai đúng ai sai.

Ông Phước dẫn chứng, việc tranh cãi xung quanh vị trí trung tâm hành chính trong bản Quy hoạch chung vừa qua thể hiện sự chồng chéo tầng tầng lớp lớp trong quản lý mà trách nhiệm của thành phố không rõ, thẩm quyền của Quốc hội cũng không rõ khi mà thẩm quyền này chỉ dừng lại ở việc cho ý kiến, nếu Chính phủ không nghe thì… cũng chịu.

Ông Thuận thú nhận “quả thật chưa yên tâm với những cơ chế xây dựng trong luật”, dù đã được tiếp thu, chỉnh lý nhiều lần. Vấn đề lớn nhất đặt ra theo ông Thuận là quy định trách nhiệm xây dựng thủ đô sao để tránh tư duy nhiệm kỳ, để có thể đưa hẳn vào luật quy định Trung tâm hành chính – chính trị quốc gia ở đâu để hàng trăm năm sau không phải bàn việc đưa lên Ba Vì hay để ở Ba Đình. Chủ nhiệm UB pháp luật đề nghị tạm dừng dự án luật để sang nhiệm kỳ QH mới làm tiếp cho chỉn chu.

Phó Chủ tịch UBND thành phố một lần nữa nhấn mạnh tính cấp thiết của việc xây dựng luật đối với Hà Nội. Ông Khanh nêu ví dụ: “Cụ Rùa đã tồn tại hàng trăm năm nay nhưng chưa có quy định nào bảo vệ cụ. Nhiều người áp trách nhiệm cho lãnh đạo thành phố nếu có vấn đề gì xảy ra với cụ nhưng không có quy định nào như vậy. Việc quản lý di tích Cổ Loa cũng đang vấp những vấn đề tương tự. Có luật mới, những đối tượng này sẽ được cả nước quan tâm…”.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu “phán quyết” tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật thủ đô để đưa ra Quốc hội kỳ tới.

P.Thảo