Các chùa ở Hà Nội đông nghịt người đi lễ chùa

(Dân trí) - Đầu năm mới, dòng người nườm nượp đổ về lễ các đền, phủ, chùa tại Hà Nội gây nên cảnh chen lấn, ùn tắc. Nạn móc túi, tăng giá dịch vụ lại diễn ra ở nhiều nơi.

Quá trưa ngày mùng 1 Tết Giáp Ngọ, dòng người vẫn tiếp tục kéo dài, chật cứng ở khu vực lối vào chùa Phúc Khánh vốn khá nhỏ hẹp. Loanh quanh một hồi, chị Phạm Thị Thúy (ở khu đô thị Linh Đàm) cũng kiếm được chỗ gửi xe máy với giá “hữu nghị” 20.000đ/lượt, nếu ô tô giá gấp 4- 5 lần và phải gửi tận ngoài xa.

Giá trông giữ xe tại hầu hết các điểm đều tăng cao so với quy định

Giá trông giữ xe tại hầu hết các điểm đều tăng cao so với quy định

Giá trông giữ xe tại hầu hết các điểm đều tăng cao so với quy định

Dãy dài các quầy bán cành vàng, lá ngọc, hoa trang kim đủ mầu cũng tất bật khách mua với giá từ 7 nghìn đến 80 nghìn/ đồng cành, tùy loại. Hoa quả và các loại kẹo, bánh cũng có giá cao gấp rưỡi bình thường.

Các quầy hàng bán đồ lễ, cành vàng, lá ngọc hốt bạc vào dịp đầu năm.

Các quầy hàng bán đồ lễ, cành vàng, lá ngọc hốt bạc vào dịp đầu năm.

Các quầy hàng bán đồ lễ, cành vàng, lá ngọc "hốt bạc" vào dịp đầu năm.

Mùng 1 Tết, thời tiết chuyển nắng hanh hao khiến không khí nơi cửa chùa đặc quánh, do quá đông người đến thắp hương. Năm nay, Ban quản lý chùa Phúc Khánh quy định mỗi khách chỉ được thắp một nén hương bên ngoài, không được hóa vàng mã nên cảnh khói lửa mù mịt đã giảm đi rất nhiều. Phía bên ngoài cửa chùa, từng bao tải hương, vàng mã được người nhà chùa thu gom ra bên ngoài liên tục.

Ở khu chùa chính, cảnh chen lấn liên tục diễn ra. Dù người nhà chùa liên tục nhắc nhở khách thập phương chú ý tự bảo quản tài sản nhưng từ sáng tới giờ rất nhiều người đã bị kẻ gian móc túi, trộm ví, lấy cắp tài sản có giá trị như máy ảnh, điện thoại. Phía bên ngoài, một sư thầy trên tay cầm 5 – 6 chiếc ví (chủ yếu là ví nữ) thông báo: Ai phát hiện mất đồ có thể đến làm thủ tục tìm lại. Hóa ra, cũng có kẻ gian cũng làm chút việc tốt đầu năm: Chỉ lấy tiền của khổ chủ rồi để lại giấy tờ trong ví!

Khu vực chùa Quán Sứ, cảnh tắc đường, kẹt xe cũng diễn ra từ sáng. Các điểm trông, giữ xe máy tự phát mọc lên quanh đây dù đã hoạt động hết công suất vẫn không đủ phục vụ. Giá trông xe phần lớn ở mức 20- 30 nghìn/xe. Cá biệt nơi vẫn chỉ thu 5 nghìn đồng/xe. Khu vực hai lò hóa vàng, nơi sân chùa liên tục đỏ lửa, mỗi khi có gió nổi lên, tro bụi cuốn theo mù mịt khắp nơi...

Đường khu vực chùa Quán Sứ liên tục kẹt xe bởi các đoàn xe dồn đến.

Đường khu vực chùa Quán Sứ liên tục kẹt xe bởi các đoàn xe dồn đến.

Rất nhiều người không thể vào bên trong do quá đông

Rất nhiều người không thể vào bên trong do quá đông
Rất nhiều người không thể vào bên trong do quá đông

Rất nhiều người không thể vào bên trong do quá đông
Đường dẫn vào phủ Tây Hồ, nơi thờ bà chúa Liễu Hạnh cũng chật cứng, có lúc tê liệt bởi hàng vạn người chen chân vào phủ lễ Bà chúa. Qua một năm kinh tế khó khăn, ai nấy đều muốn cầu mong một năm mới buôn may bán đắt, nhiều may mắn đến với bản thân và gia đình. Dọc đường đi bộ dẫn vào Phủ, dãy hàng quán bán bún ốc, bánh tôm, lẩu và các loại đồ ăn vặt... vẫn còn đìu hiu thưa thớt khách ăn. Có lẽ mới đầu năm, bánh chưng, giò mỡ chưa bị ngấy.
 
Cầu Thê Húc dẫn vào Đền Ngọc Sơn ở khu vực Hồ Gươm từ đêm Giao thừa luôn chật kín khách đến lễ bái. Đây là điểm linh thiêng được nhiều người dân sống quanh hồ Gươm chọn đến thắp hương, cầu tài, lộc, bình an vào mỗi dịp đầu năm mới. Ban quản lý Đền cho biết, do công tác an ninh ở đây đã được tăng cường đặc biệt vào mỗi dịp Tết, nên tệ nạn trộm cắp, móc túi đã giảm nhiều. Tuy nhiên, giá trông giữ xe ở khu vực này rất đắt đỏ: Xe máy 20- 40 nghìn/xe, ô tô 50- 100 nghìn/xe.

Phạm Thanh