Quảng Bình:
Các chủ hồ tôm mong nước biển an toàn để khôi phục sản xuất
(Dân trí) - Rất nhiều người nuôi tôm tại Quảng Bình đã cảm thấy hài lòng với định mức đền bù thiệt hại do ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển Formosa. Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất với họ hiện nay là độ an toàn của nước biển.
Do ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển Formosa xảy ra từ tháng 4 vừa qua, rất nhiều hộ nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh miền Trung đã phải hứng chịu thiệt hại nặng nề. Tại Quảng Bình đã có hơn 1.500 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng với tổng thiệt hại trên 300 tỷ đồng.
Xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình có trên 100 hộ dân nuôi tôm, do ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển, rất nhiều hộ đã phải chịu thiệt hại nặng vì tôm chậm lớn và chết hàng loạt, có những hộ dân mất trắng hơn nửa tỷ đồng.
Theo định mức bồi thường thiệt hại mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, các hộ nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ sẽ được đền bù tùy theo thời gian, mật độ và hình thức nuôi trồng. Theo đó, tôm thẻ chân trắng sẽ được đền bù từ 8 đến 44 nghìn đồng/m2, tôm sú là từ 6 đến 21 nghìn đồng/m2.
Anh Ngô Văn Hùng, trú tại xã Hải Ninh cho biết, gia đình anh có đầu tư thuê trên 1ha đất tại xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy để nuôi tôm thẻ chân trắng, tuy nhiên do nhiễm độc từ nguồn nước biển, tôm của gia đình anh xảy ra tình trạng chậm lớn và chết hàng loạt.
“Thiệt hại của gia đình tôi là gần 600 triệu đồng, vừa qua chúng tôi có nhận được mức đền bù là trên 44 nghìn đồng cho 1m2, với mức đền bù này chúng tôi cũng sẽ nhận được trên 400 triệu đồng, chúng tôi thấy rằng mức đền bù này là hợp lý”, anh Hùng nói.
Không chỉ gia đình anh Hùng, nhiều hộ nuôi tôm ở đây cũng đồng tình với mức đền bù được quy định. Tuy nhiên, băn khoăn và lo ngại lớn nhất với họ lúc này chính là mức độ an toàn của nước biển.
Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc cho biết: “Trên địa bàn toàn xã có 42 chủ hộ nuôi tôm với diện tích trên 20 ha đất, chủ yếu là người từ nơi khác đến thuê đất. Vừa rồi, chúng tôi đã trả tiền đền bù đợt 1 cho 18 hộ, những hộ còn lại sẽ tiếp tục chi trả trong thời gian tới”.
Nhằm tránh những ảnh hưởng từ nước biển, các hộ nuôi tôm đã đầu tư xây dựng nhiều bể lọc nước cũng như tăng thêm các biện pháp xử lý nước bằng vi sinh, khử clo để đảm bảo an toàn. “Mức đền bù chúng tôi không có thắc mắc gì, tuy nhiên chúng tôi mong muốn chính quyền rà soát kỹ hơn về diện tích thiệt hại để đảm bảo minh bạch, công bằng, ngoài ra cũng rất mong các cấp chính quyền sẽ có chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn cũng như hỗ trợ đầu ra để chúng tôi yên tâm sản xuất”, anh Trương Thanh Duy, một hộ nuôi tôm bày tỏ.
Ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho biết: “So với cùng thời điểm này năm ngoái thì số hộ nuôi tôm trên địa bàn xã Hải Ninh đã giảm đi đáng kể, cũng vì các hộ nuôi còn lo sợ sau sự cố môi trường biển vừa qua. Ngoài ra, cũng do hứng chịu thiệt hại nên họ rất khó khăn về nguồn vốn để đầu tư. Hiện nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn xã đang có ý định sẽ nuôi trở lại khi nhận được tiền bồi thường”.
Việc phải chịu cảnh tôm chết hàng loạt vì nguồn nước biển thời gian qua khiến rất nhiều hộ nuôi trồng đau đáu nỗi lo khi tiếp tục đầu tư thả giống, mong muốn của người nuôi tôm lúc này là nguồn nước biển đạt chỉ tiêu an toàn, để khi cấp vào hồ không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm.
Bên cạnh đó, nhiều hộ nuôi tôm ở đây cũng bày tỏ mong muốn sẽ có một địa chỉ kiểm định chất lượng nguồn nước để họ có thể kiểm tra độ an toàn của nước trong hồ nuôi, nhằm yên tâm khi thả giống và có biện pháp xử lý kịp thời khi gặp sự cố về môi trường.
Tiến Thành