1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đà Nẵng:

Các Ban quản lý “ém” 17.000 lô đất tái định cư của dân

(Dân trí) - Đó là tiết lộ của ông Võ Duy Khương - Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng tại cuộc làm việc với đoàn Ủy ban Kinh tế ngân sách Quốc hội ngày 8/4. Ông Khương cho hay, sau khi rà soát lại phát hiện các Ban quản lý còn nợ của người dân 17.000 lô đất tái định cư (TĐC).

Theo ông Khương, trong một thời gian dài, TP Đà Nẵng luôn nợ đất TĐC của người dân. Việc nợ đất TĐC khiến mỗi năm TP phải bỏ ra gần 20 tỉ đồng để thuê nhà cho người dân ở và tình trạng này kéo dài trong nhiều năm.

Các Ban quản lý “ém” 17.000 lô đất tái định cư của dân
Các dự án TĐC còn thừa đất nhưng TP Đà Nẵng bỏ hàng chục tỉ đồng thuê nhà cho người dân ở chờ đất TĐC

Cuối năm 2014, TP Đà Nẵng chủ trương sáp nhập một số ban quản lý dự án về TĐC. Theo đó có tổng cộng 17 ban quản lý dự án TĐC được sáp nhập, các ban này thừa tổng cộng hơn 14.500 lô đất TĐC nhưng không bố trí cho người dân. Tuy nhiên, sau khi rà soát nhiều lần thì số lô đất TĐC trên toàn TP lại “lòi” ra 17 ngàn lô đất.

Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng cuối năm 2014, Bí thư Đà Nẵng – ông Trần Thọ cũng đã thừa nhận việc TP nợ đất TĐC của người dân trong khi đó quỹ đất TĐC của các ban quản lý còn thừa 14.500 lô đất (Dân trí đã có bài phản ảnh: “Tôi đi thực tế mới lộ ra chuyện giấu đất tái định cư”). Tại phiên chất vấn của kỳ họp này, ông Khương cũng trình bày một số khó khăn, vướng mắt trong quá trình giải quyết đất TĐC cho người dân.

Trước sự việc này, các Đại biểu HĐND TP Đà Nẵng đã yêu cầu xử lý hình sự các cán bộ có liên quan. Tuy nhiên, đến nay chưa có cán bộ nào bị xử lý.

Ông Khương cho rằng vì việc giấu đất của cán bộ các Ban quản lý dự án mà dẫn đến việc TP Đà Nẵng nợ đất TĐC dai dẳng của người dân. Lãnh đạo TP Đà Nẵng đang chấn chỉnh việc này.

Tại cuộc làm việc với đoàn Ủy ban Kinh tế ngân sách của Quốc hội vào ngày 8/4, ông Võ Duy Khương cho hay, các năm trước, nguồn thu từ đất chiếm từ 40-50% trong tổng nguồn thu ngân sách của Đà Nẵng; tuy nhiên trong năm 2014 vừa qua, tổng thu từ đất chỉ còn chiếm gần 20% và tiến tới giảm còn dưới 15%. “Đây là nỗ lực của lãnh đạo TP Đà Nẵng trong việc giảm thu từ nguồn từ nguồn quỹ đất để tập trung thu vào sản xuất, kinh doanh”, ông Khương cho biết.

Cũng tại cuộc làm việc này, ông Võ Duy Khương đề nghị Chính phủ cần rà soát hoạt động thu hút vốn FDI vì nhiều doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam toàn sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc chuyển giá để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, còn ngành thuế chỉ thu được một ít tiền thuế VAT.

Ông Khương cho hay, TP Đà Nẵng chủ trương từ chối thẳng các doanh nghiệp đầu tư có công nghệ cũ và gây ô nhiễm môi trường, trong đó hai ngành mà Đà Nẵng kiên quyết từ chối là dệt - nhuộm và sản xuất thép.

Lãnh đạo cảng Đà Nẵng từ chối vay ODA để mở rộng dự án cảng Tiên Sa giai đoạn 2
Lãnh đạo cảng Đà Nẵng từ chối vay ODA để mở rộng dự án cảng Tiên Sa giai đoạn 2

Về việc lãnh đạo cảng Đà Nẵng từ chối vay ODA của Nhật Bản để đầu tư mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2, thay vào đó sẽ tự huy động vốn để đầu tư mở rộng dự án, với cam kết khởi công dự án vào cuối năm 2015 và đưa vào khai thác giữa năm 2018, ông Võ Duy Khương cho rằng TP sẽ không can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 nhằm biến cảng này thành trung tâm logistics là nhiệm vụ tối cần thiết, không chỉ phục vụ sự phát triển kinh tế của Đà Nẵng mà còn là động lực của khu vực miền Trung và Tây nguyên. “Nếu phía cảng Đà Nẵng tự huy động vốn phải đảm bảo được tiến độ của dự án như cam kết”, ông Kiên nói.

Công Bính