Cả vùng đất tan hoang như vừa trải qua một trận chiến

(Dân trí) - Trận lũ lớn nhất trong hàng chục năm qua quét qua xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, đã biến mảnh đất nghèo khó này trở thành vùng đất tan hoang như sau một trận chiến khốc liệt.


Sáng ngày 17/10, nhóm PV Dân trí vượt cơn lũ dữ đang bủa vây, chia cắt huyện Hương Sơn ngược lên xã miền núi Sơn Kim 2, nơi cơn lũ quét được cho là lớn nhất hàng chục năm qua quét qua xã giáp biên giới này. Tan hoang – đó là những gì cơn lũ quét để lại cho người dân Sơn Kim 2. Những ngôi nhà sụp đổ, xiêu vẹo. Tài sản, gia súc, gia cầm, lương thựcc bị cuốn trôi, bị vùi lấp bởi lớp bùn đất dày cả vài gang tay.

Trưởng xóm Làng Chè Phan Đình Nhàn bước thấp bước cao dẫn chúng tôi đến hiện trường 2 cây cầu bê tông bắc qua Sông Chè (thượng nguồn sông Ngàn Sâu) bị lũ quét cuốn trôi. Thật khó tin, hai cây cầu vừa được đưa vào sử dụng vài năm được đầu tư hàng chục tỷ đồng đã không thể chống đỡ được sức tàn phá khủng khiếp của dòng xoáy lũ. “Các anh thấy những cây cầu như ni mà còn gãy, còn bị cuốn trôi đi được thì sẽ hiểu được sức tàn phá khủng khiếp của trận lũ quét vừa đi qua xã chúng tôi. Tôi cũng như người dân ở đây trực tiếp chứng kiến cơn lũ đi qua mà đến giờ vẫn không thể tin được”- ông Nhân chưa hết bàng hoàng kể lại.

Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 - ông Đặng Văn Tình - thông báo nhanh bước đầu thống kê tình hình thiệt hại do cơn lũ quét đi qua: Toàn xã có một người chết, đó là anh Nguyễn Thế Oanh (18 tuổi, trú thôn Hạ Vàng) bị nước cuốn trôi, vừa tìm thấy thi thể vào lúc 17 giờ cùng ngày. Nhiều người bị thương may mắn thoát nạn. Ngoài ra, tính đến 12 giờ hôm nay 17/10, có 10 người dân xã Sơn Kim 2 vẫn chưa liên lạc được với gia đình, chính quyền địa phương.

Lũ dữ cũng làm 4 chiếc cầu trên địa bàn bị hư hỏng nặng (trong đó hai cầu Đà Đón, Khe Lành bị đứt làm đôi khiến 950 người dân ở hai làng Tiền Phong, Thanh Dũng đang bị cô lập). Ngoài ra mưa lũ cũng đã làm hơn 400 trăm ngôi nhà bị hư hại nặng, 8 nhà bị cuốn trôi, sụp đổ. Nhiều trường học trên địa bàn chưa biết bao giờ mới mở cửa vì bàn ghế, đồ dùng giảng dạy của giáo viên bị lũ cuốn trôi, bị bùn đất lấp nát.

“Thiệt hại đối với chúng tôi là chưa thể tính được vào lúc này là chưa thể tính hết. Còn quá nhiều thứ để chúng tôi lo lúc này, trong đó đáng kể nhất là làm thế nào để bà con bị mất nhà cửa sớm ổn định cuộc sống” - ông Tình nói vội.

Trên những vùng quê ven biển tỉnh Quảng Nam, hình ảnh cơn bão số 11 cũng rất hoang tàn. Căn nhà kiên cố của ông Nguyễn Hữu Hồng (thôn Ngân Giang, xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn) chỉ sau một đêm thành đống gạch đổ nát. Đứng tần ngần nhìn căn nhà trống hoác, ông buồn rầu: “Tích góp bao nhiêu năm mới làm được căn nhà này, thế mà sau một đêm bão giờ không còn chỗ để ở”.

Cả vùng đất tan hoang như vừa trải qua một trận chiến
Ngôi nhà của ông Nguyễn Hữu Hồng (thôn Ngân Giang, xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn) bị sập do bão số 11

Ông Hồng cho biết, so với cơn bão Xangsane năm 2006 thì bão Nari này không mạnh hơn nhưng gió "quần" dai quá nên ngôi nhà của ông chịu không nổi. “Lúc đó là 6 giờ sáng ngày 15/10, khi cả nhà đang trú gió trong phòng thì nghe rầm, nhìn lên thì thấy toàn bộ mái tôn đã bị thổi bay, nguyên một mảng tường phía bão cũng bị sập”, ông Hồng nhớ lại.

“Đau đớn nhất là tấm bằng liệt sĩ của anh trai tôi tên Nguyễn Hữu A mà tôi thờ trên gác bay đi đâu không rõ. Mấy ngày nay cả nhà đi tìm những vẫn chưa ra”, ông Hồng nói.

 
Còn ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Cho bị sập do gió thổi mái nhà của người khác đến
Còn ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Cho bị sập do gió thổi mái nhà của người khác đến
Nhà bà Nguyễn Thị Cho (SN1938, trú thôn Viêm Trung) cũng bị sập hoàn toàn. Bà kể, lúc đó khoảng 6h30 sáng 15/10, bà đang trú bão ở nhà bên cạnh thì nghe gió gầm rú bên ngoài và nghe một tiếng rầm. Nhờ đứa cháu ra xem thì thấy một mái nhà của ai ở đâu bay đến đánh sập ngôi nhà của bà.

Bà Cho là vợ liệt sĩ, không có con cái. Từ khi chồng hy sinh, bà ở vậy thờ chồng. “Giờ phải đập ra xây lại thôi chứ không thể sửa được. Tôi tính sơ sơ cũng hết gần 100 triệu đồng, số tiền quá lớn đối với tôi”.

Theo ông Trần Duy Nghĩa, Bí thư xã Điện Ngọc cho biết, toàn xã có 33 nhà bị sập hoàn toàn, 208 nhà bị tốc mái. Rất may trên địa bàn xã không có người chết và bị thương.

Kế xã Điện Ngọc là xã Điện Dương cũng là tâm bão đi qua, khung cảnh cũng đổ nát với nhiều ngôi nhà bị tốc mái, nhiều vườn cây, vườn rau của người dân bị hư hỏng. Chủ tịch xã Trần Minh Hoàng cho biết, xã có 8 nhà bị sập hoàn toàn, 83 nhà bị tốc mái hoàn toàn và hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái một phần.

Nhà của anh Lê Công Anh (trú thôn Quảng Bắc, xã Điện Ngọc) bị tốc mái hoàn toàn. Vì không có chỗ cho vợ con trú mưa bão nên anh phải đi vay mượn hết 7 triệu đồng để mua tôn về lợp lại mái.

Xuôi về phía Nam, qua đò trên sông Thu Bồn đến xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên), đâu đâu cũng chứng kiến cảnh tàn phá của cơn bão dữ. Chủ tịch xã, ông Võ Văn Toan cho hay, bão dữ cũng đã làm 4 nhà trên địa bàn xã sập hoàn toàn, 12 nhà tốc mái hoàn toàn, hàng trăm ngôi nhà tốc mái một phần, 22 tàu thuyền của ngư dân bị hư hỏng do va đập, trên địa bàn xã cũng chỉ có 4 người bị thương nhẹ và không có ai bị chết.

“Chúng tôi động viên người dân cố gắng khắc phục hậu quả, khi nào có tiền của Nhà nước hỗ trợ sẽ chuyển đến tận tay cho bà con”, ông Toan cho hay.
 
Còn ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Cho bị sập do gió thổi mái nhà của người khác đến
Chị Trần Thị Mỹ Hạnh (thôn Bình Tân, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) trong căn nhà bị tốc mái (Ảnh: Công Bính)

Trở lại nơi được gọi là “xóm Chanchu” ở xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) sau cơn bão Nari, đâu đó vẫn còn hiện lên những hình ảnh đầy kham khổ của mỗi phụ nữ khi những người đàn ông trụ cột trong gia đình đã vĩnh viễn không bao giờ trở về vì cơn bão Chanchu năm 2006. Nay họ phải tiếp tục gồng mình chống bão.

Hình ảnh nhà cửa bị tốc mái, cây cối ngã đổ, xơ xác, hoang tàn như đang đè nặng thêm lên đôi vai của những người phụ nữ góa phụ, con côi nơi đây.

Căn nhà của Trần Thị Mỹ Hạnh (thôn Bình Tân) gần như bị sập hoàn toàn. Chị Hạnh ôm đứa con nhỏ 1 tuổi trên tay kể chồng mình đi biển khơi câu mực ba tháng nay chưa về, sau khi nhận tin bão số 11, anh liên tục điện về thúc giục vợ con đóng cửa nhà lại và qua nhà nội trú nấp, sau bão hãy về.

Trưa ngày 15/10 sau bão tan, chị ôm con về lại nhà, nhìn cảnh ngôi nhà tốc mái hoàn toàn mà lòng nghẹn đắng; nhưng quan trọng nhất là mấy ngày qua chồng chị chưa liên lạc về, không biết bây giờ ở vùng biển nào. “Hy vọng là ảnh bình an vô sự”, chị Hạnh ngân ngấn nước mắt. 

Chủ tịch UBND xã Bình Minh, ông Trần Công Minh, cho biết cơn bão Nari này trên địa bàn xã có gần 300 nhà tốc mái, trong đó hai thôn Bình Tịnh và Bình Tân bị nặng nhất với gần 200 tốc mái.
 

Quảng Bình: 7 người chết, gần 40 người bị thương do mưa lũ

 
Mưa, lũ đã gây ra thiệt hại khá nặng nề cho tỉnh Quảng Bình, tính đến thời điểm hiện tại địa phương này đã có 7 người chết, 38 người bị thương, gần 800 ngôi nhà bị sập, đổ và tốc mái, hơn 25.000 ngôi nhà bị chìm ngập trong nước.
 
Trong đó, địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất là huyện Quảng Trạch. Hiện một số nơi thuộc các xã vùng nam của huyện này vẫn bị cô lập do mưa lũ. Trước đó, một trận lốc xoáy quét qua đã khiến 3 người bị chết, hàng chục người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị sập, đổ và chìm sâu trong nước lũ. Bên cạnh đó, lũ cũng đã gây thiệt hại lớn cho các huyện miền núi Tuyên Hóa, Minh Hóa, và huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Lệ Thủy…

Tang thương sau cơn lốc xoáy
Tang thương sau cơn lốc xoáy

Nhiều nhà dân ở huyện Quảng Trạch bị hư hỏng nặng
Nhiều nhà dân ở huyện Quảng Trạch bị hư hỏng nặng

Hiện UBND tỉnh Quảng Bình, Ban chỉ huy PCLB &TKCN tỉnh đang ráo riết chỉ đạo các địa phương, phối hợp với các lực lượng Công an, Quân đội và Bộ đội Biên phòng…khẩn trương tập trung giúp dân khắc phục hậu quả của mưa lũ. Tuy nhiên, do địa phương bị thiệt hại nặng sau bão số 10, nay lại hứng chịu trận lũ lịch sử khiến công tác khắc phục gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều địa phương vẫn còn bị ngập sâu.
Nhiều địa phương vẫn còn bị ngập sâu.

Đ. Đức

Nhóm phóng viên