Cả tỉnh “không dám quyết mua một chiếc iPad”, sao làm được Chính phủ điện tử?
(Dân trí) - Nói về sự chậm trễ, sức ì lớn ở nhiều Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai nhiệm vụ ứng dụng công nghệ, xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phê bình Bộ Nội vụ cũng như địa phương đấu thầu mà không dám quyết mua một chiếc iPad để phục vụ công việc…
Sáng 13/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ công tác của Thủ tướng chủ trì buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với 10 bộ, cơ quan sáng nay, 13/6, để đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử.
Nhắc lại tinh thần của Thủ tướng là đôn đốc mạnh, thể hiện tốt nội dung Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, chiều 24/6, Thủ tướng sẽ khai trương hệ thống e-Cabinet (Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ) để kết nối các thành viên Chính phủ, các Bộ trưởng.
“Hệ thống này sẽ tiến tới Chính phủ phi giấy tờ, giảm bớt thời gian họp hành, bởi thay vì phải thảo luận hay lấy phiếu của các thành viên Chính phủ, chúng ta sẽ thực hiện trên điện tử hoàn toàn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Ông cũng cho biết Văn phòng Chính phủ đang mời các thư ký, trợ lý của thành viên Chính phủ tập huấn để chạy thử hệ thống e-Cabinet để chính thức khai trương vào 24/6.
Trước đó, Chính phủ đã khai trương trục liên thông gửi, nhận văn bản quốc gia vào ngày 12/3. Từ đó đến nay tròn 3 tháng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, kết quả đã có hơn 46.200 văn bản gửi và gần 131.000 văn bản nhận bằng điện tử của các bộ, ngành, địa phương tới Văn phòng Chính phủ. “Đây là con số rất đáng khích lệ”, ông Dũng nói.
Thay vì gửi, nhận văn bản bằng hồ sơ giấy, theo ông Dũng, việc chuyển sang gửi nhận văn bản điện tử giúp tiết kiệm 1.200 tỷ đồng mỗi năm. Việc này cũng giúp tiết kiệm thời gian, đảm bảo tính an toàn.
“Dự kiến tháng 11 năm nay, Chính phủ tiếp tục khai trương cổng dịch vụ công quốc gia, tinh thần là không cầu toàn mà chọn một số dịch vụ làm trước cấp đổi bằng lái xe và một số dịch vụ mà người dân và doanh nghiệp cần nhất”, ông Dũng nói, đồng thời lưu ý tinh thần Thủ tướng muốn gửi gắm, rằng 10 bộ tham gia buổi làm việc này phải là hình mẫu, nêu gương trong thực hiện Chính phủ điện tử.
Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh từ tháng 6/2018, cơ quan này đã thực hiện Văn phòng Chính phủ phi giấy tờ, toàn bộ xử lý trên điện tử và thiết bị di động, giúp cải cách, thay đổi được tư duy. Đặc biệt, tăng tính minh bạch công khai, tạo sự giám sát của người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Dũng, hiện Văn phòng Chính phủ đã đi đầu trong văn phòng không giấy tờ, áp dụng chữ ký số. "Cán bộ nào lên phòng tôi uống nước thì được chứ mang cả tập hồ sơ giấy lên bảo tôi ký là tôi mời về. Tôi cũng dặn thư ký là không nhận hồ sơ giấy, trừ các văn bản mật", ông Dũng nói.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: "Cán bộ nào lên phòng tôi uống nước thì được chứ mang cả tập hồ sơ giấy lên bảo tôi ký là tôi mời về".
Theo Bộ trưởng, chỉ đạo của Thủ tướng là nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ việc nhỏ nhất, với nền tảng thể chế, nền tảng công nghệ thông tin, nền tảng cơ sở dữ liệu… Đặc biệt, hướng tới nền kinh tế số, phục vụ người dân mới là mục tiêu của Chính phủ điện tử. Chính phủ điện tử là công cụ phục vụ nhân dân. Phải đẩy mạnh cải cách nội bộ, lấy cơ quan Trung ương làm hình mẫu, tạo áp lực với cấp dưới.
Nhắc nhở các bộ, ngành phải quyết liệt thực hiện Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn chứng câu chuyện khi sang thăm Matxcova (Nga) thấy thành phố này đã áp dụng công nghệ thông tin rất tốt, quản lý hiệu quả, thông minh. Chỉ cần một người dân đổ rác sai vị trí hay đỗ xe sai quy định, hình ảnh và thông tin đó sẽ được báo về trung tâm và sẽ có quyết định xử phạt nguội gửi đến người vi phạm.
Ngoài ra, ứng dụng công nghệ, dịch vụ công của Matxcova đã đạt đến điều kiện, không được để người dân xếp hàng quá 15 phút. Nếu quá thời hạn này, cán bộ thi hành công vụ phải giải trình, kiểm điểm. Từ đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam không thể cứ trì trệ theo lối cũ mà phải quyết liệt thực hiện Chính phủ điện tử.
Kiểm tra về thực tế việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại 10 bộ, ngành có đại diện tham gia cuộc làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phê bình Bộ Nội vụ bởi trong tổng số 369 văn bản Văn phòng Chính phủ nhận được của Bộ Nội vụ, chỉ có 39 văn bản ký số, tỷ lệ 10,57% - rất thấp so với các bộ.
“Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo cải cách hành chính, có công cụ trong tay mà không cải cách bằng cơ quan khác thì không hướng dẫn được ai” – Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nhắc nhở.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc đến câu chuyện thực tế ở một địa phương khi đấu thầu nói “không dám mua một chiếc iPad”, trong khi đó, tỉnh khác người ta mua hẳn ô tô. “Như vậy để thấy cùng một việc nhưng mỗi địa phương làm một cách khác nhau và việc đó đều do người chỉ đạo, người đứng đầu”, ông Dũng nhận định.
P.Thảo