Ca sĩ Randy trải lòng về những người mẹ
(Dân trí) - Biết anh về Việt Nam tìm mẹ, nhiều người cảnh báo anh có thể gặp phải tình huống ngoài mong đợi. Nhưng Randy - chàng ca sĩ "con lai" - sẵn sàng đón nhận trường hợp xấu nhất để nuôi hy vọng một ngày có thể cất lên tiếng gọi “Mẹ”.
Tất cả những ai biết đến hoàn cảnh và hành trình tìm mẹ của ca sĩ Randy - giọng ca nổi tiếng với ca khúc “Nó” - đều khó kìm xúc động. Nhưng ít ai biết để đi đến quyết định quay lại đối diện với nơi mà trong ký ức từng là nỗi ám ảnh, Randy đã trải qua nhiều thay đổi trong cảm nhận, suy nghĩ về một người. Người đó anh không hề biết mặt nhưng lại mang đến nhiều cảm xúc đớn đau và khát khao nhất. Đó là mẹ.
“Tại sao mẹ sinh tôi ra?”
Từ nhỏ sống ở cô nhi viện, đến 5 tuổi cậu bé Trần Quốc Tuấn, tên trong giấy tờ của ca sĩ Randy, được một gia đình ở Hội An (Quảng Nam) nhận làm con nuôi cho đến năm 1990, lúc 19 tuổi, anh theo một gia đình người Hoa đến Mỹ. Đó là quãng thời gian “đứa con lai” sống trong sự kỳ thị, phân biệt của những người nhận anh làm con, những người hàng xóm và… chính anh cũng kỳ thị bản thân khi nhìn rõ sự khác biệt trên cơ thể mình: làn da đem nhẻm, tóc xoăn. Những tên gọi “thằng con lai”, “con hoang” “đồ Mỹ đen”… theo anh từ thuở nhỏ càng đẩy Randy tách biệt với thế giới xung quanh.
Khi đó, anh luôn tự hỏi: “Tại sao mẹ sinh tôi ra? Tại sao lại vứt bỏ tôi? Tại sao bà sinh tôi lại khác với mọi người thế này?”. Từ nỗi đau của bản thân, cảm nhận về người đã sinh ra mình với Randy lúc ấu thơ chỉ là sự hờn giận lẫn oán trách.
Qua tuổi 40, Randy vẫn mong ước được gọi một tiếng "Mẹ" thiêng liêng.
Randy nhớ lại, những lúc đi chăn bò, anh thường nhìn xuống hố nước ở ngoài đồng và nghĩ dưới chiếc hố kia là bùn, là rác hay là phân, bẩn cỡ nào anh cũng sẽ nhảy xuống nếu nó có phép màu giúp da không còn đen, tóc không còn xoăn để được sống, được yêu thương, quan tâm như bao người. Khát khao đó anh chỉ giữ cho riêng mình, không có lấy một người để chia sẻ và anh lại trút tâm tư bằng cách… oán trách người đã sinh ra mình.
Việc quay lại tìm mẹ ngày hôm nay của Randy là điều mà trước đây anh chưa từng nghĩ tới!
Sang Mỹ, bước chân vào nghề hát, có điều kiện để học hành cũng là lúc cái nhìn về cuộc sống, con người của anh thay đổi. Anh bắt đầu mày mò, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Anh hiểu rằng mình sinh ra ở thời chiến khốc liệt, lại là đứa con của hai người giữa hai chiến tuyến, quan niệm của người Việt lại rất khắt khe thì chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Trước đây anh nghĩ mình bị mẹ bỏ rơi, bị hắt hủi thì giờ anh đặt ra nhiều tình huống. Sinh con vào thời chiến, biết đâu vì cuộc sống quá bần cùng, không đủ sức che chở cho con nên mẹ phải gửi anh vào cô nhi viện như là một sự sắp đặt, tính toán để con được sống, được một chỗ nương tự? Hành động đó chắc gì đã là sự bỏ rơi mà biết đâu lại là sự hy sinh của mẹ? Biết đâu mẹ cũng đang đau khổ muốn biết đứa con mình đứt ruột sinh ra bây giờ thế nào?... Rồi khi Randy có gia đình, có con, anh càng thêm khát khao muốn được sống với cảm giác về “tình mẹ” dù chỉ một giây.
Điều này đã thôi thúc anh quay lại nơi từng là nỗi “ám ảnh cuộc đời” để tìm mẹ. Hành trình này bắt đầu từ năm 2007 và kéo dài cho đến hôm nay. Người đàn ông đã qua tuổi tứ tuần thường hình dung: “Nếu gặp mẹ tôi sẽ sà vào lòng bà. Được bà hôn lên tóc, vuốt má thì cho dù mình có hơn 40, 50 hay 60 tuổi đi nữa vẫn như một đứa con nít”.
Trong bấy nhiêu năm, Randy đi khắp các vùng miền ở Việt Nam, làm mọi cách để nhiều người biết đến mình nhưng không phải với vai trò một ca sĩ mà đơn thuần là “đứa con hoang” quay lại nơi mình có mặt trên cuộc đời với hy vọng gặp được người sinh ra mình.
Randy nói rằng, không phải là anh đang đi tìm mẹ vì anh không có tên tuổi, chỗ ở hay bất cứ thông tin nào về bà để tìm. Mà anh đang làm công việc “rao tin” về bản thân với hy vọng người sinh ra anh biết đứa con của mình còn sống và đang khát khao gặp bà.
Và những “người mẹ” trên hành trình
Cũng chính vì lẽ đó, trên hành trình của mình, Randy đã gặp không biết bao nhiêu người tìm đến anh, bản thân họ cũng nuôi hy vọng gặp lại được đứa con lai đã thất lạc của mình. Những người mẹ tìm gặp Randy, kể cả sau đó biết anh không phải là đứa con họ đang tìm, vẫn đưa đến cho anh nhiều tình cảm. Trong họ anh thấy được quá khứ đớn đau và dai dẳng chẳng biết đến bao giờ mới kết thúc. Hậu quả của chiến tranh không chỉ để lại những cơ thể tật nguyền hay là sự hy sinh mất mát mà còn đó biết bao nhiêu người phụ nữ có con lai phải chôn dấu quá khứ như bí mật cuộc đời. Đó cũng là rào cản để những "đứa con lai" như anh khó khăn trong việc tìm lại người ruột thịt.
Có những người mẹ gọi điện cho Randy trong nước mắt khi đề nghị: “Tôi muốn gặp cậu vì có thể cậu là con trai của tôi, năm nay nó cũng tầm tuổi cậu. Nhưng chỉ có thể gặp trong bí mật, tôi không thể để ai biết được về sự thật này”.
Trên hành trình tìm mẹ của mình, anh đã gặp không ít "người mẹ" Việt mang những nỗi đau đáu về quá khứ.
Với các trường hợp, Randy đều hỏi han rất kỹ, nếu các thông tin không trùng hợp, anh từ chối gặp để họ không hy vọng cũng như tránh cho họ không gặp phải những tình cảnh khó xử.
Người Randy đến gặp gần đây nhất là bà mẹ gốc Huế hiện đang sống ở Đồng Nai. Các thông tin về đứa con của bà mẹ này thật ra chưa trùng khớp với thân phận của mình, Randy không đặt quá nhiều hy vọng nhưng vẫn quyết định đến gặp bà vì anh thật sự xúc động trước sự can đảm, công khai chuyện quá khứ đã giữ kín bấy nhiêu lâu để được gặp đứa con của bà. Người mẹ này rất tin tưởng anh là con trai của bà. Bà thường xuyên gọi điện hỏi han, nhắc nhở anh giữ gìn sức khỏe hay việc xét nghiệm ADN, bà tự đi lấy máu, đem đi gửi chứ không để ai làm vì không yên tâm.
Điều này là động lực cho anh bởi anh đã từng nghĩ đến tình huống, có thể mẹ biết đến sự xuất hiện hôm nay của mình nhưng vì cuộc sống hiện tại, quá khứ đau lòng mà không thể lên tiếng nhận anh.
Randy biết trường hợp một cô con gái lai, quay lại Việt Nam tìm gặp mẹ. Những người em cùng mẹ khác cha nhận cô, nhưng chính người sinh ra cô lại nhất quyết từ chối không nhận vì bà không đối diện được với quá khứ.
“Nếu điều đó xảy ra với tôi, tôi cũng không trách mẹ. Tôi đã lường trước điều này, nếu để nhận lại đứa con mà mẹ phải đánh đổi tất cả, phải đối mặt với quá khứ đớn đau thì không phải là điều tôi mong muốn. Cha mẹ có thể hy sinh vì con, con không thể hy sinh vì bố mẹ mà”, Randy chân thành.
Suy nghĩ là vậy, Randy vẫn không giấu được anh đang rất hồi hợp chờ đợi kết quả ADN vào giữa tháng 9 tới không chỉ riêng với người mẹ ở Đồng Nai mà còn với hai người phụ nữ ở Đà Nẵng và Đăk Lăk. Nếu kết quả lần này vẫn chưa cho anh gặp được mẹ, Randy nói việc anh quay lại tìm mẹ diễn ra một cách rất tự nhiên nên đến một ngày có thể kết thúc rất tự nhiên. Nhưng chí ít bây giờ anh đã để lại ADN như là giọt máu của mình ở Việt Nam, nếu người sinh ra anh muốn tìm gặp đứa con của mình sẽ dễ dàng hơn. Khi đó, Randy sẽ hoàn thành được khát khao sà đầu vào lòng bà để cất lên tiếng gọi “Mẹ”.
Hoài Nam