1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cá dọn bể không “địch” nổi với dòng sông ô nhiễm

(Dân trí) - Cá dọn bể là loài cá có sức sống lớn nhưng vẫn không "trụ" nổi với độ ô nhiễm của sông Nhuệ. Đáng lo ngại hơn, nhiều người dân vẫn dùng nước sông để sinh hoạt sau khi lọc...

Cá dọn bể không “địch” nổi với dòng sông ô nhiễm - 1
Cá chết hàng loạt (ảnh do Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cung cấp)

Khỏe như “dọn bể” cũng bị chết hàng loạt

Công ty Thủy lợi sông Nhuệ cho biết, tình trạng cá chết nổi trên sông Nhuệ kéo dài khoảng 7km, từ khu vực Mễ Trì (Từ Liêm) đến Hà Đông (Hà Nội) đã xuất hiện từ cuối tuần trước, đến nay phần lớn cá đang phân huỷ, trong đó chết nhiều nhất là cá dọn bể. Nhiều người dân sống ven sông đã bị chóng mặt, buồn nôn vì mùi xú uế bốc lên từ lòng sông. Một số gia đình đã phải sơ tán trẻ nhỏ và người già. Nhiều năm trở lại đây, ở khu vực này vẫn có cá chết, nhưng không nhiều như đợt này.

Trao đổi với báo chí ngày 10/3, ông Nguyễn Văn Lưỡng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết: Số lượng cá chết ước tính khoảng 10 tấn trên cả dải sông dài khoảng 2km, chủ yếu là cá dọn bể. Điều đáng nói là bản thân cá dọn bể có sức sống lớn, khả năng thích nghi cao nhưng hiện nay chết nổi nhiều.

Sau khi lấy mẫu nước để phân tích, kết quả bước đầu cho thấy, nước sông thiếu oxy rất lớn. Hàm lượng oxy hòa tan nhỏ hơn tiêu chuẩn cho phép từ 14-26 lần. “Thiếu oxy thì cá không sống được” - ông Lưỡng nói.

Bên cạnh đó, lượng Amoni vượt chuẩn cho phép 35-37 lần. Nitrit vượt quá 2 lần so chuẩn. Nguyên nhân là do lượng chất hữu cơ từ khu dân cư và chất thải công nghiệp từ khu công nghiệp ra sông không qua xử lý. Từ đó dẫn tới dư thừa chất hữu cơ, chất độc hại hòa tan trong nước.

Ông Lưỡng cho biết thêm, bản thân sông Nhuệ có nhiều cửa xả thải. Ví dụ cửa xả thải chỗ cầu Am của làng nghề Vạn phúc, một trong những nghề có mức độ ô nhiễm cao. Họ cũng dùng nước dệt nhuộm và làm lụa chảy ra không xử lý. Cụm công nghiệp nhỏ Từ Liêm có 36 doanh nghiệp thì giờ mới đang làm thủ tục xin xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Ngoài ra còn có nhiều cửa xả nhỏ từ các làng, khu vực dân cư ven sông…

Vẫn chưa phải là nơi ô nhiễm nhất

Cá dọn bể không “địch” nổi với dòng sông ô nhiễm - 2
Khu vực cá chết nhiều nhất
 
Theo ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Kiểm soát ô nhiễm - Chi cục Bảo vệ môi trường, thực chất, đoạn cá chết không phải là nơi ô nhiễm nhất. Ô nhiễm nhất phải tính từ cầu Hà Đông trở xuống qua cửa xả sông Tô lịch đến vùng Đại Áng (Thanh Trì).

Đoạn từ cầu Đôi xuống cầu Am (cầu Đen Hà Đông) được xem là khả năng ô nhiễm tương đối cao do có cửa xả của cơ sở sản xuất giấy Tây Đô và dọc tuyến này đến ngã ba có cửa xả làng nghề Vạn Phúc. Phía bên kia bờ có 1 loạt các cửa hàng kinh doanh dịch vụ vịt nướng. “Họ coi mặt sông là “mặt hậu” nên các thứ sản phẩm như lông thừa, đuôi thẹo, phế thải của nhà hàng đều trút xuống sông” - ông Hải nói

Bởi vậy, theo ông Hải, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng cá chết hàng loạt là do lượng nước xả thải quá ô nhiễm mà chưa có biện pháp ngăn chặn. Một vấn đề nữa là có thể do một cơ sở, địa điểm nào đó có độc tố trong nước thải, xả trộm ra sông gây ra hiện tượng bất thường làm cá chết!

Thực tế, những cơ sở gây ô nhiễm thường không trực tiếp làm cống chảy thẳng ra sông. Họ thường xả ra hệ thống cống chung vòng vèo trước khi xả thải ra sông Nhuệ. “Trước kia, chúng tôi đã từng kiểm tra và xử lý một số cơ sở thải trực tiếp, gây ô nhiễm cho khúc sông này như Công ty giấy Tây Đô, sơn Cầu Diễn…”, ông Lưỡng cho biết.

Vấn đề xả thải ở khu vực ven sông Nhuệ ảnh hưởng tới môi trường đã diễn ra trong một thời gian dài và chưa được quan tâm đúng mức. Được biết, năm ngoái, Bộ TNMT đã xây dựng đề án bảo vệ môi trường sông Nhuệ - Đáy nhưng cho đến nay chưa triển khai.

Theo những người dân chứng kiến thì mức độ ô nhiễm hiện nay là cao nhất, nếu ko ngăn chặn thì sẽ ô nhiễm nặng hơn. Khủng khiếp hơn nữa là có hiện tượng người dân dùng nước sông Nhuệ để sinh hoạt sau khi lọc.

Ông Lưỡng cho biết: “Chúng tôi đã có gọi điện tới phòng TNMT Hà Đông để thông báo người dân rằng nước ở khu vực đó có ô nhiễm. Người dân nếu muốn dùng thì phải đánh phèn, làm này nọ… nhưng chúng tôi không ngăn được, chỉ cảnh báo nhắc nhở thôi”.

Vấn đề mà người dân quan tâm nhất hiện nay là tìm ra thủ phạm gây ô nhiễm sông Nhuệ đã làm cá chết hàng loạt cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Ông Hoàng Dương Tùng, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường (thuộc Tổng Cục Môi trường), cho hay, trong năm nay, sẽ có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra tại các lưu vực sông. Doanh nghiệp nào gây ô nhiễm sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo Luật và phải khắc phục nguyên hiện trạng môi trường…

Lan Hương