1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cá dọn bể chết “đen kịt” bờ sông Nhuệ

Mấy ngày nay, cả khúc sông Nhuệ đoạn từ Cầu Diễn (huyện Từ Liêm) đến Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì, Hà Nội) dài khoảng 7-8km xuất hiện hiện tượng cá dọn bể chết hàng loạt, gây mùi hôi thối nồng nặc.

Cá dọn bể chết “đen kịt” bờ sông Nhuệ  - 1
 
Phố xá “bốc mùi” vì cá

 

Chiều 9/3, chúng tôi đã có mặt tại phố Thanh Bình (quận Hà Đông, Hà Nội). Theo quan sát của chúng tôi, mặt nước sông Nhuệ, nhất là 2 ven bờ, cơ man là cá chết.

 

Tay bịt mũi, bà Liên ở số nhà 425, nói rằng, hiện tượng cá chết xảy ra đã mấy hôm và chết nhiều nhất là vào ngày 8/3. Đến 9/3, lượng cá chết đã giảm nhưng mùi hôi thối thì bốc lên nồng nặc do cá bắt đầu phân hủy.

 

Ngoài ra, do trời nắng, mùi thối xông thẳng vào những ngôi nhà ven sông. “Đi ngủ, ăn cơm hay làm bất cứ việc gì cũng ám mùi cá thối. Những khi có việc đi ra bờ sông, mùi cá thối đến buồn nôn, chúng tôi sắp hết chịu nổi rồi…,” một người dân nói.

 

Sinh sống ở đây đã mấy chục năm nay nhưng chưa khi nào bà Liên thấy cá chết nổi nhiều như vậy. “Nhà tôi phải đóng chặt cửa mấy ngày nay. Bên hàng xóm, do có con nhỏ mới sinh nên đã phải “di trú” về đằng ngoại”, bà kể.

 

Người dân cũng cho hay, không chỉ cá ở khúc sông chảy qua phố Thanh Bình bị chết, mà hiện tượng cá chết còn ở trên phía thượng nguồn sông Nhuệ. Sau khi chết, xác cá xuôi xuống hạ nguồn. Do dòng nước sông Nhuệ không chảy xiết nên xác cá lập lờ và lưu cữu lại 2 bên bờ sông.

 

Tại khu vực Cầu Am (Hà Đông), mùi hôi thối khiến nhiều người phải bịt mũi khi đi qua. Một người làm việc tại khu vui chơi giải trí Tuổi Thơ nói rằng, mùi hôi thối đã khiến nhiều khách hàng không muốn cho con đến chơi tại khu vực này, làm giảm đáng kể thu nhập.

 

Bà Trần Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc công ty Thủy lợi sông Nhuệ cho biết, hiện tượng cá chết hàng loạt xuất hiện vào khoảng ngày 7/3. Loại cá dọn bể này sống rất nhiều ở sông Nhuệ, hằng năm cũng có hiện tượng cá chết, nhưng chưa lần nào chết nhiều như lần này.

 

Đưa ra minh chứng, bà Hạnh cho hay, chiều 9/3, tại điểm cống Hà Đông, lực lượng công nhân của công ty đã vớt được 10 bao tải cá chết. “Đó là chưa kể đến các điểm vớt tại các khu vực khác”, bà nói.

 

Cá chết bởi ô nhiễm môi trường?

 

Bà Hạnh nói rằng, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra hiện tượng cá dọn bể chết nêu trên. Tuy nhiên, qua kiểm tra vào ngày 9/3, thấy nước sông Nhuệ xuất hiện màu đen hơn bình thường từ khu vực Cầu Noi (xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm) nhưng cá chết xuất hiện bắt đầu từ khu vực Cầu Diễn.

 

“Hiện tượng nước đen, chúng tôi cũng chưa xác định được nguồn gây ô nhiễm,” bà Hạnh nói.

 

Theo thống kê của Công ty Thủy lợi sông Nhuệ, chỉ tính riêng đoạn sông từ Mễ Trì đến Hà Đông đã có khoảng 30 cơ sở, cơ quan xả nước thải trực tiếp vào sông Nhuệ.

 

Bà Hạnh phỏng đoán rằng, có thể cá chết do nước thải độc hại của một đơn vị nào đó xả ra sông. Hoặc ai đó tát ao, thấy cá dọn bể không có khả năng kinh tế nên làm chết rồi đổ ra sông.

 

Về phía công ty, bà Hạnh cho biết sẽ cho người đi kiểm tra, phối hợp với các địa phương để vớt cá chết, khử trùng, tiêu hủy để đảm bảo môi trường.

 

Cũng trong tối 9/3, ông Hoàng Tiến Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội cho biết, buổi chiều cùng ngay, ông đã đo đạc một số chỉ tiêu tại khu vực sông Nhuệ, nơi xuất hiện cá chết.

 

Theo đó, hàm lượng pH trong nước sông không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, hàm lượng oxy hòa tan đo được xuống chỉ còn 0,7mg/l. “Độ oxy hòa tan tối thiểu để cá dọn bể sống là 0,25 mg/l, trung bình với các loại cá khác từ 3-5mg/l” - ông Minh nói.

 

Ngoài ra, ông Minh cũng cho hay, nếu đo nồng độ oxy này vào buổi sáng thì theo quy luật, chỉ số có lẽ còn thấp hơn nữa.

 

Nhận định nguyên nhân, ông Minh cho rằng cá chết chủ yếu do nguồn nước bị ô nhiễm chất hữu cơ. Đó là do chất thải, nước thải của các cơ sở sản xuất, nhà máy và các hộ dân… không qua xử lý mà đổ thẳng vào sông Nhuệ.

 

Về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hiếu Nhuệ, Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Môi trường (thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho rằng, thiếu oxy chỉ là một trong những nguyên nhân khiến cá chết. Ông cũng phỏng đoán, có thể trong nước sông Nhuệ còn có các độc tố khác.

 

Cũng theo ông Nhuệ, việc tìm ra thủ phạm gây ô nhiễm, khiến nồng độ oxy bị giảm là rất khó. Trong tình hình hiện tại, các cơ quan, ban ngành cần tổ chức vớt bỏ cá chết để giảm ô nhiễm. Ngoài ra, dùng biện pháp sục khí hoặc té nước để làm tăng oxy.

 

Giáo sư Nhuệ và ông Hoàng Tiến Minh đều cho rằng, trước hiện tượng bất thường trên, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để kiểm tra, xác định nguyên nhân để có những biện pháp xử lý môi trường ở khu vực này.

 

Sông Nhuệ ô nhiễm vượt chuẩn cho phép nhiều lần

 

 

Cuối tháng 8/2008, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã họp với các tỉnh, thành lưu vực sông Nhuệ, Đáy để triển khai bảo vệ các lưu vực sông trên.

 

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, giám đốc Trung tâm quan trắc và thông tin môi trường (Tổng cục Môi trường), khi đó nói rằng: sông Nhuệ tại khu vực nhận nước sông Hồng hầu như không bị ô nhiễm. Từ đoạn chảy qua quận Hà Đông đến đoạn nhận nước sông Tô Lịch (khu vực xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội), nước đã bắt đầu bị ô nhiễm nặng, tại các điểm đo đều vượt ngưỡng tiêu chuẩn nước loại A từ 1,6-4,1 lần.

 

Sông Nhuệ mỗi ngày tiếp nhận trung bình 500.000m³ nước thải từ bốn con sông thoát nước (Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu) của Hà Nội qua đập Thanh Liệt. Phần lớn nước mưa, nước thải sinh hoạt và sản xuất đều đổ vào sông Tô Lịch rồi chảy vào sông Nhuệ.

 

Tại đoạn nhận nước sông Nhuệ nhận nước từ sông Tô Lịch, các thông số ô nhiễm hữu cơ vượt chuẩn từ 3-5 lần, có màu đen, váng, cặn lắng và có mùi tanh hôi rất khó chịu, nhất là vào mùa khô (có thời điểm nồng độ coliform dao động từ 4.500-55.000 MPN/100ml).

 

Càng về hạ lưu, mức độ ô nhiễm có giảm dần nhưng vẫn ở mức vượt so với tiêu chuẩn loại B.

 

Căn cứ vào số liệu trên, có thể thấy sông Nhuệ bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực từ Hà Đông xuôi xuống phía hạ lưu. Tuy nhiên, việc cá chết lại ở phía ngược lại.

 

Nhiều người dân cho rằng, nguồn nước sông Nhuệ, ở phía thượng nguồn hiện nay cũng đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Họ mong muốn các cơ quan quản lý môi trường cần có những biện pháp thắt chặt quản lý hơn nữa, nhằm bảo vệ con sông khỏi vấn nạn nước thải chưa qua xử lý.

 

Theo TTXVN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm