Cá chép chưa kịp tiễn ông Táo "lên trời" đã bị chích điện
(Dân trí) - Sáng 14/1, nhiều người dân đến chùa Diệu Pháp, quận Bình Thạnh (TPHCM) thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo về trời. Cá vừa được thả xuống sông thì ngay lập tức bị chích điện, vớt lên thuyền.
Sáng 14/1 (tức 23 tháng Chạp), nhiều người dân đến chùa Diệu Pháp (quận Bình Thạnh, TPHCM) mang theo cá chép vàng để thả tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Theo văn hóa người Việt Nam, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng.
Tại chùa Diệp Pháp, nhiều người mang cá tới để làm lễ sau đó mang ra bờ sông Sài Gòn thả.
Chùa Diệu Pháp nằm sát bờ sông nên tại đây khá đông người tới làm lễ và thả cá. Nhiều người mang hàng chục cân cá chép tới thả ra sông ngày ông Táo về trời.
Nhiều gia đình, người già, trẻ nhỏ có mặt tại chùa từ sớm mang theo cá chép vàng để tiễn ông Công, ông Táo. Theo quan niệm người Việt, cá chép vàng được thả đi là những con cá đẹp nhất và khỏe mạnh, số lượng thả thường là số lẻ 3, 5, 7 con.
Bé Kim Thiên Phú (7 tuổi, quận Bình Thạnh) cùng mẹ và bà tới chùa thả cá chép. Thiên Phú cho biết những năm trước đều xin mẹ đi theo và trực tiếp thả cá chép "về trời".
Cá chép đủ các loại kích cỡ được thả xuống sông Sài Gòn (đoạn ngay chùa Diệu Pháp) trong sáng 23 tháng Chạp.
Anh Nguyễn Hữu Tài (ngụ Bình Thạnh) cho biết, không chỉ riêng ngày 23 tháng Chạp, mà hàng tháng anh cùng những người bạn của mình cũng thường xuyên tới đây thả cá phóng sinh số lượng lớn.
"Hôm nay ngày tiễn ông Táo nên tôi thả cá chép vàng với mong muốn cầu bình an, may mắn cho gia đình và tất cả mọi người, hy vọng Táo quân sẽ thuận lợi lên trời", anh Tài chia sẻ.
Tuy nhiên, dọc sông Sài Gòn một số người dùng thuyền máy nhỏ có trang bị dụng cụ vợt xung điện lập tức bắt cá vừa được người dân thả phóng sinh.
Cứ khoảng 30 phút, một người đàn ông sẽ dùng thuyền máy nhỏ tiếp cận gần khu vực thả cá và dùng xung điện để bắt. Một số khác dùng vợt bắt trực tiếp những con cá ven bờ chưa kịp bơi ra xa.
Một người đàn ông ngang nhiên vớt cá ngay bên cạnh khu người dân vừa thả cá xuống sông khiến nhiều người bức xúc.
Không ít "vật cưỡi" của Táo quân vừa thả xuống chưa kịp "về trời" đã bị vớt vào rọ.
Trong khi đó, rất nhiều cá chép bị chích điện, không thể bơi ra xa, nằm lờ đờ trên mặt nước.
Một số người dân thả cá số lượng lớn đã phải thuê thuyền để mang cá ra giữa sông thả để tránh bị chích điện.
Nhiều người cũng lựa chọn việc đi thuyền ra giữa sông để phóng sinh thay vì thả cá ở ven bờ.
Ngoài thả cá chép ngày ông Công, ông Táo, nhiều người còn thả phóng sinh số lượng lớn các loại cá khác như cá trê, cá lóc trong những ngày cuối năm để cầu bình an.