Cả châu Á - Thái Bình Dương hướng về Việt Nam
Sáng nay, Hội nghị các quan chức cấp cao APEC kỳ tổng kết (CSOM) khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, chính thức mở đầu cho Tuần lễ cấp cao APEC 2006 diễn ra từ 12 - 19/11, một trong những sự kiến đối ngoại lớn Việt Nam từ trước đến nay.
Nỗ lực của nước chủ nhà chinh phục khách quý quốc tế
Từ cả năm nay và đặc biệt là vài tháng gần đây, hầu như người dân Hà Nội nào cũng được nghe nhắc đến APEC hằng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ băng-rôn, khẩu hiểu, đường phố, khách sạn, bến xe, nhà ga... tại thủ đô đều được chuẩn bị một cách chu đáo nhất để chuẩn bị đón các vị khách quý quốc tế. Thủ đô Hà Nội dường như được mang một bộ mặt hoàn toàn mới, khang trang đẹp đẽ và hoành tráng hơn.
Chỉ trong vòng hơn một tuần thủ đô Hà Nội sẽ đón khoảng 10.000 vị khách quốc tế đến tham dự, trong đó có trên 5.000 đại biểu chính thức và tùy tùng, gần 1.000 đại biểu doanh nghiệp và trên 1.500 phóng viên báo chí. Trong một thời gian ngắn ngủi Việt Nam đã phải nỗ lực hết sức mình để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này. Đáng kể nhất có lẽ là công tác hậu cần. Chưa bao giờ để chuẩn bị cho một sự kiện quốc tế Việt Nam lại phải huy động một lực lượng hùng hậu để chuẩn bị công tác này chu đáo và đồ sộ đến như vậy.
Đầu tiên phải kể đến công trình Trung tâm Hội nghị quốc gia (NCC) lớn nhất Đông Nam Á hiện nay để phục vụ hội nghị. NCC tọa lạc trên đường Phạm Hùng từ sân bay quốc tế Nội Bài về thủ đô Hà Nội. Lấy cảm hứng từ cảnh quan di sản thế giới vịnh Hạ Long, trung tâm được xây dựng theo ý tưởng "Lượn sóng biển Đông" do các chuyên gia CHLB Đức thiết kế.
NCC được xây dựng trên diện tích sàn 64.000m2, trong đó khu tòa nhà hội nghị rộng 20.000m2 và cao 50m. Ngoài phòng họp chính với sức chứa gần 3.800 chỗ, trung tâm còn hai phòng nguyên thủ, 20 phòng họp, khu hội thảo, phòng làm việc. Một trung tâm báo chí quốc tế được đặt ngay trong tòa nhà chính với thiết bị thông tin đảm bảo cho khoảng 300 nhà báo cùng tác nghiệp một lúc. Phía trước tòa nhà chính là quảng trường rộng gần 10.000m2 được trang trí bằng cây xanh, các hồ nước nhỏ và các bức tượng nghệ thuật. Công trình này đã gấp rút xây dựng trong một khoảng thời gian kỷ lục trong vòng chưa đầy 2 năm.
Phương tiện đi lại cũng là một trong những công tác được chuẩn bị rất kỹ càng. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Trưởng tiểu ban 2 điều hành xe APEC để phục vụ lượng khách đến Việt Nam tham dự APEC trong dịp này, ban tổ chức đã huy động khoảng 1.300 ô tô từ 4-40 chỗ ngồi. Trong đó, ngoài nguồn xe từ các nhà kinh doanh xe du lịch, các nhà sản xuất xe trong nước, ban tổ chức cũng phải huy động nguồn xe từ trong dân. Phục vụ các quan chức cao cấp tham dự APEC sẽ là hai dòng xe chính hàng Mercedes Benz và Ford. Đáng chú ý, một số đoàn đã nhập thẳng xe nguyên chiếc vào Việt Nam trong dịp này để phục vụ các nhà lãnh đạo của mình, thậm chí có những chiếc được sản xuất chỉ để dành cho lãnh đạo quốc gia.
Tiểu ban về phục vụ xe cũng đã phải làm việc cật lực để tuyển chọn 1.600 tài xế thuộc dạng tinh nhuệ nhất. Phần lớn các nhà lãnh đạo đến Việt Nam tham dự APEC lần này đều đi bằng các chuyên cơ riêng. Nhiều chủ tịch một số tập đoàn kinh tế lớn cũng mang hẳn chuyên cơ sang Việt Nam trong dịp này. Nguồn tin từ tiểu ban hậu cần cho hay chỉ riêng đoàn Mỹ đến Việt Nam lần này đã mang theo 10 chuyên cơ, còn đoàn Nga là 7 chuyên cơ. Chỉ riêng việc lo chỗ đậu cho các chuyên cơ đến Việt Nam trong thời gian này cũng là việc không dễ dàng đối với các nhà tổ chức.
8 khách sạn 5 sao tại thủ đô Hà Nội gồm Hanoi Daewoo, Hanoi Horizon, Hilton Hanoi Opera, Melia Hanoi, Nikko Hanoi, Sheraton Hanoi, Sofitel Metropole Hanoi, Sofitel Plaza Hanoi sẽ được đón 20 đoàn khách của các nền kinh tế APEC và các khách sạn này từ hàng năm nay đã phải chuẩn bị từ công tác an ninh đến việc nâng cấp, thay mới các trang thiết bị hiện đại, kể cả các phương tiện nghe, nhìn...
Theo ông Lê Công Phụng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Thư ký APEC cũng khẳng định các công tác khác từ nội dung cho đến các công tác lễ tân, hậu cần, an ninh, y tế... đã chuẩn bị sẵn sàng.
Cơn lốc các sự kiện và điểm đến của các nguyên thủ châu Á - Thái Bình Dương
Bắt đầu từ ngày 12/11, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia sẽ diễn ra Hội nghị các quan chức cao cấp kỳ tổng kết, sự kiện quan trọng đầu tiên mở đầu cho Tuần lễ cấp cao APEC. Sau đó từ ngày 14 - 16/11 Hội nghị Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) lần thứ 4 sẽ nhóm họp quy tụ những doanh nghiệp hàng đầu của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Đến nay đã có 12 nhà lãnh đạo của các nền kinh tế APEC như Tổng thống Mỹ Bush (Mỹ), Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cầm Đào, Tổng thống Nga Ptutin, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe..., nhận lời tham gia đối thoại với ABAC.
Tổng giám đốc Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy cũng sẽ có một buổi nói kéo dài một tiếng rưỡi, vào tiệc trưa ngày 15/11, với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về chủ đề gia nhập WTO.
Một trong những sự kiện được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mong đợi, Diễn đàn Xúc tiến thương mại và đầu tư với Việt Nam, sẽ được khai mạc vào ngày 16/11 với hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài tham dự. Cũng trong hai ngày 15 - 16/11, các ngoại trưởng, bộ trưởng kinh tế 21 nền kinh tế APEC sẽ tiến hành Hội nghị Liên bộ trưởng ngoại giao - kinh tế lần thứ 18 tại Hà Nội.
Cũng liên quan đến kinh tế, một trong những sự kiện được coi là quan trọng nhất đối với cộng đồng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương sẽ diễn ra vào ngày 17 - 19/11 là Hội nghị Thượng đỉnh các tổng giám đốc doanh nghiệp APEC 2006 (APEC CEO). Hội nghị này sẽ do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đứng ra tổ chức.
Cho đến nay có gần 1.000 doanh nghiệp của 21 nền kinh tế APEC đăng ký tham dự trong đó có các chủ tịch, tổng giám đốc điều hành các công ty các tập đoàn hàng đầu thế giới như: Charles Prince Chủ tịch & Tổng giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn Citigroup, Frederick Smith Chủ tịch & CEO tập đoàn Fedex, Rick Wagoner Chủ tịch & CEO của tập đoàn General Motor, Craig Mundie, Phó chủ tịch Microsoft, Richard Parsons Chủ tịch & CEO của tập đoàn truyền thông Time Warner, Edward Whitacre Chủ tịch & CEO AT&T, Martin Sullivan, Chủ tịch & CEO của AIG (Hoa Kỳ), John Mullen Giám đốc điều hành DHL, Michael Smith Chủ tịch & CEO HSBC, Phó chủ tịch Daewoo Motor... nhận lời tham dự.
Và cuối cùng đỉnh cao của tuần lễ sẽ diễn ra trong hai ngày 18 - 19/11 - Hội nghị các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế Diễn đàn hợp tác châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 14. Các nguyên thủ quốc gia tham gia APEC lần này bao gồm: Tổng thống Mỹ George W.Bush, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Nhật Sinzo Abe, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun, Thủ tướng Úc John Howard, Thủ tướng Canada Stephen Harper...
Ngoài ra còn có nhân vật cấp cao khác như Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice, Ngoại trưởng Nga Lavrov, Ngoại trưởng Trung Quốc Lý Triệu Tinh, Ngoại trưởng Úc Alexander Downer, và hàng loạt các Bộ trưởng Ngoại giao, kinh tế thương mại cùng nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền của 21 nền kinh tế APEC.
Về mặt nội dung việc Việt Nam đăng cai hội nghị, đồng thời là chủ tịch nhiều diễn đàn trong năm 2006 đã góp phần xây dựng chương trình nghị sự tốt cho hội nghị thượng đỉnh lần này. Việt Nam đã đóng vai trò khởi xướng đối với các thành viên đang phát triển và góp phần xây dựng tài liệu được sự đồng thuận về cải tổ APEC. Việt Nam đăng cai Hội nghị APEC lần này cũng thể hiện mình như một câu chuyện thành công về kinh tế với tỷ lệ tăng trưởng cao nhất nhì tại châu Á - Thái Bình Dương.
APEC là một diễn đàn toàn diện để Việt Nam thể hiện mình là một người nhập cuộc có trách nhiệm. Việt Nam có cơ hội sử dụng dịp này để quảng bá hình ảnh của mình cũng như những tiềm năng thực sự của đất nước. Thông qua việc tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh APEC, Việt Nam sẽ giành được danh tiếng và thiện chí to lớn của cộng đồng quốc tế. Nó cũng khẳng định hình ảnh Việt Nam là một quốc gia nhập cuộc và một đối tác quốc tế đáng tin cậy.
Theo Xuân Danh
Thanh Niên