Cá cắn người ở Quy Nhơn thuộc bộ cá nhám
(Dân trí) - Cá cắn người trên bãi biển Quy Nhơn được xác định thuộc bộ cá nhám nhiều cá thể (selacshromorpha). Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành vây bắt để định loài.
Biển Quy Nhơn vắng hẳn bóng người từ khi liên tiếp xảy ra các vụ cá cắn người.
Vị phó viện trưởng cho rằng nguyên nhân cá cắn người có thể do phản xạ hoặc nhầm tưởng là mồi.
Một số ngư dân địa phương cho hay loài cá này tương đối phổ biến tại vùng biển Quy Nhơn, cũng là đối tượng khai thác của một số ngư dân làm nghề câu thẻo. “Cá nhám là tên gọi khác của loài cá mập, chúng tôi đi biển cả đời người và thấy chúng nhiều lần. Những người bị chúng cắn gần bờ có thể là do chúng đang quá nhỏ chứ nếu va phải loài mẹ của nó thì rất nguy hiểm”, ngư dân Lưu Quang Thanh nhận định.
Ngày 12/1, biển Quy Nhơn vắng người và sóng vỗ dữ dội. Để trấn an du khách, lực lượng chuyên ngành thủy sản không ngừng tuần tra bắt cá dọc khu vực bãi tắm.
“Chiều nay (ngày 12/1 - PV) và ngày mai chúng tôi sẽ túc trực 24/24 tại vùng bãi tắm bằng cách cho hai tàu với 8 ngư dân làm nghề câu cá mập trước đây dùng câu bủa xuống, thả mồi nhử để bắt chúng hoặc là dùng lưới cản bủa vây để ngăn không cho chúng vào bờ. Cùng đi với các ngư dân cũng có lực lượng của Chi cục Kiểm tra và Bảo vệ nông lâm thủy sản Bình Định dùng ca nô thị sát”, ông Nguyễn Hữu Hào, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra và Bảo vệ nông lâm thủy sản Bình Định cho biết.
Một ngư dân làm nghề câu cá mập tên Dũng, người được Chi cục thủy sản ký hợp đồng bắt cá, tiết lộ: “Loài cá nhám này rất mê những thứ mồi có mùi tanh và đang sống. Không chỉ vì hợp đồng quyền lợi mà khi được giao trách nhiệm chúng tôi cũng sẽ hết mình tìm đủ cách để nhử bắt được chúng càng sớm càng tốt”.
Cũng theo ông Hào, Chi cục sẽ có kiến nghị gửi đến UBND tỉnh về loại cá nhám này nhằm phục vụ mục đích khoa học và du lịch. Nên có quy hoạch neo đậu tàu thuyền và các lồng nuôi xa khu bãi tắm bởi chính chất thải cũng là một trong những nguyên nhân dẫn dụ cá vào gần bờ tìm thức ăn.
Hà Khê