1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Buốt nhói những tấm bia mộ liệt sĩ được "mã hóa"

(Dân trí) - Có thể do yêu cầu đảm bảo bí mật trên đường hành quân nên bia mộ của những người lính ngã xuống buộc phải “mã hóa” bằng những ký hiệu. Giá như bằng cách nào đó có thể giải mã được ký hiệu ấy để trả lại tên cho các anh; để những người lính sớm trở về với quê hương, với người thân đang từng giây từng phút mong tin…

Buối nhói những tấm bia mộ liệt sĩ được mã hóa

Nhà Tưởng niệm và trưng bày di vật liệt sĩ tại Bảo tàng Quân khu 4 dành một khu riêng để trưng bày những tấm bia mộ liệt sĩ. Đó là những tấm bia mộ đủ kích cỡ và vật liệu, hình dáng khác nhau. Có những tấm bia cầu kỳ nhưng cũng có những tấm bia chỉ là những nét vạch của lưỡi lê. Cứ mỗi tấm bia được tìm thấy là một người lính đã nằm lại trên đường hành quân hay giữa chiến trường…

Một tấm bia 7 gia đình liệt sĩ nhận người thân

Khu trưng bày những tấm bia mộ liệt sĩ tại Nhà tưởng niệm và trưng bày di vật liệt sĩ Bảo tàng Quân khu 4
Khu trưng bày những tấm bia mộ liệt sĩ tại Nhà tưởng niệm và trưng bày di vật liệt sĩ Bảo tàng Quân khu 4

Vào khoảng tháng 11/2011, trong khi thi công làm đường giao thông ở chân dốc Mèo (xã Hồng Vân, A Lưới, Thừa Thiên Huế), các công nhân phát hiện một bộ hài cốt kèm tăng, võng, màn, dép cao su và 1 mảnh sắt nhỏ hình vuông đục chữ Nguyễn Xuân Trạch. Sau khi đưa hài cốt vào an táng tại nghĩa trang liệt sĩ, tấm bia mộ bằng sắt này được bàn giao lại cho Bảo tàng Quân khu 4.

Câu chuyện về tấm bia mộ này sau đó được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ngày 20/2/2002, Bảo tàng Quân khu 4 nhận được thông tin từ ông Nguyễn Văn Thình (TP Vinh, Nghệ An). Ông Thình xác nhận đây liệt sĩ Nguyễn Xuân Trạch, quê ở xã Thanh Tiên (Thanh Chương, Nghệ An), là đồng đội thuộc đơn vị D7 công binh với ông.

Những dòng tên liệt sĩ khắc vào đá núi...
Những dòng tên liệt sĩ khắc vào đá núi...

Tháng 3/1968, đơn vị ông được giao nhiệm vụ giải phóng đường sau khi địch đổ bộ để chuẩn bị cho chiến dịch giải phòng Quảng Đà. Khi xuống ngầm ở độ sâu 4m để phá mìn, đồng chí Trạch hi sinh.

Những tưởng đã có thể xác định được danh tính, quê quán cụ thể của liệt sĩ Nguyễn Xuân Trạch thì tháng 4/2002, Bảo tàng Quân khu 4 nhận được 7 bức thư của thân nhân 7 liệt sĩ có tên Nguyễn Xuân Trạch trên cả nước gửi về tìm người thân.

Thượng tá Nguyễn Thị Tiến (thời điểm đó là Phó GĐ Bảo tàng Quân khu 4) đã kỳ công xác minh thông tin về liệt sĩ. Căn cứ vào vị trí tìm thấy hài cốt, thông tin ghi trên giấy báo tử của 7 liệt sĩ có tên Nguyễn Xuân Trạch, xác minh khu vực chiến đấu của D7 vào thời điểm đó tại Bộ Tư lệnh Công binh, đối chiếu với thông tin cựu chiến binh Nguyễn Văn Thình và trực tiếp xác minh tại địa phương, khẳng định hài cốt được tìm thấy ở chân dốc Mèo là liệt sĩ Nguyễn Xuân Trạch, hi sinh ngày 28/3/1968, quê Thanh Tiên, Thanh Chương, Nghệ An.

... hay được làm từ những mảnh xác máy bay địch, ống pháo sáng.
... hay được làm từ những mảnh xác máy bay địch, ống pháo sáng.

Trước đó, vào tháng 4/2000, cán bộ Bảo tàng tiếp nhận 50 di vật nằm cùng phần mộ của 148 hài cốt liệt sĩ được Đội quy tập BCH Quân sự tỉnh Nghệ An tìm thấy tại Lào. Đó là những mảnh kim loại hình chữ nhật cỡ 5cm x 8cm khắc họ tên, nhưng không có quê quán và đơn vị. Trong số di vật đó, có một mảnh sắt khắc tên Lương Hồng Canh.

Điều đặc biệt là những tấm bia này có nhiều điểm giống nhau về kích cỡ, nét chữ, hình dáng và chất liệu. Từ đó, có thể phỏng đoán các liệt sĩ hy sinh có thể ở cùng một đơn vị chiến đấu.

Sau đó 1 thời gian ngắn, thân nhân liệt sĩ có tên Lương Hồng Canh, quê quán Mai Châu, Hòa Bình đăng thông tin tìm kiếm trên báo. Bằng các phương pháp giám định khoa học, Bảo tàng Quân khu 4 và các cơ quan hữu quan đã đi đến kết luận: Hài cốt được tìm thấy có tấm bia mộ mang tên Lương Hồng Canh chính là liệt sĩ Lương Hồng Canh, quê quán Nà Phỏn, Mai Châu, Hòa Bình, thuộc đơn vị Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 165, Sư đoàn F312.

Những tấm bia mộ liệt sĩ làm bằng nhiều chất liệu, kích cỡ, hình dáng khác nhau được tìm thấy trong quá trình quy tập hài cốt liệt sĩ. Với những thông tin được khắc trên bia, một số trường hợp đã xác định được danh tính, đơn vị, quê quán của liệt sĩ.
Những tấm bia mộ liệt sĩ làm bằng nhiều chất liệu, kích cỡ, hình dáng khác nhau được tìm thấy trong quá trình quy tập hài cốt liệt sĩ. Với những thông tin được khắc trên bia, một số trường hợp đã xác định được danh tính, đơn vị, quê quán của liệt sĩ.

Cũng từ thông tin này và các thông tin từ Sư đoàn 312 cung cấp, bằng phương pháp giám định khoa học và tâm huyết của những người có trách nhiệm, cơ quan chức năng đã xác định được danh tính, quê quán của 27 liệt sĩ hy sinh cùng ngày với liệt sĩ Lương Hồng Canh. Hài cốt của các liệt sĩ sau đó, thể theo nguyện vọng của gia đình đã được đưa về quê hương an táng.

Những dấu hỏi sau tấm bia mộ

Thiếu tá Bùi Thị Bích Ngọc, Trưởng ban Trưng bày - Tuyên truyền Bảo tàng Quân khu 4 cho tôi xem tập hồ sơ dày cộp về những tấm bia mộ được Đội quy tập các tỉnh Quân khu 4 bàn giao khi tìm thấy trong quá trình tìm kiếm, cất bốc hài cốt các liệt sĩ. Phần lớn trong số đó chưa xác định được danh tính, quê quán, đơn vị cụ thể.

Bởi vậy, khi các hài cốt được chuyển về nghĩa trang các liệt sĩ ở các địa phương để an táng, những tấm bia mộ này được bàn giao cho Bảo tàng Quân khu 4 để trưng bày, giáo dục truyền thống và góp phần xác minh thông tin.

Tấm bia mộ có khắc dòng chữ Ly A Xa 107. Căn cứ vào thông tin ghi trên tấm bia này có thể người chiến sĩ đã hi sinh vào ngày 30/4/1970. Tấm bia được tìm thấy cùng hài cốt liệt sĩ tại Mường Cút, Viên Thong, tỉnh Hủa Phăn, Lào.
Tấm bia mộ có khắc dòng chữ Ly A Xa 107. Căn cứ vào thông tin ghi trên tấm bia này có thể người chiến sĩ đã hi sinh vào ngày 30/4/1970. Tấm bia được tìm thấy cùng hài cốt liệt sĩ tại Mường Cút, Viên Thong, tỉnh Hủa Phăn, Lào.

Những tấm bia có tên và không tên, như những câu hỏi buốt nhói xoáy vào lồng ngực của những người có trách nhiệm. Nó không phải là vật vô tri mà là nỗi đau, là quá khứ hào hùng, là hi sinh anh dũng, là quãng thanh xuân đẹp nhất và ý nghĩa nhất của mỗi người lính đã chiến đấu và nằm xuống…

Tôi đặc biệt chú ý phiến đá khắc dòng chữ Ly A Xa - 107 – 30/4/70. Nét khắc đã mờ, được tô màu trắng dù không còn liền nét. Theo hồ sơ lưu trữ tại bảo tàng thì đây là tấm bia mộ được Đội quy tập Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa tìm thấy khi cất bốc hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Mường Cút, Viên Thong, tỉnh Hủa Phăn, Lào vào mùa khô năm 2001-2002.

Rất nhiều tấm bia chỉ là những con số. Có thể vì lí do đảm bảo bí mật nên các thông tin về người hi sinh đã không được ghi vào bia. Thông tin về các liệt sĩ sẽ được xác định nếu giải mã được những kí hiệu này.
Rất nhiều tấm bia chỉ là những con số. Có thể vì lí do đảm bảo bí mật nên các thông tin về người hi sinh đã không được ghi vào bia. Thông tin về các liệt sĩ sẽ được xác định nếu giải mã được những kí hiệu này.

Ngoài dòng chữ trên tấm bia thì không còn thông tin nào khác. Với những thông tin trên bia đá thì liệt sĩ có thể là tên Ly A Xa, hi sinh ngày 30/4/1970. Do chưa xác định được danh tính, đơn vị, quê quán cụ thể nên hài cốt liệt sĩ được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài đá núi thì vật liệu được sử dụng nhiều nhất là những mảnh vỡ từ máy bay địch, được đục lỗ thành tên hay khắc bằng mũi dao. Có tấm bia ghi tên nhưng cũng có những tấm bia chỉ ghi những con số B10, K6, 312, 319, 316…

Những tấm bia bằng đá được đục, khắc rất kỳ công nhưng chỉ có những ký hiệu như B10, K6... Những kí tự này hiện đang là ẩn số cần được giải mã.
Những tấm bia bằng đá được đục, khắc rất kỳ công nhưng chỉ có những ký hiệu như B10, K6... Những kí tự này hiện đang là ẩn số cần được giải mã.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Hoành – cán bộ Bảo tàng Quân khu 4 trầm ngâm: “Căn cứ vào cách thức làm bia mộ thì có thể thấy có những tấm bia được làm rất cẩn thận rất kỳ công, đẽo từ những hòn đá núi, mảnh máy bay vỡ... Như thế có thể khẳng định được rằng đồng đội của các liệt sĩ không phải là không có thời gian để ghi tên người hi sinh mà có thể do yêu cầu đảm bảo bí mật trên đường hành quân buộc phải “mã hóa” bằng những ký hiệu. Giá như bằng cách nào đó, có thể giải mã được ký hiệu ấy để trả lại tên cho các bác, các anh, để những người lính có thể sớm trở về với quê hương, với người thân đang từng giây từng phút mong tin…”.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm