1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Buông lỏng quản lý dẫn đến suy giảm hơn 2.300ha rừng tự nhiên ở Đắk Lắk

Thúy Diễm

(Dân trí) - Công tác quản lý dự án nông, lâm nghiệp thuê đất, thuê rừng tại Đắk Lắk có nhiều hạn chế, buông lỏng quản lý thời gian qua dẫn đến suy giảm hơn 2.300ha rừng tự nhiên.

Ngày 6/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã có báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 29 của HĐND tỉnh này.

Theo Sở NN&PTNT Đắk Lắk, giai đoạn từ 2021 đến tháng 6 năm nay, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng, chủ rừng kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý trên 4.000 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

Buông lỏng quản lý dẫn đến suy giảm hơn 2.300ha rừng tự nhiên ở Đắk Lắk - 1

Hơn 2.300ha rừng tự nhiên suy giảm tại các dự án lâm nghiệp ở Đắk Lắk (Ảnh minh họa: Uy Nguyễn).

Trong đó, hành vi phá rừng trái pháp luật xảy ra trên 2.700 vụ (chiếm 64,67%), diện tích rừng bị thiệt hại 880ha. Riêng năm 2022, Công an tỉnh lập hồ sơ điều tra xử lý các vụ phá rừng, hủy hoại rừng lên tới trên 400ha tại huyện Ea Súp.

Báo cáo của Sở NN&PTNT chỉ ra việc quản lý các dự án nông lâm nghiệp thuê đất, thuê rừng của UBND cấp huyện còn nhiều hạn chế, một số dự án buông lỏng quản lý, dẫn đến suy giảm diện tích rừng và đất bị xâm canh lấn chiếm với số lượng lớn.

Tính đến cuối năm 2023, diện tích rừng tự nhiên bị suy giảm tại các dự án là hơn 2.300ha/12.500ha được giao quản lý, bảo vệ. Diện tích đất của các dự án bị lấn chiếm, tranh chấp khoảng 6.700ha.

Theo Sở NN&PTNT Đắk Lắk, có rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong đó có vấn đề thiếu kinh phí.

Các đơn vị chủ rừng, nhất là các công ty lâm nghiệp, nguồn thu nhập chủ yếu từ tiền hỗ trợ quản lý rừng nghèo kiệt, do đó, không đảm bảo tiền lương dẫn đến nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động.

Chỉ trong 5 năm trở lại, tại các công ty lâm nghiệp đã có hơn 150 người xin nghỉ việc dẫn đến không thể thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng.

Buông lỏng quản lý dẫn đến suy giảm hơn 2.300ha rừng tự nhiên ở Đắk Lắk - 2

Trong vòng 5 năm, tại Đắk Lắk đã có trên 150 cán bộ, nhân viên tại công ty lâm nghiệp xin nghỉ việc (Ảnh: Uy Nguyễn).

Ngoài ra, áp lực từ dân di cư tự do, nhất là người dân tộc phía Bắc di cư sống sinh sống trong rừng, gần rừng, người dân phá rừng để lấy đất ở, canh tác, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và săn bắt động vật rừng để kiếm kế sinh nhai.

Giai đoạn 2005-2023 có trên 2.000 hộ dân (khoảng 10.000 người) di cư tự do đến Đắk Lắk đã gây áp lực lớn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Đặc biệt, tồn tại nhiều điểm dân di cư tự do trong lâm phần các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, các công ty lâm nghiệp đang là các điểm nóng trong việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép tại huyện: Buôn Đôn, Cư M'gar, M'Đrắk, Krông Bông.

Với những tồn tại, tiêu chí che phủ rừng không đạt, Sở NN&PTNT Đắk Lắk đề nghị UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh giảm chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng tại Nghị quyết số 29, đề xuất giảm tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2025 là 38,06%.

Trong trường hợp HĐND tỉnh giữ nguyên chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng, sở này đề nghị UBND tỉnh xem xét bố trí nguồn lực gần 1.900 tỷ đồng cho giai đoạn 2020-2025.

Sở NN&PTNT Đắk Lắk kiến nghị Trung ương xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng Tây Nguyên để quản lý bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả....

Cho phép sử dụng hợp lý một phần đất lâm nghiệp không có rừng để bố trí đất sản xuất cho người dân thực hiện theo Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030; ban hành chính sách hỗ trợ đặt hàng bảo vệ rừng tự nhiên nghèo cho đối tượng được giao quản lý rừng nghèo khác ngoài nhà nước;

Ban hành tiêu chí đánh giá, phân loại chất lượng rừng sát thực tế và bố trí bảo đảm nguồn lực tài chính, nâng mức hỗ trợ tương ứng cho công tác bảo vệ rừng và mức chi trả dịch vụ môi trường rừng phù hợp, bảo đảm coi làm rừng thực sự là một nghề.