1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Buồn vui Tết nghèo

(Dân trí) - “Chợ tết về làng rồi…” - mấy đứa trẻ thôn Cổ Liêm, xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) reo to khi thấy chiếc xe tải chở hàng chầm chậm lăn bánh khắp đường làng. Chúng chạy hùa theo chiếc xe, háo hức nhìn thùng xe chở đầy những hộp bánh mứt đủ màu sắc...

Buồn vui Tết nghèo - 1


Buồn vui Tết nghèo - 2

Chợ tết di động của  người Tân Hóa
 
Chiếc xe dừng lại, từ trong các ngõ xóm, những người phụ nữ, thanh niên, người già hòa vào đám trẻ vây lấy “chợ tết di động”. Với những miền quê xa trung tâm huyện lỵ hiện nay, có lẽ khung cảnh ấy đã trở nên hết sức bình thường, nhưng với Tân Hóa thì đó là một chuyện lạ. Lạ bởi mới hơn 2 tháng trước, cả vùng đất này bị cơn đại hồng thủy khủng khiếp nhấn chìm ở độ sâu gần chục mét nước, khiến toàn bộ dân chúng phải leo lên các lèn đá, chui vào các hang đá tránh lũ và đói rét suốt mấy ngày liền.
 
Buồn vui Tết nghèo - 3
Xuân đã về trên những lèn đá, nhưng trên những nóc nhà  vẫn còn dấu vết của bùn sau cơn  đại hồng thủy

 

“Gạo nếp hôm nay ký mấy rồi?”, một người phụ nữ trung niên tên Trương Thị Hường, ở thôn Cổ Liêm, Tân Hóa hỏi lửng. “Gần 20 ngàn chị ơi”. “Rứa thì chỉ đủ tiền mua 5 ký thôi. Vừa đồ xôi cúng tổ tiên ngày cuối năm, vừa gói ít bánh chưng gọi là có không khí tết”. Nói rồi chị móc trong túi áo ra một nắm tiền lẻ, tìm mãi cũng được một tờ một trăm ngàn đưa cho chủ “chợ”. Chị nói tiền đó cũng là tiền các đoàn cứu trợ cho sau đợt lũ. Chị để dành đến giờ để sắm Tết.
 
Buồn vui Tết nghèo - 4

Bà Cao Thị Đủ, 82 tuổi, ở thôn Cổ Liêm, xã Tân Hóa nói: “cứ chẻ sẵn củi, chờ con ở xa mang gạo nếp về nấu bánh chưng cũng chưa muộn…”.
 
Buồn vui Tết nghèo - 5
Bữa cơm ngày giáp tết của ông Trần Đức Tính, ở thôn 3, Tân Hóa chỉ  có một tô đựng canh, và  một chiếc xoong cũng đựng… canh nốt.

 

Cụ Trần Thị Sen, 79 tuổi, lom khom lách đám trẻ đến gần thùng xe. Cụ cứ vuốt vuốt lên mấy bao đựng gạo nếp chồng nhau phía gần đuôi xe mà trầm trồ: “Năm ngoái nhà tui mua cả chục cân nếp loại này ăn tết đó…”. Xong cụ nhìn “chợ” một lúc rồi buồn thiu quay lưng trở vào nhà.

 

Đông đúc nhất ở chợ tết này là trẻ con. Trong những chiếc áo ấm rộng thùng thình, em nào cũng tươi hơn hớn nhìn những hàng bánh mứt xanh đỏ. Hỏi một em buồn không khi tết năm nay bố mẹ không có tiền mua bánh mứt. Em chỉ nhoẻn miệng cười: “Thì đi nhìn thế này cũng thấy có “mùi” tết rồi”.
 
Buồn vui Tết nghèo - 6

 

Đi về cuối xã ở thôn 4 Yên Thọ. Từ đây ra sông Nan, con sông từng nhấn chìm cả xã này, chỉ khoảng vài trăm mét. Nhìn những ngôi nhà trống hoác, tường vách chắp vá, dường như tết chưa về đến đây. Nhưng càng đi sâu vào làng, càng thấy không phải. Tết thật sự đã về! Tết về theo cách của những người vừa trải qua đại nạn. Đơn giản vô cùng!

 

Trong gian nhà gỗ nhỏ, ông Trương Tiến Như, trưởng thôn đang tất bật với “tết”. Ông cùng vợ hết lật bàn ghế ra lau chùi lại dọn dẹp bàn thò tổ tiên. Ông cười gọn: “Đó! Tết đó. Có chi hơn…”.
 
Buồn vui Tết nghèo - 7

 

Ông Trương Xuân Sự, 77 tuổi cùng xóm thì tất bật với cặp đào trồng trước sân. “Năm ngoái nó ra nhiều hoa lắm. Nhưng năm nay thì hết rồi. Ngâm lụt mấy ngày nó chết luôn”. Nói vậy nhưng ông không tiếc rẻ lâu. Trên gốc đào khô khốc, ông vẫn chăm chỉ “tỉa tót” những nhánh cong queo. “Không có hoa để chơi, thì mình chơi cành. Chẳng phải cũng là tết đó sao”, ông nói. Bà vợ ông càng lạc quan hơn. Bà đã 62 tuổi, nhưng vẫn miệt mài ngồi khâu lại chiếc áo bữa lụt được cứu trợ nhưng đã bị sút chỉ. Bà cười khoe hàm răng đen nhánh: “Không có áo mới nên khâu lại cái áo này cho cháu mặc tết. Cũng còn mới mà…”.
 
Buồn vui Tết nghèo - 8
 
Buồn vui Tết nghèo - 9

 

Chúng tôi rời Tân Hóa mang theo lời bộc bạch của ông Cao Quý Ninh, Phó Chủ tịch UBND xã: “Thật ra với bà con ở đây Tết năm nay chủ yếu chỉ về trong lòng thôi, chứ tài sản, của cải trôi hết rồi đã kịp làm lại được gì đâu mà ăn Tết”.

 

Cách trung tâm xã chừng vài cây số, từ trên những lèn đá vôi cao ngất, 3 người phụ nữ ôm mấy bó lá dong mới hái đi xuống. “Hái về bán thôi chú ơi. Mỗi bó 10 ngàn. Bán xong có tiền mới lo tết cho nhà mình chứ”, một chị nói. Có lẽ đây mới thật sự là hình ảnh đón Tết của một nơi vừa trải qua cơn đại nạn khủng khiếp 2 tháng trước…
 
Buồn vui Tết nghèo - 10
Sau cơn lũ, dưới những lèn đá cáo ngất, đất đã “nở hoa”.

 

Phong Trần

Dòng sự kiện: Chào Xuân Tân Mão 2011

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm