1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Buôn điện thoại di động lậu: Chuyện đơn giản!

Gần đây, Hà Nội xuất hiện một số loại điện thoại di động kém chất lượng nhái một số hãng danh tiếng như Motorola, Sony Ericsson, Nokia, Samsung…, giá chỉ bằng nửa giá điện thoại nhập chính hãng nhưng "nhan sắc" thì đẹp ngang ngửa.

Trong vai người đi buôn loại hàng này, tôi đã tiếp cận một “chợ” điện thoại di động nhái để giải thích cho sự xuất hiện của điện thoại kém chất lượng tại Hà Nội.

Hàng nhái bán công khai

Từ nguồn tin của một người bạn, chúng tôi tìm đến Trung tâm Thương mại Việt – Trung  tại thị xã Móng Cái – Quảng Ninh. Sau một hồi loanh quanh giữa biển hàng tivi, đầu đĩa, loa, nồi điện, ấm điện, bếp điện… "made in China", chúng tôi lạc vào thế giới điện thoại di động, nằm bên trong tòa nhà TT thương mại Việt – Trung.

Gần như những dãy ki-ốt tại tầng một phía trong tòa nhà chỉ để bán điện thoại di động và phụ kiện. Trong các gian hàng, ngoài những chiếc điện thoại di động cao cấp của các hãng Nokia, Motorola, Samsung, Sony còn bày la liệt các loại điện thoại, nhìn qua rất giống  của các hãng điện thoại nổi tiếng nhưng tên rất lạ như MP3, MGP4, Sany…

Hỏi một chủ hàng: “Tại sao điện thoại hình dáng giống V3 của Motorola lại đề tên MP3?”. Chủ cửa hàng người Trung Quốc lại trả lời ngắn gọn: “Chỉ 2 triệu đồng”. Ngắm nghía một hồi, tôi tháo sim điện thoại của mình lắp vào chiếc điện thoại này. Mở máy, màn hình khởi động đẹp long lanh.

Ông chủ giới thiệu: “Siêu mỏng, ghi âm, quay video, chụp ảnh, thẻ nhớ 128 Mb”. Chiếc điện thoại mới tinh mà chỉ 2 triệu đồng. Nếu thích có thể cài phần mềm tiếng Việt.

Tuy nhiên, một chủ cửa hàng chuyên điện thoại di động tại Móng Cái khuyên tôi không nên dùng các loại hàng nhái vì chúng rất nhanh “chết”. Màn hình những đồ nhái này rất đẹp, thậm chí còn đẹp hơn hàng “xịn”. Nhưng dùng một thời gian thì nhòe nguồn, nhanh hỏng, thậm chí pin sẽ phát nổ.

Anh này cũng cho biết, phân biệt hàng nhái rất dễ vì dù kiểu dáng giống hệt nhưng màn hình giao diện khác và tên hãng đã được đổi thành MP3, MGP4…

Một loại dòng điện thoại khác mà người dùng rất khó phát hiện về độ tinh vi làm giả, đó là những dòng điện thoại thời trang cao cấp như O2. Những loại này, hình dáng, phần mềm, tên hãng đều được làm “i xì phoóc”, mới 100%, giá bán chỉ bằng một nửa hàng chính hãng.

Khi thấy tôi nảy ý định buôn loại hàng nhái này về xuôi, các chủ cửa hàng không ngần ngại đưa card để liên hệ, cộng thêm lời mời: giảm 20% nếu mua nhiều. Được biết, nếu muốn chuyển hàng trót lọt thì phải thuê người vận chuyển, giá từ 40-60 ngàn/chiếc. Nếu bị bắt người vận chuyển sẽ đền 100%.

Tôi thắc mắc, sao hàng lậu lại bán công khai thế này? Câu trả lời là: Đây là nơi buôn bán tự do, đóng thuế cửa hàng rồi nên bán vô tư!

Điện thoại lậu về xuôi: Chuyện thường ngày ở huyện

Hỏi chuyện một cán bộ Hải quan, tôi được biết, gần như hàng hóa bán tại đây đều là hàng lậu. Cán bộ này cho biết, đây là khu mậu dịch tự do. Một số mặt hàng buộc kê khai thuế hoặc cấm nhập như gà, đồ điện tử cao cấp, thuốc lá… thì mới bắt. Tuy nhiên, bắt chúng cũng không dễ vì dân buôn lậu điện thoại rất tinh vi và nhiều thủ đoạn.

Để tóm được hàng lậu anh em phải phục kích, mất nhiều thời gian. Về những chiếc điện thoại kém chất lượng hàng nhái, hàng lậu bày bán tràn lan tại chợ TT, anh này giải thích: “Về lý có thể bắt, nhưng… động vào… nhạy cảm lắm” (!?).

Một người dân ở đây cho biết, hàng lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam có vô số cách như xách tay, vận chuyển qua biên giới… Nếu đi qua các trạm kiểm soát, hải quan thì tất cả điện thoại, kể cả kém chất lượng, giá không thể rẻ như vậy. Và tất nhiên, những loại hàng giả, nhái sẽ bị thu giữ và tiêu hủy.

Tại cửa khẩu này, những người làm nghề buôn bán thường qua lại hai nước bằng sổ thông hành. Có hai loại giấy thông hành: nhiều lần và một lần. Sang Trung Quốc, nếu mua hàng với số lượng ít với danh nghĩa tiêu dùng, thường không ai phải đóng thuế. Chỉ những khi mua nhiều hàng để buôn bán mới phải nộp.

Những đầu nậu điện thoại thường sang Trung Quốc gom mỗi chuyến một ít rồi mang về Hà Nội, Hạ Long. Giá một sổ thông hành 1 lần nếu quen biết chỉ vài chục nghìn đồng. Thủ tục cực nhanh gọn. Thường thì những con buôn đều có mối của riêng mình. Chỉ cần alô là không cần phải đến nơi cũng có hàng.

Hành khách tuyến Móng Cái – Hạ Long thường rỉ tai nhau, khi gặp đội quản lý thị trường, đối tượng buôn lậu thường gí vào tay hành khách trên xe "cầm hộ" mỗi người một chiếc điện thoại. Tuy nhiên, một người buôn hàng tại Móng Cái cho biết không phải dễ dàng  mang được hàng lậu về xuôi.

Những mặt hàng lậu bán nhan nhản ngoài thị trường Móng Cái vì đây là thị trường tự do. Mua về dùng thì không ai cấm nhưng muốn mang hàng với số lượng lớn về Hà Nội, Hạ Long tất cả các xe đều phải qua một trạm kiểm soát hàng lậu tại Km15. Tại đây, tất cả hàng hóa trên xe đều bị khám xét. Trạm này chức năng không khác với trạm Dốc Quýt (Lạng Sơn) và có nhiệm vụ thu thuế bổ sung.

Chúng tôi nín thở khi đi qua trạm này nhưng chẳng thấy ai  kiểm tra túi xách. Trên một chuyến xe khách từ Móng Cái về Hà Nội, khi qua trạm kiểm soát chúng tôi gặp một số thanh niên lấy trong túi ra hàng chục chiếc điện thoại. Thấy chúng tôi sửng sốt, một hành khách chép miệng: “Chuyện thường ngày ở huyện”.

Theo Phạm Thành Duy
Tiền Phong