Bùng phát xe dù, bến cóc cuối năm
Cứ vào dịp cuối năm, tình trạng xe dù, bến cóc lại hoạt động rầm rộ. Hành khách đi trên những chuyến xe dù bị sang xe, vòi thêm tiền, bị thả xuống giữa đường… mà không biết khiếu nại với ai.
Trên đường Hùng Vương, ngay trước cổng Bến xe miền Tây, có 5 chiếc xe đang đón khách đi các tỉnh miền Tây. Phụ xe của chiếc xe mang biển số 53L-64… liên tục dang tay, chặn đầu các xe máy có chở người ngồi sau đi ngang. Sỗ sàng hơn, phụ xe 64L-47… chặn cả người đi bộ, không cần biết họ có nhu cầu hay không.
Bến “di động” này thường xuyên có gần 10 chiếc xe túc trực chờ đón khách. Ngoài ra còn nhiều điểm khác hoạt động cũng rầm rộ không kém như điểm mũi tàu An Lạc, trạm xăng số 12 (Bình Tân), đường Lê Hồng Phong (quận 10), các con đường xung quanh Trung tâm Thương mại An Đông và đường An Dương Vương (quận 5)...
Ở phía Bắc thành phố, dọc theo quốc lộ 1, quốc lộ 13… nhiều bến cóc mọc lên, lượng xe dù cũng tăng nhanh. Một người dân ở gần Bến xe miền Đông cho biết, gần 1 tuần nay cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông kiểm tra gắt nên xe dù đã dạt ra chợ Bình Triệu, quốc lộ 1. Nhiều xe khách vừa chạy xuống dốc cầu Bình Triệu (phía Thủ Đức) đã tạt vào ven đường đón khách. Cảnh níu kéo, trả giá giữa hành khách, phụ xe, những người làm nghề xe ôm đòi tiền hoa hồng… khiến cả khu vực nhốn nháo.
Nhưng công khai và quy mô nhất phải kể hàng loạt bến cóc trên quốc lộ 1. Trạm dừng xe buýt dưới chân cầu vượt Bình Phước cũng đã biến thành bến cóc bên đường. Vào khoảng 7-8 giờ sáng, nơi đây nhiều lúc có đến 30 người tập trung đón xe đi các tỉnh miền Trung, Bắc và Tây Nguyên. Các trạm xăng Huệ Thiên, Quốc Phong cách đó không xa cũng đã được các chủ xe khách biến thành bến xe. Trong khuôn viên các trạm xăng này thường xuyên có hơn 15 chiếc xe khách lớn, nhỏ vào bơm xăng, dầu và kết hợp đón, sang khách. Trước chợ nông sản Thủ Đức, chúng tôi ghi nhận chỉ trong mươi phút đã có đến 5 chiếc xe dù dừng lại đón khách.
Để xóa xe dù, bến cóc, trong thời gian qua các cấp, ngành từ trung ương đến thành phố đã liên tiếp ban hành nhiều văn bản: Chỉ thị số 18/2003 của UBND TPHCM về việc “tăng cường các biện pháp giải tỏa các tụ điểm xe khách trái phép và xử lý xe khách hoạt động kinh doanh bất hợp pháp trên địa bàn thành phố”; Chỉ thị số 01/2004 của Thủ tướng Chính phủ về “chấn chỉnh hoạt động vận tải khách liên tỉnh bằng ô tô” và Công văn số 4367/GTVT-VT của Bộ GTVT yêu cầu các tỉnh, thành thực hiện nghiêm việc chống xe dù, bến cóc.
Sở Giao thông-Công chính TPHCM đã lập các đội thanh tra cùng lực lượng bảo vệ của các bến xe thường xuyên kiểm tra để dẹp các “bến xe di động”, xe dù hoạt động trên đường. Thế nhưng, nạn xe dù, bến cóc chỉ tạm lắng khi lực lượng thanh tra ra quân.
Ông Lê Văn Thành, Phó Giám đốc Bến xe miền Tây cho biết, từ đầu năm đến nay, bến xe cùng các lực lượng chuyên ngành đã lập biên bản xử lý vi phạm 387 trường hợp, trong đó tạm giữ 103 phương tiện (xe khách). Nhiều bến cóc đã bị xóa nhiều lần như bến trạm xăng số 12, mũi tàu An Lạc, dọc đường Hùng Vương, đường Lê Hồng Phong, các con đường xung quanh khu vực chợ An Đông. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, khi lực lượng thanh tra rút đi, đâu lại vào đấy.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Long, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông, băn khoăn: Thời gian gần đây nạn xe dù, bến cóc đang có dấu hiệu bùng phát và hoạt động ngang nhiên, công khai. Trong khi đó lực lượng thanh tra giao thông còn quá mỏng. Còn theo ông Lê Hoàng Nam, tổ trưởng Đội Thanh tra giao thông số 2, thì cho rằng: “Xóa các bến cóc, xe dù không khó nhưng xóa xong lại không giữ được. Chính quyền ở nơi có bến cóc chưa quan tâm nên có bến đầu tháng đã xóa xong, cuối tháng hoạt động trở lại”.
Xem ra căn bệnh “xe dù, bến cóc” đang cần liều thuốc tổng hợp: không chỉ lực lượng thanh tra giao thông, mà cả cảnh sát giao thông và chính quyền các địa phương phải có sự phối hợp thường xuyên.
Theo Trần Yên
Sài Gòn Giải Phóng