1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

"Bức tranh hoạt động thanh tra, kiểm tra rất lộn xộn"

Thế Kha

(Dân trí) - Đó là nhận định của Tiến sĩ Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ, khi trao đổi với Dân trí về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến góp ý.

Bức tranh hoạt động thanh tra, kiểm tra rất lộn xộn - 1

Tiến sĩ Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ (Ảnh: Nguyễn Trường).

- Thưa ông, những điểm mới đáng chú ý nhất trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này là gì?

Thứ nhất, dự thảo luật cố gắng để phân biệt giữa "thanh tra" và "kiểm tra", dù rất khó khăn. Đây là điều cần thiết đầu tiên cần phải làm nếu muốn "quy hoạch" hoạt động thanh tra, kiểm tra cho ngăn nắp và nề nếp.

Bấy lâu nay bức tranh hoạt động thanh tra, kiểm tra rất lộn xộn, đi đâu cũng thấy thanh tra, kiểm tra, chỗ nào cũng sao cũng vạch, gây cho người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan nhà nước sự khó chịu vì sự lộn xộn, trùng lặp, chồng chéo.

Đó là chưa kể ngoài thanh tra, kiểm tra còn có cơ chế như kiểm toán, giám sát - dù tính chất khác nhưng cũng có những thứ na ná như thanh tra, kiểm tra.

Vì thế bây giờ phải xây dựng cơ chế rất rành rẽ: Thế nào làm thanh tra, thế nào là kiểm tra, thế nào làm giám sát, thế nào là kiểm toán… Ai làm việc gì là phải rõ và phù hợp với tính chất của mỗi loại.

Bác Hồ từng nói rằng kiểm tra là hoạt động thường xuyên của người quản lý, còn thanh tra là cách cấp trên xem xét hoạt động của cấp dưới. Thường là cơ quan, tổ chức, địa phương, bộ phận có sai lầm mới cần thanh tra. Câu này rất quan trọng, giúp phân biệt được thanh tra với kiểm tra.

Vì thế, trong sửa luật lần này chúng tôi sẽ cố gắng làm sao để đề cao trách nhiệm kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý nhằm phòng ngừa vi phạm; còn thanh tra phải rất chuyên nghiệp, bài bản, chính xác, khách quan.

Thứ hai, về tổ chức các cơ quan thanh tra đang có nhiều điều không hợp lý. Ví dụ cơ quan Thanh tra cấp huyện và Thanh tra cấp sở. Qua khảo sát thực tế chúng tôi thấy Thanh tra huyện thực chất hiện nay rất ít, chỉ 2-3 người, dẫn tới việc thanh tra huyện nhiều nơi hầu như không làm thanh tra. Một huyện chỉ cần vài cái đơn khiếu nại, tố cáo là cả cơ quan thanh tra đã làm quanh năm, nên hoạt động thanh tra rất ít.

Rồi Ban Tiếp công dân của tỉnh, của huyện lại thuộc Văn phòng UBND, tách rời với hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo mà thanh tra có chức năng tham mưu là không phù hợp.

Vì thế chúng tôi đề xuất ghép Ban Tiếp công dân thành một bộ phận của cơ quan thanh tra ở cả cấp tỉnh và cấp huyện. Nhưng qua tranh luận cũng có đề nghị thanh tra huyện chủ yếu làm công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo nhưng cũng nhiều ý cho rằng huyện là cấp chính quyền hoàn chỉnh, không có tổ chức thanh tra thì cũng không được.

Rồi chuyện Thanh tra Sở, nơi nào do nhu cầu quản lý mới thành lập, chứ có Sở hiện nay chỉ có hơn 20 người, không thể xếp được đơn vị Phòng thanh tra. Cấp Tổng cục cũng vậy, có nhu cầu thì tổ chức cơ quan thanh tra chuyên trách chứ không chỉ giao chức năng thanh tra như hiện nay…

Rồi cả hoạt động thanh tra nhân dân - thực chất là hoạt động giám sát của nhân dân ở địa phương cơ sở, không thích hợp điều chỉnh trong Luật Thanh tra mà nên để đưa vào một luật khác như Luật Dân chủ ở cơ sở mà Bộ Nội vụ đang xây dựng hoặc xây dựng đạo luật riêng về giám sát nhân dân cho phù hợp...

Bức tranh hoạt động thanh tra, kiểm tra rất lộn xộn - 2

"Đi đâu cũng thấy thanh tra, kiểm tra, chỗ nào cũng sao cũng vạch, gây cho người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan nhà nước sự khó chịu vì sự lộn xộn, trùng lặp, chồng chéo"-TS. Đinh Văn Minh (Ảnh: Nguyễn Trường).

- Như vậy có thể thấy việc nhanh chóng sửa đổi Luật Thanh tra đang trở nên hết sức cấp thiết?

Đúng như vậy. Một trong những yêu cầu đặt ra khi tiến hành sửa đổi Luật Thanh tra là đảm bảo bộ máy tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực.

Tôi cho rằng hoạt động thanh tra không phải chỉ phát hiện, xử lý, mà thông qua hoạt động thanh tra phải chỉ ra được lỗi hệ thống, kiến nghị sửa đổi luật, lỗ hổng của luật hiện hành.

Ví dụ như bây giờ "ăn đất" xảy ra rất nhiều, liên tiếp có các vụ A, B, C thì từ công việc của mình, từ các cuộc thanh tra đang thực hiện, thanh tra phải chỉ ra những sơ hở của pháp luật để kiến nghị sửa đổi pháp luật đất đai có liên quan. Ý nghĩa của hoạt động thanh tra như vậy mới đúng, góp phần hoàn thiện cơ chế.

- Có rất nhiều vụ việc mà cơ quan thanh tra không phát hiện ra sai phạm, nhưng sau đó đã bị xử lý hình sự khi cơ quan công an vào cuộc. Việc sửa Luật Thanh tra sẽ tính tới xử lý vấn đề này như thế nào, thưa ông ?

Thực ra điều này đã được quy định trong Điều 64 Luật phòng, chống tham nhũng: "Trường hợp sau khi kết thúc thanh tra, kiểm toán mà cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện có vụ việc tham nhũng xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tiến hành thanh tra, kiểm toán về cùng một nội dung thì Trưởng đoàn thanh tra, Trưởng đoàn kiểm toán, thành viên đoàn thanh tra, thành viên đoàn kiểm toán và cá nhân có liên quan đã tiến hành thanh tra, kiểm toán trước đó nếu có lỗi thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật".

Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm, mỗi lực lượng có tính chất riêng: Công an điều tra theo luật tố tụng hình sự và có thể sử dụng biện pháp nghiệp vụ của mình để phát hiện sai phạm. Còn thanh tra hoạt động theo Luật Thanh tra với nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ.

Nên cũng tùy từng trường hợp cụ thể mà đánh giá. Có những vụ việc thanh tra không phát hiện ra sai phạm do năng lực, trình độ yếu kém, cũng có thể do yếu tố khác, thậm chí cả nghi vấn tiêu cực để bỏ qua sai phạm,...

Vì thế, trong hoạt động mới phải có nhiều cơ chế, phải phối hợp, thậm chí sử dụng kết luận hay tham khảo kết quả của nhau. Trong quá trình thanh tra nếu thấy có sai phạm tới mức cần điều tra, xem xét trách nhiệm hình sự thì có thể chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra; khi đó cơ quan thanh tra vẫn tiếp tục làm.

Có thể thấy rằng, hồ sơ mà cơ quan thanh tra chuyển sang bây giờ cũng không khác gì tin báo tố giác tội phạm. Nhiều hồ sơ thanh tra đưa sang nhưng cơ quan điều tra không thể dùng được ngay. Muốn truy cứu hình sự người khác thì phải có giá trị chứng minh, phải được thu thập bởi cơ quan tố tụng nhưng thanh tra không phải cơ quan tố tụng. Đây cũng là vướng mắc khiến cho hiệu quả của hoạt động thanh tra còn hạn chế.

Bức tranh hoạt động thanh tra, kiểm tra rất lộn xộn - 3

Những "ồn ào" ở Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình diễn ra suốt thời gian dài nhưng phải tới khi Thanh tra Chính phủ kết luận mới đây dư luận mới thấy rõ hàng loạt sai phạm rất lớn (Ảnh: Đỗ Quân).

-Một trong những thực tế gây bức xúc dư luận thời gian qua là một đơn vị, một doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra mỗi năm. Làm sao để khắc phục chuyện này?

Đó là một trong những lý do phải sửa luật, giải quyết câu chuyện chồng chéo trên thực tiễn. Việc này cần xử lý từ chức năng, nhiệm vụ, cơ quan nào làm việc gì, loại việc thế nào và phạm vi ra sao phải rất rõ ràng.

Trong quá trình hoạt động, giữa các cơ quan đó phải có chương trình kế hoạch, nối mạng với nhau, trao đổi, thống nhất. Nếu xảy ra "đụng hàng", trùng lặp về kế hoạch thanh tra, kiểm tra hay với kiểm toán thì sẽ có cấp xử lý ngay để không trùng lặp. Bây giờ công nghệ thông tin giúp phát hiện ra ngay việc trùng lặp kế hoạch thanh tra, kiểm tra.

Đã tới lúc không thể mỗi ông một kế hoạch, mà phải nằm trong kế hoạch chung, tổng thể. Phải cố gắng cao nhất để xử lý chuyện chồng chéo và có cơ chế ràng buộc với nhau.

Phải khẳng định rằng trùng lặp trong thanh tra, kiểm tra là do cách làm. Còn chuyện một doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra nhiều là bình thường.

Làm doanh nghiệp thì đương nhiên phải liên quan đến lĩnh vực thuế, cơ quan thuế phải vào kiểm tra; liên quan đến môi trường thì cơ quan môi trường phải vào đánh giá. Rồi cơ quan phòng cháy chữa cháy, quản lý lao động, bảo hiểm xã hội,… cũng phải vào xem việc chấp hành như thế nào chứ. Cái này không thể gọi là chồng chéo, trùng lặp được nếu mỗi cơ quan làm đúng chức trách, nhiệm vụ phạm vi quyền hạn của mình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm