1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

“Bòn rút” người lao động để chi lương “khủng” cho sếp

(Dân trí) - Như Dân trí đã đưa tin về mức lương tiền tỷ của nhiều sếp doanh nghiệp công ích tại TPHCM, để có thể chi mức lương tiền tỷ này cho các sếp, các doanh nghiệp này phải “bóp mồm, bóp miệng” những người lao động trực tiếp làm những công việc nguy hiểm, độc hại.

Lương “sếp” gấp 41 lần lương “lính”

Ai cũng tưởng doanh nghiệp công ích lấy phục vụ xã hội là chính, lợi nhuận là thứ yếu nên thu nhập cũng chưa từng được xếp vào diện “soi xét”. Nhưng khi mức lương lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm của lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích ở TPHCM vừa được công khai thì ai cũng phải giật mình.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà yêu cầu các ban ngành liên quan tập trung phân tích nguyên nhân lợi nhuận, thu nhập của các doanh nghiệp công ích này vì nó cao hơn nhiều so với mặt bằng chung và không phù hợp với tính chất của hoạt động công ích.

Điều đáng giật mình hơn là để có thể chi các khoản lương khủng trên cho sếp, hàng loạt người lao động trực tiếp bị chèn ép, đối xử bất công và chi lương “bèo bọt”.

So với mức lương bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố (hơn 7,3 triệu đồng/tháng) thì lương bình quân của người lao động tại 4 doanh nghiệp công ích vừa bị thanh tra (công ty Thoát nước đô thị, công ty Chiếu sáng công cộng TPHCM, công ty Công trình giao thông Sài Gòn, công ty Công viên cây xanh) cao gấp 4 lần (hơn 22,2 triệu đồng/tháng).

Tuy nhiên, mức lương cao ngất ngưỡng đó chỉ dành cho những lao động thường xuyên của các doanh nghiệp trên. Còn những lao động thời vụ, những người trực tiếp làm công việc nặng nhọc tại các doanh nghiệp công ích này như chặt cây, thông cống, bảo trì đường dây điện, đào đường… lại được trả mức lương vô cùng khiêm tốn.

“Bòn rút” người lao động để chi lương “khủng” cho sếp
Lương giám đốc Công ty thoát nước đô thị lên đến 2,6 tỷ đồng/năm và cao gấp 41 lần so với những công nhân trực tiếp làm những công việc nặng nhọc này

Cụ thể, tại công ty Thoát nước đô thị, lương bình quân của lao động thời vụ năm 2012 chỉ là 5,4 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 20% lương lao động thường xuyên (25,6 triệu đồng/tháng), và chưa bằng 5% lương viên chức quản lý (111,2 triệu đồng/tháng).

Tại công ty Chiếu sáng công cộng TPHCM, lương bình quân của lao động thời vụ năm 2012 là 7,8 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 14% lương lao động thường xuyên (55,3 triệu đồng/tháng), và chưa bằng 5% lương viên chức quản lý (164,6 triệu đồng/tháng).

Tại công ty Công trình giao thông Sài Gòn, lương bình quân của lao động thời vụ năm 2012 là 4,5 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 18% lương lao động thường xuyên (25,7 triệu đồng/tháng), và chỉ bằng 7% lương viên chức quản lý (61,8 triệu đồng/tháng).

Chênh lệch thấp nhất là tại công ty Công viên cây xanh. Tại đây, lương bình quân của lao động thời vụ năm 2012 là 9 triệu đồng/tháng nhưng cũng chỉ bằng 58% lương lao động thường xuyên (15,4 triệu đồng/tháng), và bằng 17% lương viên chức quản lý (52,5 triệu đồng/tháng).

Còn so sánh lương của lao động thời vụ với lương của giám đốc các doanh nghiệp công ích này thì chẳng khác nào… lấy kiến so với voi. Đơn cử như tại công ty Thoát nước đô thị, lương của giám đốc lên đến 2,6 tỷ đồng/năm, cao gấp 41 lần mức lương bình quân của lao động thời vụ tại công ty này.

Đối xử bất công đối với những người lao động trực tiếp

Các thủ đoạn “bòn rút” người lao động tại các doanh nghiệp công ích trên được Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà chỉ ra rất rõ ràng, cụ thể trong thông báo kết luận mà Văn phòng UBND TP ban hành ngày 26/8.

Cụ thể, công ty Thoát nước đô thị bất chấp luật Lao động mà ký hợp đồng lao động thời vụ đối với 163 người lao động thường xuyên và ký hợp đồng có thời hạn đối với 355 trường hợp đủ điều kiện ký hợp đồng không xác định thời hạn. Nếu tính sơ sơ thì chỉ riêng hơn 500 trường hợp sai phạm này, với mức lương chênh lệch đến 20 triệu đồng/người/tháng giữa lao động thường xuyên và lao động thời vụ thì quỹ lương doanh nghiệp cũng “tiết kiệm” được 10 tỷ đồng/tháng để “bù” cho lương, thưởng của các viên chức quản lý.

Tại công ty Công trình giao thông Sài Gòn, 120 người lao động thường xuyên cũng chỉ được công ty này ký hợp đồng mùa vụ với thời hạn dưới 3 tháng và 94 lao động đủ điều kiện ký hợp đồng không xác định thời hạn cũng chỉ được ký hợp đồng có thời hạn.

Từ đó, ông Lê Mạnh Hà yêu cầu 2 công ty trên giao kết lại hợp đồng lao động với tất cả các trường hợp trên đúng theo bộ luật Lao động. Đồng thời, ông cũng yêu cầu các doanh nghiệp trên thực hiện ngay các biện pháp khắc phục hậu quả để khôi phục quyền lợi của người lao động đã bị công ty tước đoạt từ những năm trước đây cho đến nay như bảo hiểm xã hội và các quyền lọi khác; đền bù những thiệt hại do áp dụng các chế độ bất bình đẳng giữa những người lao động trong công ty.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà cũng yêu cầu 2 công ty trên báo cáo nguyên nhân và quan điểm khi thực hiện đối xử bất công đối với một bộ phận người lao động, những người lao động trực tiếp trong điều kiện khó khăn, độc hại và nguy hiểm.

Ông cũng yêu cầu các công ty trên báo cáo nguyên nhân và biện pháp khắc phục tình trạng thu nhập cao bất thường của viên chức quản lý, mức lương bình quân cao hơn nhiều so với bình quân chung và trả lương bất bình đẳng trong nội bộ doanh nghiệp; không phân biệt đối xử đối với những người lao động trong công ty.

Phó chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà yêu cầu các doanh nghiệp trên “tập trung phân tích về quan điểm của ban lãnh đạo doanh nghiệp trong việc chi lương cho giám đốc doanh nghiệp công ích cao bất thường và cao hơn nhiều lần lương trung bình toàn công ty, và đặc biệt là hơn rất nhiều lần của lao động thời vụ”.

Đồng thời, ông chỉ đạo công ty Thoát nước đô thị, công ty Công trình giao thông Sài Gòn và công ty Chiếu sáng công cộng kiểm tra nội bộ để tự phát hiện chi tiền lương, thưởng cho các viên chức quản lý sai quy định của những năm trước 2011, thu hồi toàn bộ số tiền chi sai. Sau khi có kết luận thanh tra, tổ chức kiểm điểm từng cá nhân sai phạm và đề xuất hình thức kỷ luật trình UBND TP.

Phó chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà cũng chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh – Xã hội xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật lao động của các công ty trên, đồng thời mở rộng thanh tra tình hình tại những công ty này các năm trước 2011 và thanh tra thêm công ty Công trình cầu phà. Sở này cũng phải phối hợp cùng Sở Nội vụ để đề xuất hình thức kỷ luật đối với tập thể và cá nhân sai phạm.

Hồng Tâm - Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm