1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Viết tiếp Chuyện khó tin ở vùng quê đau khổ:

“Bòn rút” hàng trăm triệu đồng, sao chưa bị xử lí?

(Dân trí) - Gần 1 tỉ đồng, đó là số tiền mà các “quan xã” Hải Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa chi sai nguyên tắc, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước suốt mấy năm qua, nhưng chưa được các cơ quan chức năng xử lí thích đáng.

Nổi cộm trong chuyện thu chi ngân sách “sai nguyên tắc”, đó là việc một số cán bộ địa phương lập hồ sơ khống rút hàng trăm triệu đồng tiền của nhà nước qua việc thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) để xây dựng tuyến kè biển Y Vích giai đoạn 1.

Trong khi những sai phạm trong GPMB tuyến kè Y Vích giai đoạn 1 còn chưa được xử lí dứt điểm thì việc thực hiện GPMB tuyến kè Y Vích giai đoạn 2 - 3 tiếp tục có những dấu hiệu bất bình thường.

Đó là việc ông Trưởng công an xã Hải Lộc Nguyễn Văn Chiến kí nhận tiền đền bù hơn 10 triệu đồng, nhưng trên thực tế ông Chiến không có đất nằm trong diện GPMB giai đoạn này.

Một cán bộ nằm trong ban GPMB của huyện Hậu Lộc xác nhận, đúng là ông Chiến không có đất, nhưng ông Chiến đứng ra nhận số tiền đó hộ xã vì chúng tôi đền bù cho xã thiệt hại một tấm bảng tin, một ngôi nhà trông coi rừng sú vẹt.

Thế nhưng khi chúng tôi đưa cho ông Chiến xem biên bản nhận tiền đền bù GPMB có chữ kí của ông và dấu của cơ quan chức năng thì ông Chiến cho rằng, “đó là chữ kí giả, tôi chưa bao giờ đứng ra kí nhận số tiền này, tôi đề nghị các cơ quan chức năng điều tra làm rõ”.

“Bòn rút” hàng trăm triệu đồng, sao chưa bị xử lí? - 1
Ai "mạo" chữ kí của trưởng công an xã để rút tiền của nhà nước?
 

Tại xã Hải Lộc hiện còn một số cán bộ khác đang bị người dân đứng ra tố cáo vì không có đất nhưng lại có tên trong danh sách đền bù GPMB kè Y Vích giai đoạn 2 -3 với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Trở lại những sai phạm trong GPMB giai đoạn 1 kè Y Vích, trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Hoằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc kiêm Chủ tịch Hội đồng đền bù GPMB tuyến kè Y Vích thừa nhận, có những hộ dân có tên trong danh sách nhận tiền đền bù GPMB nhưng không được kí nhận tiền, trong khi một số hộ dân khác không có tên trong danh sách lại được nhận tiền là do UBND xã xác nhận.

Ông Hoằng giải thích, nếu tiến hành đền bù cho các hộ dân theo tờ bản đồ 299, lập năm 1985, như chúng tôi đã áp dụng thì các hộ dân này được đền bù là đúng, nhưng đoàn thanh tra lại cho rằng phải áp dụng đền bù theo tờ bản đồ mới năm 2003 nên mới xảy ra chuyện.

Khi mang 2 tờ bản đồ đó ra so sánh, chúng tôi nhận thấy, tờ bản đồ 2003 không có hơn 20 hộ dân nào bị mất đất và đó là khu đất hoang nhưng lại được UBND xã Hải Lộc lập “hồ sơ khống” để trình lên huyện rồi nhận tiền đền bù GPMB.

“Bòn rút” hàng trăm triệu đồng, sao chưa bị xử lí? - 2
Ông Hoằng trao đổi với phóng viên

“Sau khi vẽ lại tờ bản đồ mới năm 2003 thì tờ bản đồ cũ 299 được lập từ năm 1985 không còn hiệu lực và trên thực tế khu vực đất được UBND xã lập hồ sơ để GPMB là khu đất hoang, làm gì có nhà nào bị ảnh hưởng”, một cán bộ cấp dưới của ông Hoằng và là thành viên Hội đồng đền bù GPMB huyện Hậu Lộc nói.

Tuy nhiên với vai trò Chủ tịch Hội đồng GPMB, ông Hoằng không thừa nhận những sai sót về chức năng giám sát, thẩm định hồ sơ trước khi tiến hành đền bù GPMB cho các hộ dân. Trên thực tế không có hộ dân nào bị thiệt hại thì không biết ông Hoằng định mang số tiền đó để đền bù cho ai?

Trong những ngày qua, không ít người dân bày tỏ sự lo lắng về việc, có những sai phạm tại xã Hải Lộc đã được đoàn thanh tra làm rõ từ rất lâu (tháng 5/2008 và tháng 8/2008), nhưng chưa thấy cá nhân nào sai phạm bị xử lí. Một số người dân địa phương lo sợ nếu những vị quan chức sai phạm mà không bị xử lí thì cuộc sống của họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn về sau.

“Xưa nay dư luận cho rằng sai phạm ở Hải Lộc kéo dài như vậy là có một thế lực nào đó đứng đằng sau, nhưng quan điểm của chúng tôi là kiên quyết xử lí không bao che. Là lãnh đạo địa phương nếu tôi sai tôi cũng xin chịu trách nhiệm”, Bí thư huyện Ủy Hậu Lộc Trịnh Ngọc Giao nói.

Hồng Ngân