1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện khó tin ở một vùng quê

“Dằn mặt” người chỉ đường, chặn tiền cứu trợ bão lụt

Vì chỉ đường cho nhà báo, anh Đinh Văn Tập đã được mời làm việc bằng cách “khoá tay, xốc nách” giữa đường. Chưa “no” với các khoản khoán phạt, quy trữ tài sản..., lãnh đạo xã Hải Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa còn “ăn ngon” cả tiền cứu trợ bão lụt của những người dân khốn cùng.

Bắt người vô cớ

 

Sáng 22/11/2008, đang tiếp xúc với mấy hộ dân ở thôn Thắng Hùng, xã Hải Lộc tôi giật mình bởi những tiếng la ó phía ngoài kè biển…

 

Trên triền kè, Phó Công an xã Bùi Văn Tảo cùng mấy công an viên đang bắt giữ anh Đinh Văn Tập, người khi sáng đưa chúng tôi trở lại thôn này. Ông Tảo mặc quần áo dân sự, cùng cấp dưới cố sức khoá tay, khống chế người mình muốn bắt. Anh Tập cũng cố gắng vùng vẫy thoát ra. Sự việc chỉ tạm dừng khi đèn máy ảnh của chúng tôi loé lên.

 

Thấy chúng tôi bất ngờ xuất hiện, mấy công an viên ở vòng ngoài cùng cán bộ thôn Thắng Hùng lập tức áp sát, ngăn lại. Họ yêu cầu không chụp ảnh và mời chúng tôi... đi nơi khác. Mỗi khi chúng tôi giơ máy ảnh lên, ngay lập tức một số công an viên sấn vào... che ống kính.

 

Theo anh Tập, sau khi chỉ đường cho chúng tôi vào thôn Thắng Hùng, anh quay ra kè biển để quan sát mấy lồng ngao của mình. Không biết từ đâu, ông Bùi Văn Tảo, ông Đinh Văn Khoa - Phó Công an xã cùng gần chục công an viên xuất hiện, “yêu cầu” anh về hội trường thôn làm việc. Xét thấy mình không mắc mớ gì với chính quyền, lại bị “mời” giữa đường giữa chợ, anh Tập thẳng thừng từ chối.

 

“Nói ngọt” mà con dân không nghe, những “đầy tớ của dân” ấy… đòi bắt! Họ xúm vào, mỗi người một nách, quyết xốc anh đi. Anh Tập yêu cầu họ trình lệnh bắt hay chí ít là giấy mời làm việc, nhưng, họ không thể đáp ứng.

 

Theo đề nghị của chúng tôi, anh Tập quay xe chở tôi về. Ông Bùi Văn Tảo, Phó Công an xã lại lao vào giật chìa khoá xe của anh Tập. Không còn cách nào khác, tôi bảo với đồng nghiệp, bất cứ ai có hành động cản trở thì ngay lập tức ghi hình. Nghe tôi nói vậy, ông Phó công an xã mới lùi ra.

 

Về đến nhà, còn chưa hoàn hồn thì anh Tập đã nhận được giấy triệu tập của Công an xã. Theo đó, đúng 11 giờ trưa ngày 22/11/2008, anh Tập phải có mặt ở văn phòng Công an xã để “giải quyết một số việc cần thiết”.

 

Chặn tiền cứu trợ bão lụt

 

Tháng 5/2008, UBND huyện Hậu Lộc thành lập đoàn thanh tra, tiến hành thanh tra các mặt kinh tế, ngân sách, xã hội, đất đai và xây dựng cơ bản tại xã Hải Lộc. Sau một thời gian làm việc, đoàn thanh tra đã phát hiện hàng loạt những sai phạm nghiêm trọng tại địa phương này.

 

Cơn bão số 7 năm 2005 đã gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân xã Hải Lộc: 230 hộ bị đổ tường, tốc mái. 9 hộ nhà bị sập đổ nặng. Nhà nước cùng các tổ chức xã hội, cá nhân đã ủng hộ những gia đình bị thiệt hại do bão số tiền là 334 triệu đồng. Đảng uỷ - UBND xã có chủ trương giao xuống cho các hộ bị thiệt hại, nhưng lại... “động viên” những hộ ấy “tự nguyện” đóng góp xây dựng trường tiểu học.

 

Trong 3 năm (từ 2004 - 2007) tổng số tiền sai phạm của UBND xã Hải Lộc đã lên tới gần 970 triệu đồng. Cùng với những sai phạm đã nêu ở trên thì công tác Quản lý ngân sách và các loại quỹ cũng có vấn đề, với số tiền sai phạm là trên 295 triệu đồng (đặc biệt nghiêm trọng, về sai phạm này, xã đã có những khoản thu, chi, trích thưởng bỏ ngoài sổ sách số tiền hơn 131 triệu đồng, chiếm dụng nguồn thu xây dựng trường học số tiền hơn 38 triệu đồng...). Công tác đầu tư xây dựng cơ bản cũng lình xình với số tiền sai phạm là 108 triệu đồng...

Làm việc với Ban cứu trợ, kiểm tra hồ sơ tiếp nhận, chi trả, đoàn thanh tra được biết, toàn bộ hơn 300 triệu nói trên đã “nhảy” vào ngân sách xã qua 3 chứng từ thu, dưới hình thức “đóng góp tự nguyện”.

 

Tìm hiểu tại các hộ dân “tự nguyện đóng góp” hàng trăm triệu cho quỹ chung này, chúng tôi được biết họ đều là những hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Hầu hết họ đều không biết mình được “bồi thường thiệt hại” cụ thể là bao nhiêu tiền, nhưng nếu không hưởng ứng lời kêu gọi đóng góp vì việc chung của xã thì nhận được lời đe doạ: “Nếu không ký vào biên bản ủng hộ tiền, sau này có xảy ra chuyện gì thì chính quyền địa phương sẽ... không chịu trách nhiệm!”.

 

Khai khống “ăn” đền bù đất đai

 

Theo biên bản xác định đất ở ngày 12/4/2006 với sự chứng kiến của đại diện huyện Hậu Lộc và xã Hải Lộc, có 27 hộ bị ảnh hưởng, thiệt hại do xây dựng kè đê biển Y Vích…Tuy nhiên, xác minh của đoàn thanh tra thì thiệt hại không như những gì xã đã đệ trình. Căn cứ vào bản đồ địa chính thì diện tích đất bị thiệt hại chỉ là đất hoang hóa chứ không phải đất của các hộ dân. Số tiền GPMB chi trả sai là trên 230 triệu đồng.

 

Làm việc với các hộ dân, cơ quan thanh tra phát hiện chỉ duy nhất 1 hộ nhận đủ tiền bồi thường là gần 40 triệu đồng. Có 8 hộ ở thôn Thắng Hùng được ông trưởng thôn Nguyễn Văn Hự “nhận hộ” trên 35 triệu đồng. Các hộ còn lại thì do xã đứng ra “cầm giúp”.

 

“Truy tìm” hơn 35 triệu đồng do trưởng thôn Nguyễn Văn Hự ký nhận, đoàn thanh tra được biết, thôn đã sử dụng 20 triệu đồng vào việc sửa chữa các công trình phúc lợi của thôn, số còn lại quỹ thôn đang quản lý.

 

Còn về số tiền mà xã “nhận thay” dân, theo xác minh của đoàn thanh tra, hội đồng bồi thường GPMB đã chi trả làm 2 đợt. Sau 2 đợt chi trả, trên 155 triệu đồng đã được “chuyển hoá” thành tiền “tình nguyện đóng góp cho xã để xây dựng trường mầm non”.

 

Cũng theo xác minh của đoàn thanh tra, toàn bộ số tiền trên 155 triệu nói trên tuy “chi tiêu” vào “mục đích chung” nhưng đã để ngoài sổ sách kế toán. 

 

Cấm nhà báo ghi âm, chụp ảnh

 

Những ngày ở Hải Lộc, chúng tôi đã rất mong nhận được câu trả lời từ những lãnh đạo cao nhất của địa phương này. Tuy nhiên, dù đã đặt lịch trước nhưng chúng tôi vẫn bị lãnh đạo xã khước từ với nhiều lý do. 

 

Sau nhiều lần đi lại, chúng tôi cũng "gặp may" khi chiều ấy, bà Trịnh Thị Huyên - Chủ tịch UBND xã đang chuẩn bị khoá cửa phòng đi đâu đó thì chúng tôi vào. Bà Huyên buộc phải tiếp chúng tôi. Bà mở đầu cuộc trao đổi bằng yêu cầu nhà báo không sử dụng máy ghi âm và không chụp hình cuộc làm việc này. Bà bảo, trong luật đã... quy định rất rõ và ngay cả uỷ ban xã cũng có quy định đó. Bà chỉ cho chúng tôi xem tấm bảng có quy định “cấm chụp ảnh và ghi âm” treo ngay hội trường uỷ ban.

 

Chúng tôi hỏi, uỷ ban xã dựa vào luật nào để ra những điều cấm vô lý trên thì nhận được câu trả lời: “Luật đây là sự đồng ý của... cá nhân tôi. Mặc dù tôi là lãnh đạo nhưng tôi không đồng ý thì các anh không được làm. Có vậy thôi!”.

 

Không thắng được cái luật vô lý này, tôi đồng ý cách thức làm việc theo đúng như bà Huyên yêu cầu. Buổi làm việc có thêm một thư ký, ghi biên bản. Cuối buổi làm việc, tôi đã yêu cầu được chụp lại biên bản của cuộc làm việc trên trước khi ký tên thống nhất những nội dung mà mình đã trao đổi. Thế nhưng, mong muốn ấy của tôi đã bị gạt đi. Vậy là, cả buổi chiều “thẳng thắn trao đổi” coi như đã ném xuống sông xuống bể.

 

 

Thay lời kết

 

Những ngày ở Hải Lộc, nhiều người dân đã chuyển đến chúng tôi lời thắc mắc rằng, tại sao những kẻ coi trời bằng vung vẫn chưa bị pháp luật xử lý nghiêm minh?! Phải chăng những “cường hào mới” ở địa phương nghèo khó này có sự “đỡ đầu”, bao che nên mới lộng hành, coi thường kỷ cương phép nước tới vậy!? Những câu hỏi này xin chuyển đến các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá.

 

>>Bài 1: "Quan" xã xiết nợ cả... quan tài

>>Bài 2: Cưỡng ép làm từ thiện và án phạt “chuồng tiêu”

>>Bài 3: Không nộp đủ thì xã… “cấm cửa”

 

Theo Đào Thanh Tuy

Nông thôn ngày nay