1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Nam:

Bốn đám tang toàn vòng hoa trắng nơi vùng quê nghèo

(Dân trí) - Bốn đám tang của 4 học sinh trong cùng một xóm. Những vòng hoa trắng tang thương ngập xóm nghèo u uất.

Ngày 14/10, chúng tôi tìm về làng An Sơn (thôn 6, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam), nơi có 4 em học sinh bị chết đuối vào ngày 11/10 vừa qua. Cả xóm vừa tiễn các em về nơi an nghỉ cuối cùng. Không khí u buồn tang thương vẫn phủ khắp xóm nghèo...

Bà Võ Thị Minh mẹ của cháu Tín ôm quần ao con, ngồi khóc trước sự ra đi của cháu
Bà Võ Thị Minh mẹ của cháu Tín ôm quần ao con, ngồi khóc trước sự ra đi của cháu

 

Như Dân trí đã đưa tin, trưa ngày 11/10, 4 em Nguyễn Văn Tín (SN 2004), Lê Dinh, Trần Anh Đạt và em Phạm Duy Hậu (cùng SN 2003, trú thôn 6, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, đều là học của trường THCS Lê Thị Hồng Gấm, xã Tiên Cảnh) đã đến suối Lò Thung trên dòng sông Đá Giăng (thuộc thôn 3, xã Tiên Cảnh) để câu cá và tắm. Trong lúc tắm không may 4 em học sinh này bị trượt chân xuống vùng hố nước sâu và bị lũ cuốn trôi.

Dù ngày sau đó người dân ở gần phát hiện chạy đến cứu vớt nhưng không kịp, 4 em đều tử nạn. Chiều ngày 11/10 đã vớt được 3 thi thể của các em Văn Tín, Lê Dinh và Trần Anh Đạt. Đến 8 giờ sáng ngày 12/10, lực lượng cứu hộ mới vớt được thi thể của em Hậu.

Cái chết của các em là một tại họa đến với cả làng. Không ai nghĩ 4 học sinh trong trắng chăm ngoan lại ra đi một cách bất ngờ. Ông Nguyễn Thanh, cha của Nguyễn Văn Tín tâm sự trong dòng nước mắt: “Ngày chủ nhật nó được nghỉ học ở nhà chơi với các bạn bè trong xóm, còn hai vợ chồng tôi đi làm rẫy, đến trưa thì nghe tin như sét đánh”.

Ông Phạm Văn Hưng cha của cháu Hậu kể lại sự cái chết của con mình
Ông Phạm Văn Hưng cha của cháu Hậu kể lại sự cái chết của con mình

 

Trong nỗi đau quá lớn, người đàn ông này khóc ngất từng quãng rồi gạt nước mắt kể tiếp: “Cả vợ chồng tôi lúc đó hoảng loạn, bỏ tất cả đồ đạc chạy đến nơi xem thực hư ra sao. Tôi vừa chạy vừa lạy trời lạy phật cho con tôi được sống. Nhưng đến nơi chỉ thấy chiếc xe đạp và quần áo trên bờ. Biết con mình bị lũ cuốn trôi, vợ tôi đổ sụp, còn tôi chết lặng. Mọi ngày con tôi học xong lại về nhà rất ngoan hiền, lễ phép nhưng không biết tại sao hôm đó nó lại đi chơi như vậy, đau đớn quá!”.

Trong căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Thanh, trên bàn thờ khói hương nghi ngút, đôi mắt ngây thơ trong di ảnh của em Tín khiến những ai đến thắp hương cũng thấy đau lòng. Tín là người nhỏ tuổi nhất trong số 4 em tử nạn.

Ông Nguyễn Thanh, cha của Tín đau buồn nói: “Buồn quá các anh à. Nuôi đứa con đến chừng này mà bất ngờ nó ra đi làm sao mà chúng tôi đành lòng”. Bà Võ Thị Minh mẹ Tín gục đầu bên bàn thờ trong niềm đau đớn.

Từ nhà em Tín, chúng tôi đi qua các con đường nhỏ ngoằn nghèo và trơn trượt bởi trời mưa đến với từng gia đình, chia sẻ nỗi đau với người thân của các em.

Bàn thờ cháu Lê Dinh
Bàn thờ cháu Lê Dinh

 

Tại nhà em Lê Dinh, bà Giang Thị Toàn (86 tuổi) là bà nội của em lặng lẽ ngồi ở một góc nhà, trên khuôn mặt nhăn nheo chất chứa nỗi đau buồn. Bà tâm sự trong nước mắt: “Cháu ở nhà nó ngoan lắm. Do cha nó đi làm xa, một mình nó ở nhà một tay phơi lúa, lo việc trong gia đình, thế mà nó bỏ tôi, bỏ cha mẹ nó đi rồi. Hôm đó nó đi sớm, cũng chưa ăn được miếng cơm nào”.

Nhìn mái đầu bạc tiễn đưa mái đầu xanh về đất lạnh, không ai kìm được nước mắt.

Ông Lê Dần, cha của Dinh tâm sự: “Do hoàn cảnh quá khó khăn, để có tiền cho con ăn học, tôi vào tận tỉnh Bến Tre làm phụ hồ kiếm tiền gửi về lo cho gia đình và để con có tiền ăn học. Cực mấy cũng được để mong nuôi con khôn lớn, ăn học thành người nhưng bây giờ con tôi đã mất rồi, nỗi đau này quá lớn. Vợ chồng tôi bây giờ sống như kẻ mất hồn rồi, đau buồn lắm, chẳng thiết sống nữa”.


Mẹ Dinh quá đau đớn khi mất con.

Mẹ Dinh quá đau đớn khi mất con.

 

Ông Dần chia sẻ: “Khi nghe tin, chân tay tôi rụng rời, đi không nổi. Dù không có tiền nhưng tôi phải vay đỡ chủ thầu ít tiền đi xe và về lo tiền mai táng cho cháu...”.

Với gia đình em Phạm Văn Hậu, nỗi đau càng nhân lên gấp bội bởi tai họa đang liên tiếp giáng xuống gia đình nghèo này.

Ông Phạm Văn Hưng - bố Hậu – kể: “Nhà tôi có 6 người, 2 vợ chồng và 4 người con gồm 2 trai 2 gái, cuộc sống cơ cực phải đi làm thuê để sinh sống. Thế mà trời đất không thương đã cướp đi của tôi 2 người con trai. Anh trai nó bị tai nạn giao thông vừa mới mãn tang thì nay đến lượt cháu ra đi. Làm sao tôi sống cho được...”.

Ở xóm nghèo này, mỗi người mỗi cảnh nhưng có một cái chung là đều rất khó khăn, kinh tế eo hẹp. Với gia đình 4 em vừa bị nạn cũng vậy.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phước Dương - Phó Chủ tịch xã Tiên Cảnh - cho biết: “Khi nhận được thông tin 4 em học sinh của trường THCS Lê Thị Hồng Gấm bị trượt chân xuống nước chết đuối thương tâm, lãnh đạo xã đã huy động dân quân, công an xã cùng người dân đi dòng các bãi đá Lò Thung để tìm kiếm, vớt thi thể các em. Để chia sẻ cùng gia đình các em, đoàn thanh niên, các ngành của xã đến động viên, an ủi và hỗ trợ kinh phí cho gia đình vượt qua nỗi đau mất mát này”.

Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước - cho hay, do mấy ngày trước có mưa lớn nên tại đoạn suối Lò Thung nước suối dâng cao, chảy xiết, trong khi tất cả các em đều không biết bơi nên xảy ra sự việc đau lòng. Lãnh đạo huyện Tiên Phước đã đến động viên các gia đình, hỗ trợ gia đình mỗi em bị nạn 2 triệu đồng để lo mai táng.

Công Bính