1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bơm nước Hồ Tây vào có làm sạch được sông Tô Lịch?

(Dân trí) - Chuyên gia Nhật Bản cho rằng, nếu chúng ta chỉ bơm nước vào đầu nguồn sông Tô Lịch (Hà Nội) với mục đích “thau rửa, làm sạch” mà không xử lý vấn đề ô nhiễm tại chỗ thì chẳng khác gì dồn nước bẩn xuống hạ lưu, dòng sông này vẫn ô nhiễm.

Trước đó, sáng 9/7, Công ty Thoát nước Hà Nội cho mở cửa xả hơn 1 triệu mét khối nước từ Hồ Tây ra sông Tô Lịch nhằm thực hiện công tác phục vụ thoát nước mùa mưa. Từ việc này, nhiều ý kiến cho rằng, chỉ cần xả nước Hồ Tây hoặc sông Hồng thật nhiều vào đầu nguồn sông Tô Lịch để “thau rửa” dòng sông thì một thời gian sau con sông này sẽ được “hồi sinh”.

Bơm nước Hồ Tây vào có làm sạch được sông Tô Lịch? - 1

Sáng 9/7, Công ty Thoát nước Hà Nội cho mở cửa xả hơn 1 triệu mét khối nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch nhằm thực hiện công tác phục vụ thoát nước mùa mưa.

Tuy nhiên, TS.Takeba Akira, Cố vấn Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cho rằng, nếu chúng ta chỉ bơm nước vào đầu nguồn sông Tô Lịch với mục đích “thau rửa, làm sạch” mà không xử lý vấn đề ô nhiễm tại chỗ thì chẳng khác gì dồn nước bẩn xuống hạ lưu, dòng sông này vẫn ô nhiễm.

TS.Takeba Akira phân tích, việc xả nước Hồ Tây vào sẽ đẩy một phần nước ô nhiễm vốn có của sông Tô Lịch xuống hạ lưu, làm con sông này ô nhiễm hơn.

Theo TS.Takeba Akira, đơn vị thực hiện đề án sẽ xây dựng trạm bơm công suất 156.000 m3/ngày đêm để bơm xả nước vào sông Tô Lịch với mục đích “thau rửa” và “làm sạch sông Tô Lịch”.

“Dòng sông Tô Lịch đang bị ô nhiễm nặng, hàng ngày có khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt từ gần 300 cống xả trải khắp 2 bên đổ vào. Nếu chúng ta dùng bơm công suất 156.000 m3/ngày đêm để bơm nước từ nơi khác vào thì chỉ dồn nguồn nước ô nhiễm này xuống và gây ô nhiễm cho hạ lưu, dòng sông càng ô nhiễm chứ không cải thiện được gì” - TS.Takeba Akira phân tích.

Vậy việc bơm nước từ bên ngoài vào sông Tô Lịch là không có tác dụng?, TS.Takeba Akira trả lời: Chúng ta phải làm sạch dòng sông trước khi bơm nước vào.

Bơm nước Hồ Tây vào có làm sạch được sông Tô Lịch? - 2

TS.Takeba Akira - Cố vấn Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản.

Theo vị chuyên gia Nhật Bản này, nguyên lý xử lý ô nhiễm là phải xử lý tại chỗ chứ không phải dồn nước bẩn “sang nhà hàng xóm”. Công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản mà Hà Nội đang áp dụng thí điểm để làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và góc Hồ Tây được ví như “nhà máy xử lý nước thải tại chỗ” dưới lòng sông.

Công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản hoàn toàn không sử dụng hóa chất, xử lý được nước thải tại chỗ hàng ngày chảy xả vào sông Tô Lịch mà không cần xây dựng hàng chục km cống bao, thu gom về “Nhà máy xử lý nước thải tập trung” dùng công nghệ hóa học, vật lý cổ điển khác.

Chuyên gia Nhật Bản đánh giá, để xử lý làm sạch cả sông Tô Lịch trong, về mặt công nghệ, đầu tiên cần xử lý làm sạch nước sông đang bị ô nhiễm bằng công nghệ Nhật Bản như nói ở trên. Sau đó chúng ta mới thực hiện việc xả nước từ Hồ Tây vào để lợi dụng tác động của dòng chảy, nước nano và các vi sinh vật có lợi đã được kích hoạt bởi các tấm vật liệu Bioreactor được khuếch tán theo dòng chảy xuống các khu vực hạ lưu như sông Nhuệ,... từ đó góp phần cải thiện chất lượng nước một phần nào đó của cả khu vực hạ lưu.

“Việc lợi dụng được dòng chảy, nếu dòng chảy càng nhanh thì khoảng cách giữa các máy nano càng có thể đặt cách xa nhau được hơn nữa, khi đó mật độ máy sẽ giảm và tiết kiệm được ngân sách nhà nước nếu đầu tư bằng công nghệ Nhật Bản” - TS.Takeba Akira nói.

Hiện nay, tại sông Tô Lịch có các dự án đang triển khai để làm sạch dòng sông này như thí điểm bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản; Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá rộng 13,8 ha nằm ở xã Thanh Liệt (Thanh Trì); Dùng chế phẩm Redoxy3C và bơm nước nơi khác vào dòng sông.

GS.TS.Nhà giáo nhân dân (NGND) Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội Môi trường và Tài nguyên nước Việt Nam cho rằng, dùng chế phẩm Redoxy3C chỉ xử lý được nguồn nước và ở phạm vi rất hẹp chứ không xử lý vấn đề bùn của sông Tô Lịch. Bởi, theo GS Tuấn, xử lý nước sông Tô Lịch cần giải quyết vấn đề mùi, nguồn nước và lượng bùn.

"Dùng chế phẩm Redoxy3C chỉ làm sạch được nguồn nước ở phạm vi hẹp, còn chúng ta vẫn phải nạo vét bùn. Mà dòng sông thường chảy, nên theo tôi là khó hiệu quả" - GS.TS.NGND Tuấn nhận định.

GS.TS.NGND Ngô Đình Tuấn đánh giá, công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch tại chỗ bước đầu cho kết quả khả quan. Khi dòng sông được làm sạch bằng công nghệ này, chúng ta bơm nước vào tạo dòng chảy để lan tỏa về phía hạ lưu, từ đó nguồn nước cuối dòng sông cũng được cải thiện.

Bơm nước Hồ Tây vào có làm sạch được sông Tô Lịch? - 3

GS.TS.NGND Ngô Đình Tuấn.

Trước đó, ngày 16/5, TP Hà Nội khởi động dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản (khu vực đầu đường Hoàng Quốc Việt). Sau hơn 1 tháng thí điểm bước đầu nước sông Tô Lịch tại khu vục thí điểm có cải thiện theo chiều hướng tích cực, bớt mùi hôi và nước trong hơn.

Mô phỏng mô hình làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản

Theo đại diện thực hiện dự án làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản, dự kiến, ngày 17/7 tới đây, các đơn vị độc lập sẽ lấy mẫu phân tích nước mặt, trầm tích, đo độ dầy bùn tại khu vực thí điểm xử lý. Ngoài ra, các đơn vị chức năng cũng lấy thêm mẫu nước, mẫu bùn, đo độ dầy bùn tại bên trong khu quây tôn (có nước thải lưu thông từ bên ngoài vào) của khu trình diễn xử lý phân hủy bùn hữu cơ thành khí CO2 và nước H2O để đánh giá thêm hiệu quả xử lý của công nghệ.

Tuy nhiên, thời gian lấy mẫu dự kiến nói trên có thể bị lùi lại do tác động của việc bơm nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch những ngày qua. Khi nào dừng bơm nước vào và dòng sông Tô Lịch tại vị trí thí điểm trở lại trạng thái thường ngày thì sẽ tiến hành lấy mẫu đi phân tích để cho kết quả khách quan hơn.

Dự kiến, đầu tháng 8/2019, sẽ tổ chức họp báo và báo cáo UBND TP Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường toàn bộ quá trình thí điểm. Sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng quyết định chủ trương theo Thông cáo báo chí ngày 11/4/2019 của Văn phòng Chính phủ.

Nguyễn Dương